5 bài học rút ra từ tăng trưởng kinh tế Mỹ
Giá dầu mấy lần phá kỷ lục. Đại cuồng phong cướp trắng hàng chục tỷ USD. Các vụ phá sản của những tập đoàn khổng lồ... Một nền kinh tế mạnh đến mấy cũng phải suy sụp hoặc khủng hoảng trầm trọng vì những điều không thuận như thế. Nhưng trường hợp nước Mỹ lại khác.
New York nhìn từ trên cao. |
2005 đã tốt, 2006 sẽ còn tốt hơn
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2005 mà đặc biệt là quý III đầy khó khăn vừa qua vẫn đạt mức đáng nể, 3,8%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP năm vừa rồi lên tới 11.668 tỷ USD, vẫn chứng tỏ được khả năng siêu việt trong việc thích ứng, khắc phục bất cứ cú "sốc" lớn nào và vẫn vững vàng tiến bước.
Nhờ vậy, tiêu dùng trong dân thời gian qua tăng mạnh, thu nhập người dân nâng lên cùng với sự tăng trưởng mạnh về lượng hàng hoá dịch vụ làm ra trong nước. Tăng trưởng GDP quý III và cả 2/3 năm 2005 đã vượt quá dự báo của các nhà phân tích kinh tế.
Theo các nhà quan sát, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua một phần nhờ sản xuất và tài chính - 2 lĩnh vực then chốt của kinh tế Mỹ - đã được vận hành và quản lý tốt hơn, linh hoạt hơn và ít bị tổn thương hơn trước.
"Nền kinh tế khổng lồ này đã tạo được bước ngoặt mới vô cùng quan trọng. Con số 3,8% vừa công bố tuần này là mốc son đánh dấu một chuỗi tăng trưởng GDP kỳ diệu liên tiếp 10 quý vừa qua", Brian Wesbury, một chuyên gia kinh tế của Công ty chứng khoán Claymore ở Chicago nói.
Kinh tế thường đi theo chu kỳ tăng trưởng rồi suy thoái khó cưỡng lại. Song cho tới nay chưa ai nhìn thấy dấu hiệu suy thoái nào sẽ đến trong tương lai gần đối với nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn tăng trưởng kéo dài ấy.
"2006 có vẻ sẽ lại là một năm tương đối tốt đẹp mà tăng trưởng GDP ước chừng 3%. Tôi nghĩ, khả năng suy thoái rất khó xảy ra. Có thể lạc quan rằng năm 2005 đã tốt thì 2006 sẽ còn tốt hơn", John Kilduff, Phó Chủ tịch tập đoàn quản lý rủi ro Fimat USA ở phố Wall, nhận xét.
Cơ sở cho niềm tin ấy là việc xuất khẩu, chi tiêu của Chính phủ và đầu tư trong nước vẫn đang trên đà tăng mạnh và dự báo sẽ còn duy trì một thời gian dài nữa.
5 bài học rút ra từ tăng trưởng kinh tế Mỹ
• Chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ, thiên về dịch vụ. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp ngày càng đóng góp ít hơn vào nền kinh tế quốc dân, không chỉ riêng ở nước Mỹ. Thêm vào đó, các vụ phá sản, sáp nhập và lâm vào nợ nần triền miên càng khiến công nghiệp ngày càng bất ổn hơn cho mỗi nền kinh tế.
Tăng trưởng tỷ trọng dịch vụ chính là giải pháp cho các nền kinh tế trên toàn cầu, cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Nước nào vận dụng tốt hơn, chuyển biến nhanh hơn, như trường hợp của Mỹ, sẽ thành công.
Và ngay cả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Mỹ cũng đã bước đầu thành công trong việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng. Các nguồn năng lượng thay thế được nghiên cứu và phát triển, các công cụ và phương tiện được cải tiến theo hướng tiết kiệm xăng dầu đã ra đời hàng loạt...
• Thông tin và quản lý tốt hơn. Một thực tế là các nhà hoạch định chính sách chủ yếu trong nền kinh tế, từ Fed cho tới từng ông chủ doanh nghiệp ở Mỹ, đang ngày càng tỏ ra minh bạch và dễ dự báo hơn.
Vì thế, bao nhiêu lần tăng lãi suất của Fed đều được các nhà kinh tế và báo chí dự báo trước với độ chính xác lên tới từng ngày. Từ đầu năm người ta đã biết Fed sẽ tăng lãi suất bao nhiêu lần và mỗi lần lên mấy điểm phần trăm.
Các doanh nghiệp cũng vậy: doanh thu, lợi nhuận và tất cả những biến động liên quan tới tình hình làm ăn của công ty đều được đưa lên mặt báo. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động thông báo trực tiếp tới công chúng và những nhà đầu tư.
Việc truyền tải thông tin tốt hơn, cải cách phương pháp quản trị hành chính và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, minh bạch và dễ dự báo đã góp phần làm nền kinh tế này đi đúng hướng mà đa số mong muốn.
Một góc phố ở Washington. |
• Thị trường linh hoạt hơn. Chính Giám đốc Fed, huyền thoại Alan Greenspan, đã hơn một lần nói thẳng rằng phá cách một vài quy tắc cũ của kinh tế thị trường là nhân tố cốt lõi giúp nền kinh tế Mỹ chịu đựng và vượt qua được các cú sốc lớn.
Chẳng hạn, về nguyên tắc, linh hoạt trên thị trường lao động đồng nghĩa với việc lao động nhàn rỗi sẽ xuất hiện khá nhiều, trái với mong muốn của giới chủ. Song về tổng thể, điều đó giúp tạo ra một lực lượng lao động lớn đủ sức đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn bất ngờ và giữ cho tình trạng thất nghiệp ở mức thấp. Những sự linh hoạt kiểu phá cách đó ít ai dám áp dụng cho đến nay, trừ Mỹ.
• Không ngừng áp dụng các công cụ tài chính mới. Trong một bài phát biểu gần đây, ông Greenspan cho rằng việc áp dụng một số công cụ tài chính mới nhằm phân tán rủi ro đã tạo ra một hệ thống tài chính linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và trơn tru hơn hệ thống được các nước coi là chuẩn đã tồn tại cả 1/4 thế kỷ qua.
Theo đó, các công cụ tài chính mới như Giao ước nợ phụ (Collaterized Debt Obligations), Tín dụng phái sinh (Credit & Climate Derivatives), Hệ thống đan xen tài chính (Netting Networks) và rất nhiều sáng kiến khác có thể làm thay đổi nền kinh tế. Các công cụ này đang đặt ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và doanh nghiệp.
Thế hệ những công cụ tài chính đầu tiên đã được phổ biến rộng khắp và hữu ích cho những nhà quản lý tài chính, những Giám đốc ngân hàng, hay các công ty bảo hiểm. Hầu hết các khái niệm, công cụ và sản phẩm đó đều đã được chính quyền Mỹ đơn giản hoá, thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như năng lực của các mạng lưới ngân hàng. Chính điều này đã cho phép những nhà quản trị tài chính mở rộng mạng lưới và nâng cao thị phần.
• Nâng cao năng suất lao động. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của lực lượng lao động trong những năm gần đây đã cho phép nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mà không sợ lạm phát quá mức.
Bên cạnh đó, bằng những chương trình tổng thể và cụ thể, nước Mỹ đã nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng và bồi dưỡng trình độ đáng kể cho lực lượng lao động vốn đã được xếp vào hàng chuyên nghiệp nhất thế giới.
Một khi các phát minh mới liên tục ra đời cùng với việc năng suất lao động tăng cao,sẽ tạo ra tăng trưởng của từng doanh nghiệp, qua đó dẫn tới tăng trưởng kinh tế chung, là điều tất yếu.
-
Nhật Vy (Theo CBS, Christian Science Monitor)
• Macao - dùng sòng bạc "câu" du lịch
•
Malaysia - triển vọng kinh doanh thứ 3 châu Á• Hồng Kông - khát vọng sánh với Paris, New York
• Cách đánh bóng thương hiệu của những đại gia Hàn Quốc