(VietNamNet) - Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB) cho rằng, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải huy động từ nhiều nguồn lực, chứ không thể chỉ ngân hàng thương mại gánh vác với tiền gửi tiết kiệm của dân.
Thưa ông, có nhiều quan điểm cho rằng, hiện nay ngành ngân hàng không mặn mà với thị trường bất động sản (BĐS), điều này có đúng không?
- Nói sai thì không đúng, nhưng nói đúng cũng không đúng. Vấn đề ở chỗ là ngân hàng hết tiền đầu tư cho BĐS. Vì vậy, dù ngân hàng có mặn mà, cũng không thể mạo hiểm được.
Trong cuộc gặp gỡ với các ngân hàng vào tháng trước, UBND TP.HCM có kêu gọi đầu tư cho một số công trình hạ tầng, nhưng hầu hết các ngân hàng đã sử dụng hết mức cho phép, chứ không phải là không mặn mà. Hiện nay, thị trường BĐS ở TP.HCM đóng băng, cốt lõi là do vấn đề này.
Nhưng ACB vẫn cho nhiều thành phần kinh tế khác vay?
- Đúng vậy. Ngân hàng không bao giờ hết tiền. “Hết tiền” ở đây là hết vốn dài hạn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho thị trường BĐS.
Giữa nền tài chính ngân hàng với thị trường BĐS có quan hệ tương hỗ song phương rất chặt chẽ. Thị trường BĐS phát triển sẽ thúc đẩy thị trường tài chính, thị trường tài chính phát triển thì sẽ hỗ trợ và thúc đẩy thị trường BĐS.
Sau sự kiện 11/9, nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng khá nặng, trong đó các thị trường như hàng hóa chẳng hạn, rất ảm đạm. Tuy nhiên thị trường BĐS vẫn phát triển, nên nền tài chính của Mỹ cũng được ổn định phần nào.
Các nước trên thế giới dành sự đầu tư tài chính cho thị trường BĐS với một tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên không phải đầu tư đến bao nhiêu cũng được. Nếu không cân đối được việc đầu tư, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trước đây, Thái Lan đầu tư lớn, đã làm mất cân đối, gây ra khủng hoảng thị trường tài chính châu Á. Đó là bài học không thể nào quên.
Với thế giới, nhờ có tỷ trọng tương đối, nguồn vốn dài hạn được chuẩn bị đầy đủ, nên mới dành cho đầu tư BĐS với tỷ lệ tương đối cao. Ví dụ, khi vay mua nhà, người dân được nợ từ 20 đến 30 năm. Nhờ đó mọi người đều có thể vay. Và cũng nhờ đó lại tạo ra một thị trường tài chính vận hành tốt.
Trong khi đó ở VN chưa có sự hình thành này. Vốn của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Quy định của Nhà nước hiện nay là chỉ được dành 30% vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn. Việc quy định này nhằm tránh rủi ro tài chính, đã được tính toán đầy đủ, song cũng là một khó khăn cho các ngân hàng.
Vì vậy, việc các ngân hàng thường cảnh báo “hết vốn” là một chi tiết cần được chú trọng. Làm việc gì lấy ngắn nuôi dài thì được, chứ về lĩnh vực đầu tư BĐS mà lấy ngắn nuôi dài thì chẳng khác gì đi đánh bạc với rủi ro mà mình đã cầm chắc thua.
Ngoài ra, còn điều gì khác khiến các ngân hàng chưa nhiệt tình với thị trường này?
- Vấn đề chính là như trên. Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề là Việt Nam lại thiếu một cơ chế hỗ trợ lâu dài để giúp ổn định thị trường tài chính ngân hàng và thị trường BĐS. Chẳng hạn, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình công ích, thiếu tài sản đảm bảo. Thành phố cũng chưa có sự bảo hộ cho nhà đầu tư. Từ đó, tâm lý nhà đầu tư cũng không yên tâm.
Các ngân hàng ở Việt Nam, hầu hết là Ngân hàng thương mại, bản chất là đầu tư vốn ngắn hạn cho kinh doanh, thương mại. Việc đầu tư cho BĐS, trên thực tế không thể dựa trên tài chính ngân hàng, mà phải qua nhiều kênh huy động khác, lâu dài và bền vững, thì mới mong tạo ra một thị trường BĐS phát triển tốt, và tác động tốt đến tài chính, kinh tế xã hội.
Chung cư CONIC - GARDEN của Công ty Lĩnh Phong - CONIC, ban đầu cho trả chậm 7 năm, sau đó được Ngân hàng hỗ trợ cho vay lên 15 năm. Ảnh: Đ.V. |
Nói như vậy, thì tình hình đầu tư cho BĐS tới đây sẽ rất ảm đạm?
- Đưa vốn vào các công trình hạ tầng với thời gian 15 - 20 năm bằng nguồn tài chính của các ngân hàng thương mại, là không khả thi. Việc đầu tư sắp tới có khó khăn thực sự đấy, song như thế không có nghĩa là không phải không có hướng giải quyết, nếu Nhà nước sẵn sàng bổ sung, tạo ra cơ chế hợp lý hơn.Hiện tại thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai, chưa đầy đủ. Việc huy động vốn dài hạn là một trong nhưng khâu khó nhất. Khách hàng gửi với kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng là nhiều, 1 năm đã ít, 3 năm càng hiếm hoi. May chăng, chỉ có ngân hàng chuyên doanh, như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, chuyên dùng những nguồn vốn đầu tư cho những dự án mang tính chất lâu dài. Nên, nếu đặt vấn đề cho một thị trường vốn, thì phải là một cơ chế khác, huy động từ nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp, chứ không thể các ngân hàng gánh vác.
Theo ông, đó là những cách nào?
- Trước hết, có thể huy động vốn tái gửi. Vốn ngắn hạn có thể trở thành vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên vẫn không thể xem đó là nguồn ổn định. Để khuyến khích tái gửi, ngân hàng phải có một cung cách phục vụ tốt, tạo niềm tin cho khách hàng. Điều này ACB đã làm được trong nhiều năm qua.
Một trong những giải pháp mang tính ổn định và lâu dài là phát hành trái phiếu huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân. Mới đây, trái phiếu giáo dục trong vòng 3 ngày huy động được 1.500 tỷ đồng, là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu hiện nay chưa hấp dẫn người dân.
Có một vấn đề là người mua trái phiếu đô thị hầu hết cũng là các ngân hàng chứ không ai xa lạ. Ngân hàng mua trái phiếu vừa là nghĩa vụ, vừa tăng tính thanh khoản. Trái phiếu cũng không hấp dẫn ngân hàng, vì hành lang pháp lý không hấp dẫn. Trái phiếu đô thị không được xem như trái phiếu Chính phủ: Trái phiếu Chính phủ được đương nhiên thế chấp, cơ cấu tỷ lệ rủi ro 0%. Trong khi đó trái phiếu đô thị không được thế chấp, mua bán. Nếu tỷ lệ an toàn vốn dưới 8% thì cảnh báo, dưới 3 tháng liên tục thì bị kiểm soát. Điều này thể hiện sự phân biệt, khiến trái phiếu địa phương bị hạn chế.
Phần kiến nghị, những dự án trọng điểm của địa phương, nếu nằm trong kế hoạch mà ngân sách không đủ chi, cấp bách, thì nên phát hành trái phiếu đô thị. Để có được tính thanh khoản cao, trái phiếu, cổ phiếu phải được xem là hàng hóa, được lưu hành, cầm cố, thế chấp, niêm yết giá... Trái phiếu phải có nhiều kỳ hạn để nhân dân chọn lựa, vì không thể ai cũng mua trái phiếu kỳ hạn lâu năm được. Như vậy trái phiếu đô thị mới hấp dẫn. Một thị trường tốt là thu hút được nguồn vốn. Trái phiếu mà phải đi năn nỉ bán thì không hay, phải được người ta giành mua, mới đạt yêu cầu. Lâu nay chúng ta phát hành trái phiếu theo phương thức giao chỉ tiêu, không hiệu quả.
Một nguồn để huy động vốn tiếp theo là thị trường chứng khoán (TTCK). TTCK là một nguồn vốn, nhưng chưa phát triển. Tổng lượng giao dịch trên TTCK hiện nay không đạt tỷ trọng lớn trong thị trường tài chính, nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Các công ty niêm yết hiện tại cũng không phải là đại diện cho sản phẩm chủ lực của quốc gia.
Ở đây ta chưa tạo được cơ chế, nhưng nếu ngân hàng muốn tạo được thị trường vốn, thì phải có thị trường mua bán nợ. Khi bán số nợ này, ngân hàng ngay lập tức có lại số vốn đã cho vay để tái đầu tư. Cứ như vậy sẽ luôn luôn có vốn để cho vay dài hạn.
Tiền của các công ty bảo hiểm cũng là một nguồn vốn dài hạn, cần có chính sách khuyến khích ngành này đầu tư, hoặc gửi vào ngân hàng.
Các nguồn khác như cổ phần hóa vốn từ bán, khoán, cho thuê, vốn của bà con từ nước ngoài… cũng là những nguồn huy động quan trọng, nên được chú ý.
Trên thế giới gần đây còn dịch vụ “qua đêm”, là thị trường mở, cũng hỗ trợ tốt cho huy động tài chính.
Mặc dù “hết vốn”, nhưng thời gian qua ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ trọng đầu tư vào thị trường BĐS khá lớn. Liệu có nguy cơ cao về rủi ro?
- ACB cũng không khác các ngân hàng khác, là một ngân hàng thương mại. Vì vậy hoạt động của ACB cũng không ngoài những quy định của nhà nước. Đó là chỉ dành 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn phải trên 8%. ACB đang dừng ở mức cho vay thời hạn 10 năm.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký quyết định đồng ý cho ACB bán 10% cổ phần cho Ngân hàng Standard Chartered của Anh quốc. Standard Chartered là ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở khu vực châu Á, với dịch vụ cho vay mua nhà trả góp lên đến 60%. Standard Chartered muốn mua 10% cổ phần của ACB là có ý định kinh doanh theo hướng này. Hiện đơn vị đang nghiên cứu, thực nghiệm, quan hệ với công ty tài chính quốc tế IFC, một tổ chức định chế tài chính thế giới. Như vậy, ACB có thời gian cho vay lâu hơn và bền vững hơn.
Cám ơn Tổng Giám đốc!
-
Đặng Vỹ thực hiện