Có xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Mỹ quyết định đánh thuế chống phá giá đối với TV màu nhập khẩu từ Trung Quốc (mức thuế 27,9-45,9% bắt đầu vào tháng 4/2004). Về phần mình, Trung Quốc phản ứng lại bằng cách huỷ bỏ kế hoạch ký hợp đồng mua đậu tương và một số sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những va chạm thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ gây ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế thế giới. Tuần trước Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời Mỹ cũng cho biết sẽ kiện Trung Quốc bán phá giá đồ gỗ trên thị trường nước này. Ngược lại Trung Quốc có khả năng sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ.
Dường như hai nước đang trên bờ vực một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng. Nhưng các nhà phân tích cho rằng chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ chỉ là một trong những biện pháp chính quyền ông Bush thực hiện để giảm mức thâm hụt thương mại khổng lồ và giành thêm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Mặc dù xảy ra tranh chấp thương mại Mỹ - Trung nhưng hai bên đều mong muốn giải quyết vấn đề này thông qua thương lượng, không phải dùng đến công cụ thuế quan trả đũa lẫn nhau. Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ông Alan Greenspan cho rằng khả năng cạnh tranh của Mỹ sẽ càng kém đi khi Chính phủ dựng lên càng nhiều hàng rào thương mại.
Stephen Roach, Giám đốc quản lý của Morgan Stanley chỉ trích những hành động của Chính phủ chỉ khiến người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn mà thôi. Từ đầu năm đến nay, các DN Mỹ nộp 7 đơn kiện Trung Quốc bán phá giá với giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi Mỹ sử dụng các biện pháp hợp lý hơn để giải quyết vấn đề thương mại.
(Cẩm Tú - Theo Tân Hoa xã)