5.000 tỷ USD nhàn rỗi đang đợi các nước vùng sông Mêkông
Có ít nhất 5.000 tỷ USD vốn nhàn rỗi đang nằm trong tay người dân các nước vùng sông Mêkông và chỉ cần có cơ hội thích hợp sẽ đóng góp vô cùng lớn cho phát triển kinh tế vùng này.
Thông tin này đã được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố tại "Diễn đàn về sự tham gia của doanh nghiệp trong hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS)". Diễn đàn diễn ra trước ngày khai mạc cuộc họp thượng đỉnh sáu nước có dòng sông Mêkông chảy qua, tại Côn Minh, Trung Quốc.
"Lượng tiền lớn này đang nằm đó và đợi các bạn nắm bắt", ông Christophe S. Bellinger, chuyên gia tài chính cao cấp của ADB phát biểu tại hội nghị, "Điều các nước vùng sông Mêkông cần làm là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hay nói cách khác là giúp các nhà đầu tư lạc quan hoá đất nước của mình để kích hoạt dòng vốn này vào các hoạt động kinh tế".
Các đại biểu tham gia hội nghị đều tán đồng nhận định trên và cho rằng trong vòng 5 - 10 năm tới, các nước vùng sông Mêkông sẽ rất khát vốn phục vụ hàng loạt các dự án phát triển kinh tế và hợp tác thương mại nội khối, trong đó riêng vốn cần cho xây dựng cơ sở hạ tầng đã lên tới khoảng 15 tỷ USD.
Trong khi đó ADB, tài trợ chính cho GMS, chỉ có thể rót được một khoản rất khiêm tốn trong nhu cầu vốn đó. Thống kê năm 2004 cho thấy, ADB tổng cộng đã cho các nước vùng sông Mêkông 80 khoản vay cùng 12 dự án đầu tư khác, trị giá khoảng 5,5 tỷ USD. Khoản tiền này rõ ràng không giải quyết được cơ bản nhu cầu vốn của khu vực này.
Do vậy, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân hiện nay được coi là giải pháp thiết thực và ổn định nhất khả dĩ có thể khắc phục vấn đề trên. Để thu hút được số tiền khổng lồ đó, theo các chuyên gia kinh tế tại hội thảo, các nước vùng sông Mêkông cần phối hợp hành động để đẩy nhanh tiến độ cải cách để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Cụ thể, cần áp dụng các chính sách mới phù hợp hơn, minh bạch hoá tài chính, nâng cao tính dễ dự báo cho mỗi nền kinh tế, bảo vệ bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ đồng thời cải cách cơ bản về thuế.
Hơn 10 năm qua kể từ ngày bắt tay cùng nhau xây dựng quan hệ này, cả 6 nước gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực chung trong việc phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá và hệ thống điện. Nhờ đó, kim ngạch thương mại sáu nước đã tăng gấp 10 lần kể từ 1992. Với lịch sử và truyền thống quan hệ kinh tế lâu đời, 6 nước đều hy vọng sẽ đạt được những thành tựu kinh tế to lớn hơn, xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)