Malaysia - triển vọng kinh doanh thứ 3 châu Á
Một sự kiện làm nức lòng người dân Malaysia cũng như các nhà đầu tư và đối tác đang dự định làm ăn tại đây là quốc gia này được xếp thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới.
Đó cũng là dịp người ta phải nhìn lại đất nước Đông Nam Á này xem họ đang làm được những gì, những bước đi trong thời hiện đại của họ ra sao và triển vọng của xứ sở này như thế nào.
Malaysia được coi là một nơi sáng ngời triển vọng kinh doanh. |
Sáng ngời triển vọng kinh doanh
Theo kết quả thăm dò của tổ chức đánh giá Korn/Ferry International (KFI), Malaysia được xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới ở khu vực Đông Á.
Malaysia cũng nằm trong 3 nước có nơi làm việc tốt nhất trong khu vực dành cho những người từ nước ngoài hồi hương nhờ sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng.
KFI - cơ quan nghiên cứu hàng đầu thế giới hoạt động tại 35 nước trong đó có Malaysia - cho biết đánh giá này dựa trên kết quả cuộc thăm dò 185 Tổng giám đốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD).
Charles Tseng, Chủ tịch KFI phụ trách khu vực châu Á-TBD nhận xét Malaysia tỏ ra là một thị trường đầu tư và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tốt hơn cả Indonesia, Singapore, Philippin và Thái Lan.
Có truyền thống vượt qua thử thách
Sau khi giành được độc lập (1957), Malaysia lúc đó là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào Anh, nguồn thu chính là từ xuất khẩu cao su tự nhiên và thiếc. Từ 1970, Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách kinh tế mới (1970-1990) với mục tiêu xoá nghèo đói và cơ cấu lại nền kinh tế. Ở giai đoạn này, nhà nước đã chủ động đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế.
Từ 1983, Chính phủ đưa ra chính sách tự do hoá kinh tế, nới lỏng luật lệ và cải tiến chính sách về đầu tư; khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế; chủ trương quản lý chặt việc chi tiêu của khu vực kinh tế nhà nước; đồng thời đưa ra chủ trương tư nhân hoá các hoạt động kinh doanh và các công ty quốc doanh.
Nhờ đó, đến cuối thập kỷ 80, Malaysia chuyển sang nền kinh tế trong đó khu vực tư nhân nắm vai trò quan trọng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1996 - 2000) và lần thứ 8 (2001-2005) bắt đầu được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch dài hạn 30 năm (1990-2020) gọi là "Chương trình phát triển mới" hay "Tầm nhìn 2020" với mục tiêu đưa Malaysia trở thành một nước phát triển vào năm 2020.
Mục tiêu trên bị ảnh hưởng trầm trọng khi trong 2 năm 1997 và 1998, kinh tế Malaysia rơi vào khủng hoảng khá trầm trọng cùng với cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Nam Á. Năm 1998, tăng trưởng GDP là -6,7%, đồng ringgit mất giá 65%.
Thế nhưng, nhờ những biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, nền kinh tế Malaysia từ đầu năm 1999 đến nay đang phục hồi khá nhanh. Tăng trưởng GDP năm 1999 đạt 5,8%; năm 2000 đạt 8,5%, năm 2001 đạt 2,4% do tình hình kinh tế toàn cầu giảm sút. Tuy nhiên, từ năm 2002 kinh tế Malaysia từng bước phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2002 là 4,2%, năm 2003 đạt 5,2% (dự kiến trước đây 4,5%) và năm 2004 là 5,3%.
Đó là những mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và thế giới.
Các nền tảng kinh tế vững chắc
Chính phủ Malaysia đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Mã Lai nắm giữ các khu vực kinh tế quan trọng như sản xuất dầu mỏ, khai khoáng, thương mại, tài chính, dệt may và điện tử.
Malaysia có trữ lượng thiếc chiếm 62% trữ lượng thiếc thế giới, có mỏ đá đen quý làm đồ trang sức nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Về nông nghiệp, ngoài trồng lúa, Malaysia còn phong phú về cây công nghiệp như cao su, cọ lấy dầu, hồ tiêu, cacao và các loại cây ăn quả như dừa, sầu riêng, măng cụt.
Hơn 50% sản phẩm dầu cọ của Malaysia đã có mặt trên các thị trường thế giới. Malaysia còn nổi tiếng về sâm Tongkat Ali, rất bổ dưỡng, điều hoà lưu thông máu, phòng chống bệnh đái đường, bảo vệ tuyến tiền liệt...
Kinh tế Malaysia đang phát triển do có các nền tảng vững chắc khác như hệ thống ngân hàng tài chính mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, dự trữ ngoại tệ cao, cán cân thanh toán hợp lý và thặng dư thương mại cao luôn được duy trì.
Báo cáo kinh tế hàng năm do Bộ Tài chính nước này công bố cho biết tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 6%. Khu vực chế tạo có thể vẫn tăng trưởng mạnh nhất, ở mức 7,6% năm 2005 so với mức tăng 10,5% trong năm 2004. Khu vực dịch vụ dự báo tăng 5,8% , khu vực nông nghiệp tăng 2,4% so với mức tăng 2,8% năm 2004, khu vực khai thác mỏ tăng trưởng từ 5-5,5%. Các thị trường ASEAN, Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc chiếm tới 79,6% tổng lượng hàng xuất khẩu của Malaysia.
Một nền kinh tế hướng về xuất khẩu
Báo cáo của Bộ Công nghiệp và Ngoại thương nước này vừa công bố cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 năm nay tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2004, đạt 42,65 tỷ Ringgit (11,2 tỷ USD) và cao hơn mức tăng 9,4% trong tháng 4/2005 do xuất khẩu dầu thô và điện tử tăng mạnh.
Giá dầu tăng cao, kéo dài nhiều tháng đã làm điêu đứng nền kinh tế nhiều nước, nhưng không tác động hoặc tác động không đáng kể tới đà tăng trưởng kinh tế nước này, vì Malaysia là nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.
Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng, ngân sách của Malaysia năm 2005 tập trung hỗ trợ vào khu vực các xí nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tạo điều kiện cho nông nghiệp, các khu vực dịch vụ phát triển hơn nữa.
Đối với khu vực dịch vụ, Chính phủ đang tập trung tìm giải pháp cải cách tốt nhất để có thương hiệu cho những sản phẩm truyền thống. Malaysia có những chính sách nhằm giảm bớt chi phí cho các DN hoạt động để tăng tính cạnh tranh, đưa nước này trở thành một trung tâm gia công hàng đầu của khu vực.
Cạnh tranh về thương mại - mục tiêu lớn trước mắt
Malaysia đã đầu tư khá nhiều tiền của và tiếp tục làm tất cả những gì có thể để thu hút những tài năng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành thung lũng Silicon của châu Á, đuổi kịp và vượt Singapore trong những năm tới.
Một động thái đang được dư luận quan tâm, ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) vừa công bố quyết định huỷ bỏ chính sách ấn định tỷ giá hối đoái của đồng Ringgit với đồng USD đã áp dụng từ 1/9/1998, thay vào đó sẽ áp dụng chính sách “thả nổi có quản lý” nhằm kích thích hoạt động kinh tế, thương mại.
Malaysia đang vươn lên cạnh tranh với Singapore và trở thành một trung tâm vận tải biển trong khu vực. Giám đốc điều hành cảng biển Westport của Malaysia, ông G.Gnalingam cho biết tập đoàn vận tải biển China Shipping Group (CSG) của Trung Quốc đã quyết định chuyển trụ sở hoạt động đặt tại Singapore sang cảng Westport ở Port Klang (Malaysia).
Theo ông, hoạt động thương mại Malaysia - Trung Quốc phát triển mạnh sau khi chương trình tự do hoá thuế quan theo khuôn khổ thoả thuận Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc ký tháng 11/2004 có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay.
Trước đó, Công ty vận tải biển Maersk Sealand của Đan Mạch và Công ty Evergreen của Đài Loan chuyển trụ sở từ Singapore đến cảng Tanjung Pelepas của Malaysia năm 2002. CSG dự báo khối lượng vận chuyển hàng hoá của công ty này qua cảng Westport sẽ tăng từ 300.000 TEU năm 2004 lên 350.000 TEU năm 2005 và phấn đấu đến năm 2010 CSG sẽ trở thành một trong 3 tập đoàn vận chuyển container hàng đầu thế giới.
Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch trong vùng
Có thể nói hoạt động du lịch Malaysia phát triển và năng động nhất trong khu vực, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 2 cho nước này sau ngành công nghiệp chế tạo. Năm 2003, Malaysia đón 10,6 triệu khách du lịch; năm 2004 đón 15,7 triệu khách du lịch nước ngoài, đạt doanh thu 29,7 tỷ Ringgit (3,8 Ringgit/1 USD). Người nước ngoài đến du lịch Malaysia chủ yếu từ các nước láng giềng Đông Nam Á, châu Á và Trung Đông.
Bộ Du lịch và Hiệp hội du lịch Malaysia đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá du lịch ở nước ngoài. Đại diện các báo và các cơ quan truyền thông quốc tế đã được mời tới Malaysia chứng kiến đất nước có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều nền văn hoá đặc sắc và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng đa sắc tộc, tham dự các lễ hội lớn Citrawama Malaysia, lễ hội nước, lễ hội ẩm thực và hoa trái. Hơn 30 văn phòng đại diện du lịch Malaysia đã được đặt tại nhiều nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á và châu Đại dương.
Hơn 15 triệu khách du lịch đến Malaysia trong một năm, chính là do cơ sở hạ tầng đường bộ, đường không ở nước này hoàn hảo và thuận tiện; hệ thống khách sạn, siêu thị, nhà hàng hiện đại, các địa danh tham quan, mua sắm và vui chơi kỳ thú và hấp dẫn.
Malaysia còn có một quần thể vui chơi, giải trí và mua sắm trên cao nguyên Genting cao 2.000 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ thường từ 13-18 độ C. Tại đây, có 5 khách sạn hiện đại, liên hoàn, nhiều tầng, có 8.000 phòng khách, có trung tâm hội nghị quốc tế sức chứa 6.000 người, có phòng tiệc phục vụ cùng một lúc 3.000 người. Một toà tháp lớn sẽ xây dựng xong trong năm 2006, nâng tổng số phòng khách lên 10.000 phòng, trở thành khu liên hợp khách sạn lớn nhất thế giới.
Học Malaysia để phát triển doanh nghiệp
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cũng từng bày tỏ hy vọng kinh nghiệm phát triển thành công các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia sẽ được nhân rộng tại các nước nghèo.
Một quan chức UNDP có tên Zephirin Diabre cho rằng Malaysia đã thiết lập được những cơ quan trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hiệu quả. "Mặc dù đó là những công ty có qui mô nhỏ nhưng lại có mong muốn tham gia vào các dự án liên doanh và chuyển giao công nghệ, muốn trở thành tay chơi chủ động trên thị trường quốc tế", ông Diabre nhận xét.
Chưa hết, nhà sáng lập tổ chức tư vấn kinh doanh Action International, ông Brad Sugars, cũng đánh giá Chính phủ Malaysia đã có những bước đi đúng hướng để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Sugars cho rằng các công ty cỡ nhỏ cũng nên có tầm nhìn toàn cầu và nhận ra rằng có nhiều cơ hội to lớn hơn ở thế giới bên ngoài.
Ông cho rằng việc tạo thuận lợi và khuyến khích là chưa đủ mà Chính phủ cũng phải giáo dục các doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp này tồn tại trên thương trường một thời gian dài. Theo ông, các doanh nghiệp nên học những bài học thất bại từ các doanh nghiệp khác vì "học phí rẻ hơn". Và không ở đâu, những bài học lại bổ ích như ở Malaysia.
Theo KFI, thách thức hàng đầu của Malaysia là làm thế nào thu nhận và giữ được những nhân tài trong nước. 'Cuộc chiến' giành chất xám còn được coi là vấn đề chủ chốt đối với các nước Đông Nam Á, cũng như phần lớn các nước khu vực châu Á.
Nhìn chung, kinh tế Malaysia đang phát triển do có các nền tảng vững chắc, hệ thống ngân hàng tài chính mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, dự trữ ngoại tệ cao, cán cân thanh toán hợp lý và thặng dư cao trong cán cân thương mại luôn được duy trì.
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Malaysia
Quan hệ kinh tế hai nước không ngừng phát triển và ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư của Malaysia vào Việt Nam tăng từ 50 triệu USD năm 1990 lên trên 1,1 tỉ USD năm 2004, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN và thứ 12 trong số 64 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh, trong 5 năm gần đây tăng trung bình 20%/năm, kim ngạch buôn bán hai chiều tăng từ 160 triệu USD (năm 1992) lên 1,029 tỷ USD (năm 2002) và năm 2003 đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD, riêng 2 tháng đầu năm 2004 đạt 236,6 triệu USD (Việt Nam xuất 58,7 triệu).
Hợp tác lao động là một lĩnh vực hợp tác mới và đầy tiềm năng giữa hai nước. Chỉ sau hơn 1 năm, từ tháng 4/2002 đến tháng 4/2004 khoảng 71 nghìn lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia. Ngày 1/12/2003, hai nước ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về hợp tác lao động để triển khai cụ thể lĩnh vực hợp tác này.
Đến nay hai nước đã ký 13 Hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, hàng không, đầu tư, bưu điện và viễn thông, ngân hàng, du lịch, thanh niên, thể thao và nhiều bản ghi nhớ khác. Trong chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Phan Văn Khải 21-23/4/2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI".
Liên bang Malaysia |
- Vị trí địa lý: nằm ở Đông Nam Á, diện tích 330.307 km2, được chia thành 13 bang. Có 2 khu vực hành chính đặc biệt là Thủ đô Kuala Lumpur và Labuan được gọi là "lãnh thổ liên bang" thuộc chỉ đạo trực tiếp của liên bang. |
-
Nhật Vy (Tổng hợp)
• Hồng Kông - khát vọng sánh với Paris, New York
• Cách đánh bóng thương hiệu của những đại gia Hàn Quốc