APEC bàn kế hoạch phục hồi kinh tế sau SARS
Hôm nay (2/6), tại Khon Kaen (Thái Lan), lãnh đạo Bộ Thương mại 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ thông qua "Kế hoạch hành động APEC" nhằm đối phó với SARS, cũng như đề ra các biện pháp cụ thể khôi phục kinh tế khi dịch bệnh qua đi.
SARS làm chỉ số giá cả ở Trung Quốc tăng cao. |
Tâm điểm của kế hoạch trên là chấn hưng công nghiệp du lịch châu Á cùng một số ngành kinh tế khác. Cùng thời điểm diễn ra hội nghị, cơ quan y tế Trung Quốc, Hongkong và Đài Loan đều thông báo những tin tức khả quan về việc phòng chống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Hội chứng Viêm phổi cấp.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngành du lịch APEC sẽ khởi sắc ngay khi có thể", Đại diện của Mỹ tại APEC Greenwood nói. Giới phân tích kinh tế nhận định, nỗi lo sợ về SARS gây tổn thất cho nền kinh tế lớn hơn nhiều lần mức thực tế do dịch bệnh này tạo nên. Ví dụ như ở Thái Lan, doanh thu ngành du lịch giảm tới 40%, rất nhiều công ty phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Hôm qua, Bộ Y tế Trung Quốc thông báo, chỉ có thêm hai trường hợp nhiễm SARS ở nước này. Sau nhiều tuần nhiều trường hợp và các cơ sở cộng cộng phải đóng cửa, hàng nghìn người bị cách ly, cuộc sống sinh hoạt tại Bắc Kinh đã trở lại bình thường. Còn Đài Loan bắt đầu phát động chiến dịch "Kiểm soát nhiệt độ của bạn'' nhằm khuyến khích người dân tự phát hiện triệu chứng lây nhiễm SARS. Trong bốn ngày gần đây, ở Đài Loan chưa có trường hợp nào tử vong vì bệnh dịch này.
Bên cạnh chủ đề về SARS, các bộ trưởng thương mại APEC sẽ thảo luận về biện pháp tăng cường an ninh vận tải đường thuỷ cũng như đường không. Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ra đời năm 1989 bao gồm những thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hongkong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Trung Quốc - chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do SARS
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng trưởng cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây với sự tăng vọt của giá các loại mặt hàng như rau sạch, xăng, gas và dược phẩm. Những mặt hàng khác như ôtô, điện tử cũng có sự tăng nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc (CPI) trong quý II/2003 dự kiến tăng 1,6% so với cùng kì năm ngoái, và 0,6% so với quý I/2003.
Sự tăng vọt này là kết quả của cuộc khủng hoảng SARS khiến người dân Trung Quốc hoang mang. Họ đã mua rất nhiều đồ dùng dự trữ như các loại thuốc kháng sinh hay thực phẩm nhiều dinh dưỡng. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1/3 lượng dầu tiêu thụ trong nước, nên giá dầu tại Trung Quốc cũng có sự tăng vọt cùng với giá dầu thế giới khi chiến tranh lraq xảy ra. Tuy nhiên, trái ngược với sự tăng giá của các mặt hàng trên, các sản phẩm viễn thông, chủ yếu là điện thoại di động tại Trung Quốc giá đã giảm tới 13%.
Diễn biến khác
- Ngày 30/5, Tổng cục Du lịch Trung Quốc cho biết, các hãng du lịch ở tỉnh Quảng Đông được phép nối lại các chương trình du lịch tới Hongkong và Ma Cao từ ngày 1/6. Theo dự đoán, trong tháng 6, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tới Hongkong đạt khoảng 80.000 dến 100.000 lượt người, vượt cả mức trước khi dịch SARS bùng phát.
- Đài Loan cũng đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh với mục tiêu đến 20/6 sẽ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại khỏi danh sách các khu vực dịch bệnh. Từ ngày 30/5, Đài Loan đã hủy bỏ quy định hành khách từ các nước và khu vực có dịch bệnh phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.
- Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh SARS, ngày 1/6 Malaisia tiến hành cách ly 10 ngày tất cả các sinh viên du học tại các nước có dịch SARS về nước. Ước tính, thời gian tới sẽ có khoảng 30.000 sinh viên du học về Malaysia.
- Theo công bố của WHO, tính đến sáng ngày 31/5, trên toàn thế giới đã có 8.346 người nhiễm SARS và 756 người đã bị chết do căn bệnh này.
(Diệu Thuý - tổng hợp)