Hiện có khoảng 80 tổ chức kinh tế ở nước ngoài tham gia chuyển tiền về VN, tập trung ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức… Làm gì để tạo ra bước đột phá trong việc thu hút nguồn kiều hối? Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trần Ngọc Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM.
Khách hàng nhận kiều hối tại Công ty kiều hối Đông Á. |
- Những năm 1990, chúng ta đã có những chính sách để tạo ra bước đột phá trong thu hút kiều hối. Còn hiện nay, theo ông cần thêm điều gì?
- Những năm qua kiều hối tăng đều: năm 2002 cả nước thu hút được 1,6 tỉ USD kiều hối, năm 2003 là 2,6 tỉ USD, năm 2004 là 3,2 tỉ USD. Có được mức tăng trưởng này là nhờ những năm trước đây chúng ta đã thực hiện hàng loạt chính sách mang tính khuyến khích, thậm chí đột phá để tạo sự thông thoáng và tin tưởng của bà con Việt kiều lẫn người thân trong nước.Một trong những bước đột phá đó là bỏ thuế thu nhập cá nhân đối với người nhận kiều hối.
Bước đột phá thứ hai là đưa ra các chính sách thu hút kiều hối. Chất lượng chi trả kiều hối cũng đã được nâng lên. Kiều hối được chi trả tại nhà, trên khắp cả nước. Chính sách kiều hối đã và đang áp dụng là hợp lòng dân.
- Tuy nhiên hiện nay, quan hệ giữa người trong nước và kiều bào từ chỗ giúp nhau có được cơm ăn, áo mặc đã chuyển sang giúp nhau “cần câu cơm”, khai thác các thế mạnh của nhau để làm ăn, làm giàu. Nếu chúng ta muốn khai thác nguồn lực Việt kiều, muốn có thêm kênh tạo ngoại tệ mới thì cần tạo ra sức hấp dẫn mới cho kênh kiều hối.
- Sức hấp dẫn mới cụ thể là gì, thưa ông?
- Đó là luật pháp hóa những gì đã diễn ra trên thực tế. Thứ nhất, đó là mở ra cho người dân trong và ngoài nước giao dịch vốn với nhau. Tiền được chuyển vào qua các kênh chính thức và pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi người cho vay, các giao dịch vay mượn này được thực hiện trên cơ sở pháp luật.
Thứ hai là cần có chính sách phù hợp hơn để Việt kiều trở về nước được mua nhà, đất. Đây là kênh thu hút ngoại tệ chính thống với số lượng lớn. Chính sách này đã được ban hành nhưng còn nhiều vướng mắc và chưa phù hợp với thực tế nên số trường hợp Việt kiều được mua nhà, đất ở trong nước còn rất ít. Thứ ba là cần mở rộng cho Việt kiều tham gia mua cổ phần mà không bị giới hạn về số lượng.
Hiện có khoảng 80 tổ chức kinh tế ở nước ngoài tham gia chuyển tiền về VN, tập trung ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức… Mạng lưới chi trả trong nước ngoài hệ thống ngân hàng còn có khoảng 25 tổ chức kinh tế đã được cấp phép thực hiện nhận và chi trả kiều hối. Kiều hối được chuyển về nước thông qua công ty kiều hối, chuyển qua ngân hàng, chuyển qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng… |
Theo luật hiện hành, Việt kiều là người nước ngoài, do vậy họ cũng bị giới hạn về tỉ lệ góp vốn vào các công ty cổ phần. Nếu dỡ bỏ hoặc mở rộng tỉ lệ tham gia vốn sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư của bà con Việt kiều và ngược lại sẽ thu hút thêm vốn ngoại tệ lớn vào VN.
- Mạng lưới kiều hối hiện nay vẫn chưa phủ rộng khắp, doanh nghiệp trong nước vẫn còn ngồi chờ tiền đến để chi trả…
- Nhược điểm này đang được các công ty kiều hối và ngân hàng khắc phục dần. Thời gian qua các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng nước ngoài chưa quan tâm lắm đến dịch vụ này. Đúng là phải bước ra ngoài, quảng bá nhiều hơn để cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách của Nhà nước nhằm giải tỏa tâm lý cho kiều bào ở nước ngoài, đồng thời tạo ra mạng lưới rộng khắp để thu nhận tiền và chi trả tiền. Làm sao để kiều bào ra ngõ là có thể chuyển tiền về nước cho người thân.
Hiện các ngân hàng trong nước đang liên kết với các ngân hàng và công ty kiều hối ở nước ngoài để thiết lập mạng lưới thu nhận kiều hối. Trước mắt phí chuyển tiền từ Mỹ về VN từ 3-5% chỉ còn 1,6-1,8%.
(Theo Tuổi Trẻ)