,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
728672
Báo in Mỹ khủng hoảng, báo điện tử lên ngôi
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Báo in Mỹ khủng hoảng, báo điện tử lên ngôi

Cập nhật lúc 11:38, Thứ Hai, 07/11/2005 (GMT+7)
,

Lượng độc giả của các tờ báo lớn ở Mỹ đọc báo qua internet nhiều gấp 1,5-4 lần lượng độc giả đọc qua trang giấy. Những độc giả trẻ ngày càng ít đọc báo giấy, "nhường" thể loại này cho lớp người già!

Thời khủng hoảng của báo in Hoa Kỳ

Soạn: AM 611307 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lượng độc giả của Washington Post qua internet gấp hơn 4 lần lượng độc giả qua báo giấy.

Báo giấy đang ngày càng trở thành một phương tiện truyền thông lỗi thời và bị thất thế so với báo điện tử ở Mỹ.  Một nghiên cứu hồi tháng 3 của Hiệp Hội Báo In Hoa Kỳ (NNA) cho thấy với các tờ báo lớn và được tín nhiệm nhất ở nước Mỹ như New York Times, Washington Post, số người đọc báo qua mạng đã vượt trội số người đọc báo in (New York Times: 12,8 triệu/5 triệu; Washington Post: 7.8 triệu/1.8 triệu, Los Angeles Times: 4.3 triệu/2.4 triệu). 

Trong một bài phân tích riêng cho tờ Seattle Times, ông Merril Browns, tổng biên tập đầu tiên của MSNBC.com và hiện là một cố vấn truyền thông ở New York, đã viết: “Nói ngắn gọn, tương lai của ngành báo chí đang bị đe doạ bởi xu hướng lấy tin tức từ những nguồn tin không truyền thống, và đây là một xu hướng không thể đi ngược lại được nữa”.

Theo nghiên cứu của Viện Carnegie, giới trẻ ngày nay hầu hết sử dụng Internet làm nguồn tin chính của họ, trong khi đó báo chí và truyền hình trung ương ngày càng ít được sử dụng.  44% số người được hỏi trả lời họ dùng các news portal như Yahoo ít nhất 1 lần mỗi ngày, 37% sử dụng truyền hình địa phương, tiếp theo đó là truyền hình trung ương hoặc cáp và báo in (19%).  Số người đọc báo in đã giảm sút mạnh kể từ khi có mặt các công nghệ mới: từ năm 1972 đến 1998 số dân từ 30-39 tuổi đọc báo in hàng ngày đã giảm từ 73 xuống 30%.  Số tuổi trung bình của người đọc báo in, cũng như xem tin tức từ TV và cáp truyền hình, là 53 (!)

Những chuyển biến của báo in

Nhận ra xu thế này, các tờ báo đang chạy đua giảm thiểu chi phí báo in, cắt nhân lực, đồng thời đầu tư vào phát triển báo điện tử - nguồn doanh thu quảng cáo tiềm năng khổng lồ của họ.

Tờ Washington Post đã có một loạt các thử nghiệm trên tờ báo điện tử của họ trong vòng mấy tháng vừa qua để thu hút thêm lượng độc giả: đưa kết nối đến các blogs về một bài báo, cho phép người đọc chat trực tuyến với tác giả một bài báo, cho phép các cộng tác viên đăng các blog của mình trên trang chính để độc giả có thể đối thoại gần như trực tiếp với  từng cộng tác viên. Tác dụng của các sáng kiến này đối với danh tiếng và sự chuyên nghiệp báo chí cũng như tính đáng tin cậy của tin tức thì còn phải bàn cãi thêm, nhưng rõ ràng những hoạt động trực tuyến này đã khiến cho người đọc cảm thấy gần gũi thân thiết hơn với tờ báo điện tử, nhờ vậy thu hút một lượng độc giả trung thành lớn. 

Cũng vậy, Wall Street Journal, tờ báo được có số lượng độc giả lớn nhất nước Mỹ,  đang có những nỗ lực gắn kết báo điện tử với báo in.  Báo điện tử của họ vừa ký thoả thuận để đăng các “tít” quan trọng của các tờ báo châu Á và châu Âu trong mục “Across Asia” và “Across Europe,” người đọc vào đó sẽ được dắt đến link của các tờ báo này.  Còn các mục tương ứng của tờ báo in thì được thu ngắn lại và có các “pointers” để chỉ đến các web link. Thêm vào đó những người trả phí để đọc báo điện tử sẽ truy cập vào được những phần truyền thông đa phương tiện chỉ có trên mạng mà không có trên báo giấy, cũng như truy cập qua điện thoại đa chức năng Blackberry và qua hệ thống phần mềm tổng hợp thông tin RSS.

Tờ tạp chí xếp hạng nổi tiếng US News cho biết báo mạng của họ đang phát triển bùng nổ, trong khi đó với báo in thì thua thiệt thảm hại. Trang Washingtonian.com có nhận xét “Báo in của US News and World Report chỉ còn mỏng đến nỗi giống như một tờ newsletter hơn là báo!”  Để đối phó với thực trạng này, họ cho nghỉ việc tầm 10 người làm báo in và bỏ ra 2 triệu USD để đầu tư vào các dịch vụ trên mạng Internet cũng như thuê người quản lý các website. Theo Washingtonian.com, công thức mới của tạp chí này là “nhiều lời hơn trên nhiều phương tiện hơn, nhưng sử dụng ít nhà báo hơn.”

Một trong những chiến lược Internet của họ là tận dụng thương hiệu đã được công nhận – bảng xếp hạng các trường đại học Mỹ của US News - để xây dựng bảng xếp hạng các bệnh viện và các kế hoạch y tế hiện có tại Mỹ trên website. Tuần này website xếp hạng bệnh viện sẽ đi vào hoạt động. Ngoài việc đưa ra danh sách các bệnh viện được công nhận, họ sẽ đưa ra thông tin về các loại bệnh tật và cách chữa, dựa vào hợp tác giữa họ và các trung tâm nghiên cứu y tế danh tiếng như Stanford, Johns Hopkins, Harvard… Tuy nhiên, chưa chắc nỗ lực này đã mang lại kết quả như mong muốn.  Một nhà cố vấn truyền thông nhận xét: ‘Có lẽ (nếu là họ) tôi sẽ ngần ngừ khi bỏ ra 100 triệu USD cho hai websites (về trường ĐH và dịch vụ y tế) này.  Dù sao họ cũng chưa phải là những nhà chuyên môn được tin tưởng nhất trong các lĩnh vực này.”

Ảnh hưởng của báo điện tử với báo chí truyền thống

Xu hướng chuyển từ báo in sang báo điện tử không chỉ cho thấy sự nhạy bén của độc giả trẻ tuổi trước những ưu thế của báo điện tử: thông tin cập nhật nhanh hơn, có các tính năng trực tuyến, sử dụng đường băng thông Internet và vì vậy gần như là miễn phí …

Soạn: AM 611303 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phần lớn các độc giả trẻ thích truy cập tin bất cứ lúc nào mà họ cần, và vì vậy những trang như Yahoo hấp dẫn hơn nhiều so với báo giấy.

Sâu xa hơn, nó cho thấy những nhu cầu mới của các độc giả ở thời đại kỹ thuật số - họ muốn có thể truy cập tin bất cứ lúc nào họ cần, họ muốn được “cá nhân hoá” tin tức mà họ đọc và bình luận trên blog của họ ngay khi đọc xong, và họ cũng muốn biết rõ những giả định và thiên vị của tác giả khi thông báo về một sự kiện nào đó.  Có thể nói họ truy cập thông tin từ blog và các mục bình luận của cộng tác viên báo chí hơn là chỉ đọc tin tức thuần tuý.  Do đó cách thức thu thập và truyền bá thông tin truyền thống đang rơi vào thế nguy kịch.

Tuy nhiên, theo ông Merril Browns, đây không phải là một báo hiệu cho ngày tận thế của báo chí truyền thống (mainstream media-MSM).  Bởi vì ai sẽ lăn lộn đi thu thập các tin tức như bầu cử quốc hội hay chiến tranh ở Trung Đông, và đặc biệt là những tin tức nóng hổi về trận bão Katrina? Chắc chắn không phải các cộng tác viên, blogger, hay các tập đoàn truyền thông chuyên tổng hợp tin nhưng chủ yếu vẫn là các tập đoàn công nghệ như Yahoo hay Google.  Ngay cả trong thời đại thông tin trực tuyến, “người đọc tạo tin” (user-generated content) này, các phương pháp lấy tin và đưa tin truyền thống vẫn có lý do chính đáng để tồn tại. 

Thay đổi để tồn tại

Việc chuyển từ báo in sang báo điện tử không chỉ bao hàm một sự thay đổi về hình thức truyền tải.  Quan trọng hơn, nó báo hiệu một cuộc cách mạng về phong cách làm báo, cụ thể là nội dung và hình thức trình bày của các bài báo.  Những tờ báo muốn thành công thì phải nắm bắt rất rõ và đón đầu sự chuyển mình này. 

Về nội dung, họ phải có cách tiếp cận mới với độc giả.  Những độc giả hiện đại không chỉ là người tiếp nhận tin tức một cách thụ động, mà họ phân tích bình luận giống như những nhà báo thực thụ (citizen journalism), vì thế người làm báo không thể “áp đặt” ý kiến của mình qua các bài viết nữa.  Thay vào đó, họ phải tạo ra và phát triển các cuộc đối thoại bình đẳng với độc giả, và gây dựng nơi độc giả niềm tin vào sự khách quan, hoặc sự chủ quan không giấu diếm, của mình. Họ cần phải tìm cách thâm nhập vào trung tâm của những cuộc đối thoại trên mạng - chính là các blog, email và diễn đàn online.  Tuy nhiên, theo ông Brown, hiện nay chỉ có ít các cơ quan truyền thông suy nghĩ một cách thấu đáo và sáng tạo về các cách phát triển dịch vụ nhằm cải tiến tin tức và hấp dẫn người đọc theo hướng này. 

Về mặt hình thức, báo chí mạng không thể dài dòng văn tự và mang tính trịch thượng như báo chí truyền thống nữa. Thông tin truyền tải trên màn hình máy tính hay máy Palm cần phải tập trung súc tích trong các “tít” lớn và các câu tóm tắt ngắn gọn.  Văn phong của báo mạng phải mang đặc tính đối thoại cao, trực tiếp hướng đến độc giả.  Các mệnh đề đưa ra mang phải tính giả định và dành chỗ cho phản biện của độc giả, chứ không cứng nhắc “sách giáo khoa” như báo chí truyền thống.  Đây là những nhận định mà tờ Washington Post đưa ra từ chính những kinh nghiệm về phát triển các chức năng trực tuyến mà tờ báo này đi tiên phong. 

Song song tồn tại - một khả năng

Sự phổ biến của báo điện tử chưa hẳn đã báo hiệu một tương lai mù mịt cho báo in, đặc biệt là báo in địa phương. Trên thực tế, báo in có những điểm lợi mà báo điện tử không có được, ví dụ nghiên cứu cho thấy khổ chữ của báo in là dễ đọc nhất cho mắt, và dĩ nhiên người đọc cũng không phải suốt ngày căng mắt ngày nhìn vào màn hình máy tính để truy cập tin tức.  Đặc biệt, với những người lớn tuổi hơn thì việc phải vào mạng đã là một hoạt động không mang tính giải trí một chút nào. Một độc giả của tờ Washington Post viết: “Có ai muốn đọc tờ báo cuối tuần trên mạng không? Tôi thì không. Sáng chủ nhật, tôi cần phải ngồi thoải mái ở bàn điểm tâm, tay cầm tờ báo tay kia cầm cốc cafe!”

Với mật độ sử dụng Internet trên thế giới như hiện nay, cũng khó có thể nói xu hướng “mạng hoá” của báo chí Mỹ sẽ lan tràn ra nhiều nước khác đến mức đe doạ báo chí truyền thống của các nước đó, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của xu hướng này là một điều mà các nhà làm truyền thông các nước cần đặc biệt quan tâm.

  • Hoàng Minh (tổng hợp)

,
,