OPEC cam kết nâng hạn ngạch, giá dầu vẫn tăng
Giá dầu trên thị trường Mỹ lên cao kỷ lục với 42,38 USD/thùng, sau vụ tấn công của quân Hồi giáo vào một khu vực phía đông thành phố Al-Khobar (Saudi Arabia), làm 22 người chết (trong đó có 19 người nước ngoài).
Mặc dù ngày 31/5, Bộ trưởng Năng lượng Cata Abdallah Attiyah cho biết, 11 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cam kết sẽ tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ lên ít nhất 2,5 triệu thùng/ngày, nhưng người ta ngày càng lo lắng Al-Qaeda sẽ tấn công vào những mục tiêu có thể làm ngừng trệ khả năng cung cấp dầu của Saudi Arabia. Dầu thô Brent trên thị trường London lên tới 38,9 USD/thùng, tăng 2,50USD.
Lãnh đạo Saudi Arabia ngay lập tức trấn an thị trường, cho biết họ đã kiểm soát hoàn toàn được vụ tấn công. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cũng phải lên tiếng phát biểu, ông rất tin tưởng Saudi sẽ đảm bảo được nguồn cung đầy đủ, bất chấp có bị tấn công. Abdullah Bin Hamad Al-Attiya - Bộ trưởng dầu lửa Qatari nói: "Hầu hết các nước thành viên OPEC đều đồng thuận nhất trí tăng giá dầu", đồng thời nhấn mạnh, OPEC sẽ làm mọi việc có thể để hạ nhiệt thị trường.
Giá dầu tăng cao do cầu dầu mỏ rất lớn, tỷ lệ dự trữ thấp, chiến lược giá cả của OPEC và đặc biệt vì tâm lý lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn. Trong tuyên bố nhận trách nhiệm của Al-Qaeda đối với vụ tấn công cuối tuần trước, tổ chức này tiết lộ, mục tiêu tấn công sắp tới sẽ nhằm vào những công ty của Mỹ hoạt động trong ngành dầu khí, những công ty đang đánh cắp sự thịnh vượng của người Hồi giáo.
Geoff Pyne - chuyên gia phân tích độc lập ở London nhận định: "Đây là vụ tấn công khủng bố lớn nhất ở Saudi Arabia mà tôi từng thấy. Điều này báo trước bạo lực sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn", "cho dù có thể họ không thể phá huỷ nghiêm trọng hạ tầng khai thác dầu, nhưng bất ổn chính trị hoàn toàn đáng nghi ngại".
Một số nước xuất khẩu dầu khác ngoài OPEC như Nga, Nigeria, Mexico cũng vừa cam kết tăng sản lượng, nhưng sản lượng sẽ không thể tăng ngay trong thời gian ngắn, do nhiều hạn chế về kỹ thuật.
Một chuyên gia khác thuộc Investec Securities nói: "Bất cứ sự ngừng trệ sản xuất nào của Saudi không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới kinh tế Saudi mà tới cả nền kinh tế toàn cầu nói chung", "nếu hạ tầng sản xuất dầu đột ngột bị tấn công, chúng ta sẽ rơi vào nghịch cảnh trớ trêu".
Trong ngắn hạn, các nước xuất khẩu dầu thu lợi nhiều hơn, nhưng họ vẫn muốn tránh để giá dầu lên quá cao, vì như thế sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng ở những nước công nghiệp phát triển, dẫn đến hậu quả nhu cầu dầu giảm. Giá tăng vọt cũng khuyến khích nhiều nước đầu tư khai thác nguồn năng lượng thay thế, và nếu thành công sẽ giảm đáng kể mức tiêu thụ dầu.
Bộ trưỏng Tài chính các nước EU đề nghị OPEC tăng sản lượng. Theo Ủy ban châu Âu, giá dầu tăng 25% trong năm nay làm tốc độ tăng trưởng của khối giảm xuống chỉ còn 1,6%, trong khi dự báo trước kia là 1,7%, đồng thời thổi lạm phát lên tới 2%.
(Cẩm Tú - Theo BBC, Reuters)