Giá dầu hạ bất chấp bão tràn qua vịnh Mexico
Trái với dự đoán trước đó, giá dầu thô vẫn hạ vì cơn bão nhiệt đới có tên Arlene đã tràn qua vịnh Mexico không gây ra sự tàn phá nào đối với hệ thống dàn khoan, máy lọc hay đường ống dẫn dầu.
Giá dầu thô nhẹ giao tháng 7 giảm 49 cent/thùng xuống còn 53,05 USD/thùng trên thị trường giao dịch dầu mỏ New York chiều tối qua (12/6).
Sau cơn bão, các công ty khai thác dầu nơi đây, trong đó có 2 đại gia Exxon Mobil Corp và BP Plc, đã cho công nhân trở lại dàn khoan làm việc ngay. Còn nhớ, cơn bão Hurricane Ivan tràn qua đây tháng 9 năm ngoái đã cướp đi mạng sống hơn 120 người và làm thiệt hại 11 tỷ USD trên các dàn khoan dầu, qua đó làm giảm sản lượng dầu của Mỹ tới 14%.
Vịnh Mexico chiếm tới 1/4 lượng dầu Mỹ sản xuất được, do đó, việc các cơn bão nhiệt đới tràn qua đây luôn gây sự chú ý của các nhà buôn dầu thế giới. Do vậy, giá dầu cũng biến động theo tình hình mưa bão nơi đây, hiện đang vào mùa.
Nhiều dấu hiệu mở rộng nguồn cung
Nếu như các cơn bão như Arlene chỉ ảnh hưởng nhất thời tới giá dầu thế giới thì một số động thái gần đây trong việc mở rộng nguồn cung đã có dấu hiệu tác động lâu dài hơn.
Hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng hai nước Iran và Ấn Độ đồng thời cho biết, các cuộc thương thảo giữa họ đang được gấp rút tiến hành để biến ý tưởng xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu trị giá nhiều tỷ USD thành hiện thực trong nay mai.
Nếu được xây, đường ống khổng lồ này sẽ chạy qua đất Pakistan, đưa dầu từ Iran về Ấn Độ - một trong những nước có mức cầu dầu cao nhất thế giới hiện nay, cùng với Mỹ và Trung Quốc luôn tạo ra biến động về giá trên cương vị những khách hàng chính.
Hôm 25/5 vừa qua, lần đầu tiên, đường ống dẫn dầu trị giá 3,6 tỷ USD cũng đã đi vào hoạt động, đưa dầu trực tiếp từ Biển Caspi tới Địa Trung Hải. Bắt đầu từ Azerbaijan, đường ống dẫn dầu dài 1.600km sẽ chạy qua Grudia tới cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta phải mất 10 năm mới hoàn thành được dự án này, khai thông một trong những nguồn trữ năng lượng lớn nhất thế giới.
Các thực tế cũng như dấu hiệu mở rộng nguồn cung như trên cũng đang gây sự chú ý rất cao của các nhà buôn dầu thế giới. Hiện tại, tâm lý dè dặt và chờ đợi đang chiếm lĩnh tại các phiên giao dịch, từ London, New York cho tới Singapore.
-
Nhật Vy - (tổng hợp)