,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
214868
2004: một năm đầy sóng gió với quan hệ thương mại Mỹ-Trung?
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

2004: một năm đầy sóng gió với quan hệ thương mại Mỹ-Trung?

Cập nhật lúc 18:10, Thứ Hai, 23/02/2004 (GMT+7)
,

Thâm hụt thương mại lớn, tình trạng thất nghiệp chưa sáng sủa hơn, cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần... Tất cả những điều này khiến chúng ta có thể nhận định: trong năm 2004 va đập trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung gia tăng là điều khó tránh khỏi. Nhưng liệu bất đồng có dẫn đến một cuộc chiến thương mại thực sư?

Mỹ gây áp lực lớn yêu cầu Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ.

Từ quan hệ đối tác đầy tiềm năng

Thương mại chỉ là một phần trong bài toán quan hệ Mỹ - Trung, nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Suốt thập kỷ trước, quan hệ thương mại song phương Trung - Mỹ không ngừng lớn mạnh. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng từ 29,51 tỷ USD năm 1994 lên 83,83 tỷ USD năm 2000, 103,6 tỷ năm 2002 và 114,09 tỷ tính riêng 9 tháng đầu năm 2003. Kết quả là áp lực chính trị đè nặng lên hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Trước thềm cuộc bầu cử, Tổng thống George W Bush lại cần tỏ ra ông quan tâm tới công dân Mỹ.

Mức độ căng thẳng trong quan hệ thương mại này phần nào được bù đắp lại bởi các lĩnh vực quan hệ đều phát triển khả quan. Phát biểu trên kênh truyền hình CNN hôm 31/1/2004, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Richard Armitage  nói: "Có rất nhiều vấn đề quốc tế cũng như song phương đang gắn kết Mỹ và Trung Quốc lại với nhau". Ông Armitage tỏ ra đánh giá cao vai trò Trung Quốc trong các cuộc đàm phán 6 bên với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Nước Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư song phương hai bên đã dày công xây đắp trong hai thập kỷ gần đây. Các DN Mỹ ngày càng mở rộng hoạt động sang Trung Quốc. Hàng xuất khẩu của Mỹ cũng bùng nổ trên thị trường Trung Quốc do Trung Quốc liên tục giảm thuế đối với sản phẩm nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Nhật Bản.

Đến chỉ trích không khoan nhượng

Tuy nhiên mặt tích cực trong quan hệ lại bị làm lu mờ bởi dư luận và áp lực chính trị từ nội bộ nước Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước mức thâm hụt thương mại tăng nhanh giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phải chịu đựng tình trạng thất nghiệp tồi tệ. 

Hơn nữa xu thế này sẽ khó đổi chiều khi Mỹ còn nhiều vấn đề chưa hài lòng với chế độ thương mại của Trung Quốc. Buôn bán hàng dệt may giữ một vai trò trung tâm trong mối bất đồng này. Công nghiệp dệt may ở Mỹ đang tìm mọi "chiêu thức tự vệ" nhằm đề phòng bất cứ hậu quả nào có thể xảy ra khi lệnh dỡ bỏ quota dệt may có hiệu lực vào 1/1/2005. Những công ty dệt may của Trung Quốc chắc chắn sẽ vui mừng vì sẽ tăng mạnh thị phần của mình trên thị trường Mỹ, khi không còn chế độ quota, nhưng Mỹ thì ngược lại.

Trong cuộc giao tranh ngày càng quyết liệt này, công nghiệp dệt may Mỹ đang giật dây yêu cầu chính quyền Tổng thống Bush đàm phán một hiệp định chi tiết nhằm kiềm chế hàng xuất khẩu Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Mỹ. Liên minh tạm thời giữa nhiều tổ chức như: Hiệp hội Dệt may, Liên minh hành động các ngành sản xuất Mỹ, Uỷ ban Bông quốc gia... đã tuyên bố hôm 29/1 rằng nhiệm vụ chính của họ trong năm 2004 là tiếp tục chiến dịch hạn chế hàng dệt may Trung Quốc. Khi ngành dệt may Mỹ nêu lên vấn đề Trung Quốc trong chiến dịch bầu của Tổng thống và bầu cử Quốc hội thì không cần phải nhọc công phân tích chúng ta cũng có thể thấy buôn bán dệt may sẽ nổi lên thành một nguyên nhân gây tranh chấp thương mại song phương giữa Trung Quốc - Mỹ trong suốt năm 2004 và cả sau đó.

Bất đồng cũng nảy sinh trong chính sách áp thuế VAT đối với mạch tích hợp và linh kiện bán dẫn nhập khẩu của Trung Quốc. Uỷ ban Bán dẫn Thế giới (World Semiconductor Council) và Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ đã chính thức lên tiếng chỉ trích Trung Quốc với chính sách thuế VAT mang tính chất phân biệt đối xử đi ngược với những cam kết của mình khi gia nhập WTO.

Dệt may-một vấn đề còn chấp chứa nhiều bất đồng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc

Cam kết của Trung Quốc trong lĩnh vực quyền trao đổi thương mại và phân phối hàng hoá cũng nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi. Kể từ 11/12/2003, các liên doanh có phần lớn vốn nước ngoài được hưởng quyền kinh doanh và phân phối, còn những DN 100% vốn nước ngoài cũng sẽ được nhận quyền này vào 11/12/2004. Trong khi những dự thảo sửa đổi gần đây đang cố gắng tập trung giải quyết những vấn đề phía Mỹ quan tâm xung quanh quyền giao dịch thương mại, Chính phủ và nhiều DN Mỹ vẫn căn vặn về những thủ tục chấp nhận cho các công ty bán lẻ và kênh phân phối khác hoạt động.

Một vấn đề khác nếu găng sẽ phải cậy nhờ đến cơ quan giải quyết tranh chấp WTO là chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Một số nhà sản xuất Mỹ buộc tội Trung Quốc cố tình dìm giá nhân dân tệ để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho hàng hoá Trung Quốc và làm cho nạn thất nghiệp ở Mỹ càng tồi tệ hơn.

Gần đây áp lực lại càng đè nặng lên Nhà Trắng; 5 Thượng nghị sĩ: Charles Schumer (Đảng Dân chủ - bang New York), Lindsey Graham (Đảng Cộng hoà - bang Nam Carolina), Jim Bunning (Đảng Cộng hoà - bang Kentucky), Richard Durbin (Đảng dân chủ - bang Illinois) and Christopher Dodd (Đảng Dân chủ - bang Connecticut) đệ trình thư lên phó Tổng thống Richard Cheney vào ngày 22/1/2004 yêu cầu áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại Trung Quốc . Schumer là người ủng hộ quyết định sẽ áp thuế qua mạn tàu 27,5% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trừ phi nước này thả nổi đồng tiền của mình.

Cùng lúc đó giới lãnh đạo của Mỹ ngày càng bất bình trước tình trạng thi hành các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng thiếu minh bạch, thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan chính quyền Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ địa phương và thiếu kiến thức là nguyên nhân cản trở thi hành luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền Bush nhận được không ít đề nghị kiện Trung Quốc lên WTO về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Người ta không chắc một chuỗi những bất đồng trên liệu có dẫn tới những tranh chấp nảy lửa trong WTO hay không, mặc dù chắc chắn chính quyền Bush sẽ kiện Trung Quốc ít nhất một vấn đề lên WTO trong năm nay. Nhà Trắng cũng có thể sẽ sử dụng rộng rãi các điều luật trả đũa thương mại của mình để bảo hộ DN và lao động trong nước.

Liệu có bươu đầu mẻ trán?

Tuy nhiên trong khi những vụ kiện chống bán phá giá và các biện pháp bảo vệ thường được sử dụng thì chúng chỉ ảnh hưởng một phần quan hệ thương mại song phương; cho dù một số cá nhân, DN Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn cũng không thể làm đứt quãng xu hướng phát triển rất khả quan của quan hệ thương mại hai chiều về phương diện tổng thể. Nhiều DN sản xuất của Mỹ, không chỉ các công ty đa quốc gia, đang khởi nghiệp ở Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do chính trị châm ngòi ở Mỹ được minh hoạ rõ nét bằng vụ Mỹ kiện Trung Quốc bán phá giá đồ gỗ gia dụng xuất khẩu trên thị trường Mỹ. Nhưng chính một số người đệ đơn lại nhập khẩu khối lượng lớn sản phẩm đồ gỗ từ Trung Quốc. Thực tế này không ngăn họ kiện ngay cả người cung cấp cho mình. Một số công ty Mỹ theo kiện chỉ đơn giản vì họ không còn cách nào khác ngoài việc kiện Trung Quốc để giữ lại việc làm cho người Mỹ.

Nghịch lý thay, những công ty này lại không có ý định giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc do lợi nhuận của họ cao hay thấp phụ thuộc vào lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ cũng không có ý định giảm đầu tư vào thị trường hơn một tỷ dân này. Nhiều công ty lớn thậm chí còn đang xếp hàng tìm kiếm cơ hội đầu tư béo bở hơn do Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mở cửa thị trường.

Nói tóm lại, dù bề ngoài năm 2004 có thể là năm có nhiều sóng gió nhưng xét đến cùng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung về bản chất sẽ không thay đổi và tiếp tục phát triển.

(Cẩm Tú - Theo US Business Alert)

,
,