OPEC sẽ bị khiếu nại lên WTO?
Đảng Dân chủ Mỹ vừa yêu cầu chính quyền Bush chỉ trích Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại WTO và đồng thời xuất kho dự trữ dầu quốc gia để giúp người tiêu dùng đối phó với sự tăng giá dầu kỷ lục hiện nay.
Chính quyền Bush khó có thể khiếu nại OPEC lên WTO. |
Với giá xăng dầu bán lẻ trung bình 2 đô la/galon, các ngành từ hàng không, vận tải, đến hàng tiêu dùng và nông sản đều phải đối mặt với giá cả gia tăng. Điều này đã khiến cho vấn đề giá nhiên liệu tăng trở thành tâm điểm của chiến dịch vận động bầu cử tại Mỹ.
Ông Peter DeFazio, Đại diện Bang Oregon - bang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự tăng giá dầu - đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia thuộc tổ chức OPEC kiêm thành viên của WTO là vi phạm các quy định của WTO về thương mại tự do và công bằng.
Ông nói: WTO không cho phép các nước thành viên hạn chế nguồn cung để tăng giá hàng hóa. Vì sao họ (chính quyền Bush) lại không đệ đơn khiếu nại các nước OPEC là thành viên WTO về điều này? Cách đây vài tuần, DeFazio đã gửi thư đến Nhà Trắng thúc giục Chính quyền Bush đệ đơn khiếu nại OPEC lên WTO.
Trong số 11 nước OPEC có 6 nước là thành viên chính thức của WTO (Ku wait, Indonesia, Nigeria, Qatar, Venezuela và Liên bang các Tiểu Vương quốc Ả rập). 3 nước OPEC khác gồm Ả rập Xê-út, Algeria và Iraq cũng đang là quan sát viên của WTO. Các Đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ đã nhiều lần đề nghị Chính phủ làm đơn khiếu nại OPEC lên WTO. Tuy nhiên, chính quyền Bush cho biết, họ không tin OPEC lại có thể bị kiện tụng về chính sách hạn ngạch đối với sản lượng dầu tại một tổ chức thương mại thế giới. Bởi lẽ OPEC và WTO vốn là hai thể chế kinh tế thế giới khác biệt sâu sắc, với một bên là "các-ten dầu khí" và một bên thúc đẩy tự do hóa thương mại cũng như cạnh tranh bình đẳng.
Các Đảng viên Dân chủ cũng yêu cầu Chính phủ xuất 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ khẩn cấp và tạm thời ngừng việc nhập dầu vào kho. Tuy nhiên, thư ký ngành năng lượng Mỹ - S. Abraham đã từ chối thẳng thừng yêu cầu trên. Ông cho biết: "Dự trữ dầu không phải chỉ đơn giản là nhằm thay đổi giá dầu, mà chủ yếu là bảo vệ nước Mỹ và bảo vệ người tiêu dùng khỏi gián đoạn nguồn cung".
Sự tăng giá bán lẻ xăng dầu tới mức kỷ lục ở Mỹ trong hai tuần vừa qua có liên quan đến sự khống chế nguồn cung dầu của các nước OPEC, nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của Trung Quốc và những quy định khắt khe về sử dụng xăng dầu sạch ít gây ô nhiễm môi trường ở một số thành phố của Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, với khối lượng tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày.
(Thu Thủy - Theo Reuters)