Sự kiện 11/9 làm giàu thêm cho vùng Vịnh!
Vụ 11/9/2001 tạo ra một giai đoạn mới trong lịch sử nước Mỹ, với đầy ắp sợ hãi, lo âu, nghi ngờ và cả đe doạ sự phát triển kinh tế.
Nhưng với các quốc gia vùng Vịnh, sự kiện này là chất xúc tác cho một thời kỳ mới phát triển thịnh vượng, nhất là khi các tỷ phú Ảrập quay về đầu tư trên sân nhà thay vì mạo hiểm ở nước Mỹ, nơi họ bị kỳ thị và ác cảm với tư cách những người Hồi giáo - đồng đạo với quân khủng bố Al-Queada.
Ku wait - quốc gia nhỏ thuộc vùng Vịnh - ngày nay rất sầm uất. |
Dầu đắt hàng hơn sau 11/9
Từ 2001 tới nay, kinh tế 6 quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là Bahrain, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman, Qatar và Ảrập Xêút đã tăng trưởng ngoạn mục. Chỉ số chứng khoán chung tăng tới 400% trong khi các chỉ số trong danh sách Top 500 của Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor tăng trung bình 24%.
"Đó là một giai đoạn không có tiền lệ, một giai đoạn mà cả vùng Vịnh chưa từng nghĩ đến trong hàng chục năm qua, nhất là sau khi họ bị chỉ trích vì những vụ khủng bố cuả các phần tử Hồi giáo cực đoan có xuất xứ từ đây", Simon Williams, một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông tại Viện Tình báo kinh tế London, cho biết.
Một trong những nguyên nhân chính không gì khác hơn là nhờ dòng tiền khổng lồ chảy về khi những dòng dầu quý giá chảy ra nước ngoài. Nhưng dầu càng đóng góp nhiều hơn cho ngân quỹ các quốc gia trên do giá liên tục bị đẩy lên cao mà một trong những nguyên nhân là những lo sợ từ Mỹ về nguy cơ khủng bố.
Theo dự báo, doanh thu từ dầu của các nước vùng Vịnh sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD trong năm 2005, cao gấp khoảng 5 lần so với mức 61 tỷ USD của năm 1998. Các nước đã tính tới việc dự trữ dầu nhiều hơn hẳn trước đây một khi vụ 11/9 cảnh báo cho họ rằng, bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào cũng phải đối mặt với các tình huóng khẩn cấp mà thiếu dầu là đình đốn sản xuất, suy thoái kinh tế.
Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế các nước khu vực này đạt tới mức mơ ước cho nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, GDP của Ảrập Xêút tăng tới 37% trong 4 năm qua kể từ 2001. Ngạc nhiên hơn, GDP của UAE tăng gần 50% trong giai đoạn đó. Ở phía ngược lại, GDP của Mỹ chỉ tăng tổng cộng 16% trong cả 4 năm qua, sau rất nhiều nỗ lực cải cách chưa từng có trước 2001.
Khi đồng vốn hồi hương...
Từ 2001 tới nay, các tỷ phú Ảrập đã rút hàng chục tỷ USD ra khỏi nước Mỹ do lo sợ sự ác cảm và thù hận của người dân nơi đây sẽ làm tổn hại công việc kinh doanh của mình. Nhiều người còn lo sợ chính phủ Mỹ sẽ tịch thu tài sản của họ và đẩy họ tới những ghánh nặng pháp lý một khi bị nghi ngờ có dính líu tới việc tài trợ tiền của cho quân khủng bố.
Và thế là, một phần đáng kể trong thị trường tài chính sôi động của nước Mỹ đã được "di dời" sang Trung Đông, về đúng nơi họ đã gom được rất nhiều tiền trước đây nhờ dầu mỏ và các dịch vụ phụ trợ cho ngành này. Kết quả có thể trông thấy rõ ràng.
Đa số các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư thế giới cho rằng những thay đổi đó dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu. Đúng, nhưng chưa đủ. Chủ nhân của đa số những công trình vĩ đại mới ở đây là những nhà đầu tư người Mỹ gốc Ảrập hay người Ảrập từng làm ăn nhiều năm trên đất Mỹ.
Trước 9/11, con số của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy nhà đầu tư từ các nước xuất khẩu dầu Trung Đông rót khoảng 25 tỷ USD vào thị trường Mỹ mỗi năm. Thế nhưng trong giai đoạn từ 2001 - 2003, con số đó chỉ còn 1,2 tỷ USD.
"Họ không mang tiền tới Mỹ với tư cách nhà đầu tư nước ngoài nữa. Họ về quê hương của mình và mua sắm, xây dựng những công trình khổng lồ, trước hết là cho họ và sau đó là cho xã hội họ đang sống. Một dạng đầu tư bền vững và có lợi chưa từng thấy cho vùng Vịnh", Walid Shihabie, Chủ tịch hãng điều tra nghiên cứu thị trường Shuaa Capital có trụ sở tại Dubai, đưa ra lý do.
"Đồng tiền không bao giờ dũng cảm cả. Có quá nhiều rủi ro và 11/9 không phải là vụ duy nhất. Các nhà đầu tư Ảrập hiểu và lo lắng sẽ bị lỗ nặng hoặc nguy hiểm tới tính mạng một khi khủng bố lại xảy ra mà thủ phạm là đồng hương của họ", Shihabie nói thêm.
Nhiều nhà đầu tư còn tỏ ra lo xa hơn. "Sau 11/9, người Mỹ bắt đầu trả đũa cho thảm họa họ phải ghánh chịu. Đầu tiên là Afghanistan, sau đó đến Iraq. Ai sẽ là nước tiếp theo? Và ai dám làm ăn ở một nước mà chiến tranh luôn gõ cửa, nhất là khi bạn không phải người Mỹ thực thụ?", Beshr Bakheet, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính Bakheet mới chuyển về làm ăn tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút, cho biết.
...Diện mạo vùng Vịnh thay đổi sâu rộng
Diện mạo các nước vùng Vịnh thay đổi hẳn nhờ tăng trưởng kinh tế như vậy. Những cầu trục và dàn giáo xây dựng rợp trời UAE, Qatar và Bahrain, báo hiệu sự xâm chiếm của các toà nhà cao lớn đối với khoảng trời nơi đây. Những con đường cao tốc dài nhanh chóng được xây dựng, chạy xuyên qua những sa mạc trống vắng trước nay ít người dám qua lại...
Sự thay đổi còn đi vào chiều sâu. Dân bản địa ngày càng đua nhau nhường lại những công việc nặng nhọc và thu nhập thấp cho lao động nhập cư. Trường đại học lớn, bệnh viện cao cấp và những biệt thự khang trang cứ chiếm dần từng góc phố dù giá cả để có một công trình như vậy không hề rẻ ở khu vực mà hầu hết các thứ ngoài dầu đều phải nhập khẩu này.
Những thay đổi trên có thể nhận thấy dễ dàng nhất ở Dubai. Chỉ trong 4 năm qua, nơi này đã thành một thành phố giàu đẹp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhịp độ đô thị hoá cao nhất thế giới. Dubai hiện đang triển khai thêm các dự án xây dựng khu thương mại và chung cư trị giá hơn 20 tỷ USD, gần bằng nửa GDP của Việt Nam năm 2004.
Thành phố trẻ Dubai, với khoảng 1,5 triệu người, có nhiều phong cảnh đẹp, có sân bay và cảng biển lớn, hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm; có nhiều khách sạn năm sao; nhiều nhà hàng, siêu thị nổi tiếng, hàng hóa đầy ắp từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Được biết, 50 năm trước, Dubai là sa mạc mênh mông khô cằn của vùng Vịnh Trung Đông.
Nhưng quan chức và người dân Dubai đang nhận thấy sự rượt đuổi quyết liệt của những thành phố khác trong khu vực. Dubai không phải là thành phố giàu đẹp duy nhất ở vùng Vịnh.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)