Với ĐTDĐ giá 30 USD, Motorola hướng tới vị trí số 1
Điện thoại di động (ĐTDĐ) Motorola sẽ sớm được bán với giá chưa đầy 30 USD/chiếc tại các nước đang phát triển sau khi tập đoàn này thắng gói thầu mới.
ĐTDĐ sẽ được bán với giá chưa đầy 30 USD/chiếc tại các nước đang phát triển sau khi Motorola thắng gói thầu mới ở khu vực này. |
Đại gia ĐTDĐ Mỹ hôm nay (28/9) vừa công bố kế hoạch sản xuất khoảng 6 triệu máy ĐTDĐ giá rẻ để bán khắp 17 nước đang phát triển có nhu cầu cao về mặt hàng này. Trong số đó, có các thị trường lớn như Ấn Độ, Nigeria, Bangladesh, Yemen và Kenya.
Hiện mức giá thấp nhất cho một "con dế" sử dụng công nghệ GSM ở các thị trường này là từ 30 - 40 USD/chiếc. Bên cạnh đó, mức thuế đánh khá cao ở các nước đối với ĐTDĐ càng khiến dân nghèo khó tiếp cận công nghệ tiện dụng này.
Theo hợp đồng đã ký với các nhà phân phối các nước trên, Motorola sẽ bắt đầu giao hàng vào đầu năm sau với giá bản sỉ thấp hơn 30 USD/chiếc. Giá bán lẻ ở mỗi thị trường, phụ thuộc vào thuế và các yếu tố khác, nhưng theo Motorola, hãng sẽ cố gắng để mức giá bán lẻ thấp hơn 30 USD/chiếc ở đa số các trường hợp.
"Ở các nước đang phát triển, khách hàng thường muốn chiếc ĐTDĐ có nhiều chức năng riêng biệt, nhiều khi vượt quá khả năng của nhà sản xuất. Nhưng bên cạnh đó, họ lại luôn muốn mua với mức giá rẻ tới mức có thể. Và Motorola có khả năng đáp ứng yêu cầu 2 chiều đó.", Ron Garriques, Trưởng bộ phận ĐTDĐ của Motorola, cho biết.
Điểm đặc biệt cho những chiếc lần này là pin sẽ bền và mạnh hơn để có thể sử dụng lâu hơn trong điều kiện thiếu điện để nạp, điều thường xuyên xảy ra ở các nước nghèo.
Thị trường lớn của tất cả các đại gia ĐTDĐ hiện nay, như Motorola, Nokia hay Samsung, là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chưa được tính đến trong gói thầu lần này.
Củng cố vị trí số 2
Năm nay Motorola đã không còn lép vế trước Nokia và Samsung nữa. Doanh thu quý II/2005 của đại gia Mỹ này đã tăng tới 17% so với quý trước, đạt 8,8 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt 933 triệu USD trong khi năm ngoái, họ còn lỗ tới 203 triệu USD.
Với 18% thị phần ĐTDĐ thế giới, Motorola đã leo lên vị trí thứ 2 trong ngành này, chỉ còn kém Nokia, hiện đang nắm giữ 33% thị phần nhưng lại đang có dấu hiệu đi xuống. "Chúng ta đã là số 2, và nhiệm vụ quan trọng trước mắt là vị trí số 1", Tổng giám đốc Motorola, ông Edward J. Zander, luôn nói với nhân viên của mình như vậy.
Gói thầu sản xuất ĐTDĐ giá rẻ để bán khắp 17 nước đang phát triển là bước đi thể hiện rõ quyết tâm đó. |
Rõ ràng, kiên quyết dành và thực hiện bằng được gói thầu sản xuất khoảng 6 triệu máy ĐTDĐ giá rẻ để bán khắp 17 nước đang phát triển và có nhu cầu cao về mặt hàng này là bước đi thể hiện quyết tâm đó.
Vài nét về hãng Motorola |
Công ty Motorola được ông Paul V. Galvin thành lập năm 1928 dưới cái tên Galvin Manufacturing Corporation ở Chicago, Mỹ. Sản phẩm đầu tiên của công ty là thiết bị thay thế pin, giúp người sử dụng máy radio dùng pin có thể sử dụng nguồn điện nhà. Những năm 1930, công ty rất thành công trong việc kinh doanh máy radio lắp trên ôtô có tên "Motorola", một từ ám chỉ âm thanh đang chuyển động. Cái tên này trở thành tên của công ty từ năm 1947. Motorola hiện là một trong những tập đoàn đứng đầu thế giới về viễn thông, cơ sở hạ tầng không dây, các thiết bị băng thông rộng cùng các giải pháp điều khiển điện tử cho ngành công nghiệp xe hơi. Tính riêng thị trường thiết bị cầm tay dành cho người dùng cuối, hãng đang dẫn đầu tại các thị trường Bắc Mỹ, Trung Quốc và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, mải mê tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới tại thị trường lớn như Bắc Mỹ, Trung Quốc, Motorola lại lãng quên những thị trường viễn thông di động truyền thống và tiềm năng như Đông Nam Á. Theo số liệu từ Motorola, doanh số của tập đoàn này năm 2001 đạt 30 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó bộ phận thông tin cá nhân (PCS) - bộ phận sản xuất máy điện thoại di động - chiếm khoảng 33% doanh thu của Motorola. Cũng trong năm này, Motorola đã đầu tư 4,318 triệu USD cho việc nghiên cứu và phát triển, tương đương với 12 triệu USD mỗi ngày. Thế nhưng tới năm 2003 doanh số của tập đoàn này chỉ đạt 27,1 tỷ USD. |
-
Nhật Vy (Tổng hợp)