Tỷ phú truyền thông Haim Saban
Tỷ phú truyền thông Haim Saban: Bậc thầy của nghệ thuật đàm phán kinh doanh. |
Nhà tỷ phú truyền thông Haim Saban với tổng tài sản 1,7 tỷ USD không còn là một gã "vô danh khổng lồ" trong giới đại gia truyền thông như ông vẫn thường nhận. Tháng 8/2003 vừa qua, nhà tỷ phú này đã có một phi vụ làm ăn làm xôn xao dư luận và gây chấn động cho cả giới truyền thông. Đó là việc sau nhiều tháng ròng rã và kiên trì thương thảo, Haim Saban đã hoàn tất việc mua tập đoàn Truyền hình ProsiebenSat.1.
Từ nay tên tuổi của Saban đã vượt qua biên giới nước Mỹ và được sánh ngang với các tỷ phú khác của ngành truyền thông quốc tế như Rupert Murdoch, Michael Bloomberg, Steven Spielberg hay Ted Turner.
Như vậy Haim Saban cuối cùng đã vượt qua được 4 đối thủ cạnh tranh khác trong việc đàm phán với tổ hợp truyền thông KirchMedia để mua lại tập đoàn truyền hình ProsiebenSat.1. Theo hợp đồng, Saban nắm giữ 36% cổ phần của KirchMedia và nắm giữ 72% cổ phiếu biểu quyết tại ProsiebenSat.1. Mặc dù giá trị của phi vụ này không hề được công bố chính thức, nhưng theo những nguồn tin từ nội bộ. Haim Saban đã phải bỏ ra không dưới 2 tỷ USD để trở thành người chiến thắng. Những người theo dõi vụ thương thảo từ đầu cho biết Haim Saban đã rất kiên trì đàm phán. Saban quyết tâm bành trướng và thâm nhập vào thị trường truyền hình, truyền thông tại châu Âu. Và việc tổ hợp KirchMedia đang gặp khó khăn có nguy cơ phá sản nên phải bán đa số cổ phần của tập đoàn truyền hình ProsiebenSat.1 là một cơ hội thuận lợi để Haim Saban thực hiện tham vọng của mình.
Bên cạnh lĩnh vực truyền thông, truyền hình Saban còn có nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo. Một số viện nghiên cứu tư nhân do ông lập và đứng tên cũng khá nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, người ta còn được biết Saban là một nhà tỷ phú khá hào phóng, đặc biệt trong việc tài trợ cho các hoạt động chính trị, xã hội nhân đạo.
Xuất thân từ một nhạc công
Haim Sabam vốn dĩ là con của một gia đình Do Thái nghèo sống ở Ai Cập. Lúc Saban 12 tuổi thì xảy ra chiến tranh kênh đào Suez và cả gia đình ông về sống tại Israel. Khi đó cả một gia đình 3 thế hệ của Saban phải sống chung một căn hộ một phòng tại khu dân cư nghèo ở Tel Aviv. Từ nhỏ, Haim Saban yêu thích âm nhạc và là tay chơi đàn ghi ta cho "The Lions", một ban nhạc rock. Thế nhưng cũng ngay từ khi đó, Saban đã bộc lộ khả năng và ham muốn kinh doanh của mình. Vừa là nhạc công ông vừa là ông bầu của ban nhạc còn chưa hết tuổi thiếu niên này. Các chương trình, sô diễn của ban nhạc đều do ông bầu trẻ của ban nhạc tính chi phí và tổ chức một cách hoàn hảo. Haim Saban đã kiếm những đồng tiền đầu tiên của mình từ đấy. Nhanh nhạy và tháo vát trong kinh doanh ông đã nhanh chóng trở thành một bầu sô có tiếng trong làng âm nhạc Israel khi mới 22 tuổi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và cũng do chưa gặp may, Haim Saban đã bị phá sản vào năm 1973.
Với hai bàn tay trắng, năm 1975, Haim Saban sang Paris với quyết tâm khởi nghiệp lại từ đầu. Ông vay mượn ít vốn thành lập và kinh doanh từ một phòng thu nhạc. Ông đã có những thành công đầu tiên với những hợp đồng thu nhạc cho một số phim hoạt hình và phim truyền hình. Studio của Haim Saban bắt đầu thực sự có tiếng khi ông thực hiện thành công việc thu phim cho loại serie phim "Dallas" được chiếu rộng rãi ở nhiều nước. Năm 1980, Haim Saban chuyển sang Mỹ sống và thành lập tại Los Angeles công ty "Saban Entertaiment". Ngoài New York, hàng loạt chi nhánh được Saban mở tại các trung tâm điện ảnh của thế giới như tại Pháp, Mỹ...
Từ lúc này, trong giới truyền thông người ta mới sững sờ thấy một đại gia mới xuất hiện và đang tìm cách dần từng bước chinh phục, chiếm lĩnh vị trí trên thị trường truyền hình, điện ảnh và sản xuất nhạc. Năm 1995, Haim Saban đã cùng với "đại gia" số 1 của lĩnh vực truyền thông là tỉ phú Murdoch thành lập Tập đoàn truyền hình "Fox Kids Worldwide". Khi các đối thủ biết đến thì đã muộn. Sự phát triển và bành trướng của Haim Saban trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông dường như không có gì cản nổi với việc năm 2001 khai sinh Tập đoàn Saban Capital Group Inc.
Nhanh nhạy khai thác thị trường mới
Haim Saban thực sự trở nên giàu có khi độc quyền nhập phim hoạt hình "Power Rangers" dành cho trẻ em. Đây là loại phim Karate Comic đến từ Nhật Bản mà ông đã tình cờ phát hiện trong một lần đi du lịch tại đó. Khi phát hiện nhu cầu tiềm năng rất lớn về loại phim này, ông đã nhanh chóng mua li -xăng (licence) độc quyền phát hành và chiếu tại thị trường Mỹ. Có thể nói đây là quyết định rất nhanh nhạy và táo bạo của Saban vì lúc đầu ông đã vấp phải không ít sự phản đối của nhiều người, đặc biệt là giới giáo dục. Những người này cho rằng loại phim Karate Comic ít nhiều có tính bạo lực. Đồng thời họ cho rằng với loại phim có những serie rất dài này sẽ làm trẻ em "nghiện". Nhưng cũng vì sự hấp dẫn với trẻ em đó mà loạt phim này của Saban đã trở thành một hiện tượng bùng nổ và thống trị chương trình phim trẻ em tại Mỹ suốt cả một thập niên. Theo thống kê của tạp chí Forbes thì chỉ trong thời gian từ năm1993 đến 2001, loại phim này đã đem lại một doanh số kỷ lục 6 tỷ USD cho tập đoàn của Haim Saban. Tương tự như serie phim hoạt hình "Ninja Turtles" của Saban cũng đã đem về cho ông không ít lợi nhuận.
Bậc thầy của nghệ thuật đàm phán kinh doanh
Haim Saban rất kiên nhẫn trong đàm phán thương thuyết hợp đồng. Không ít người đã tỏ ra không tin tưởng khi thấy ông theo đuổi phi vụ mua lại cổ phần của KirchMedia mà mãi chưa được. Sau lần đàm phán thất bại đầu tiên vào dịp đầu năm, ông vẫn không hề chán nản và tiếp tục theo đuổi đàm phán một cách quyết liệt hơn. Ông tuyên bố dù có thất bại đến 9 lần thì vẫn sẽ tiếp tục thương thảo lần thứ 10. Dù rất quyết tâm nhưng Saban vẫn có những tính toán thiệt hơn bài bản để không bị mua hớ. Ông kiên trì theo đuổi đàm phán và cứ tăng dần từng mức giá mà mình có thể chấp nhận được để cuối cùng mình trở thành người trả giá cao nhất. Đó chính là bản lĩnh kinh doanh của nhà tỷ phú 58 tuổi này. Sự theo đuổi quyết liệt không mệt mỏi của ông đã được đền đáp. Cuộc đàm phán chung kết kéo dài liền hai ngày cuối tuần không nghỉ và kết thúc vào lúc 4h30 sáng thứ Hai, đã đem lại hợp đồng có một không hai này về cho Haim Saban.
Thế nhưng không phải đến bây giờ người ta mới biết đến khả năng đàm phán thương thuyết tài tình và quyết liệt của Haim Saban. Khả năng này của ông đã được biết đến từ trước với nhiều phi vụ mà Haim Saban là người "thắng đậm" nhờ nghệ thuật đàm phán lão luyện của ông. Đặc biệt ông được giới kinh doanh sửng sốt và kính nể khi đàm phán thành công trong việc bán cổ phần tại Fox Family Worldwide cho Tập đoàn Disney với một cái giá khổng lồ "trong mơ" là 5,3 tỷ USD. Không ai có thể nghĩ rằng Haim Saban có thể bán cổ phần một tập đoàn đang nợ chồng chất 2,4 tỷ USD với một giá tưởng chừng phi lý như vậy. Nhưng trên thực tế Saban đã biết thuyết phục đối tác về tiềm năng to lớn của 81 triệu khách hàng tại Mỹ và 34 triệu khách hàng tại châu Âu đăng ký hợp đồng với hãng truyền hình cáp Fox Family Worldwide.
Và điểm mà Haim Saban được khâm phục nhất khi đàm phán, thương thuyết là ông đã biết chọn thời điểm để "chốt" hợp đồng. Ông có thể rất kiên nhẫn, dai dẳng trong đàm phán. Vừa để tìm hiểu tâm lý, mục đích của đối tác, vừa để tìm ra một chiến lược thích hợp, một "chìa khoá" vừa ý để tìm đến mục tiêu. Dường như ở Haim Saban có một cái mũi rất thính trong việc chọn thời điểm tốt nhất, có lợi nhất để đi đến kết thúc hợp đồng. Khi đó ông quyết định nhanh, sẵn sàng bớt một ít khi bán và tăng thêm một giá khi mua. Người ta gọi Haim Saban là bậc thầy của nghệ thuật đàm phán với khả năng "bấm giờ" tuyệt vời.
Quyết tâm và tham vọng lớn lao
Khi đã được trở nên giàu có và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm kinh doanh thì Haim Saban ngày càng tự tin và bộc lộ quyết tâm và tham vọng bành trướng của mình trong thế giới truyền hình, truyền thông. Từ nhiều năm nay, Haim Saban đã tìm cách gây ảnh hưởng bằng cách bán bản quyền chiếu, phát hành các phim hoạt hình mà mình đăng ký sở hữu độc quyền cho các kênh truyền hình ở châu Âu. Bản thân Saban thừa nhận rằng ông đã rất quan tâm đến thị trường truyền hình ở châu Âu. đặc biệt là những thị trường lớn như Pháp, Đức. Hiện tập đoàn của nhà tỷ phú này đang có những hợp đồng liên kết, liên doanh với các kênh truyền hình TFI của Pháp hay RTL của Đức. Có những giai đoạn mà hơn 70% phim trẻ em của RTL là mua bản quyền từ tập đoàn truyền thông của Haim Saban.
Giới truyền hình, truyền thông của châu Âu lo ngại về sự bành trướng và ảnh hưởng to lớn của Saban. Không ít người cho rằng xu hướng "Mỹ hoá" rất dễ xảy ra. Nhưng với kinh nghiệm và khả năng của mình, Haim Saban có đủ khôn khéo để dập tắt các lo ngại trên. Ông khẳng định rằng mình là chủ nhưng điều hành các Tập đoàn truyền hình vẫn là người của các nước bản địa. Ông cam kết rằng mình sẽ làm cho lĩnh vực truyền hình ở các nước liên quan chỉ tốt hơn mà thôi. Đã có những đồn đại rằng khi mua Tập đoàn truyền hình ProsiebenSat.1 xong, ông sẽ cải tổ "đánh bóng" thương hiệu rồi dùng nghệ thuật đàm phán lão luyện của mình để bán lại với một cái giá rất hời nào đó.Nhưng Saban đã bác bỏ ngay lập tức bằng lời tuyên bố: "Tôi không phải là nhà buôn truyền hình mà là người làm truyền hình".
(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)