Vụ Mỹ khiếu kiện Trung Quốc ưu đãi thuế VAT
Nhân dịp Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xin giới thiệu một số kinh nghiệm kiện và đối phó với các vụ kiện rất hay xảy ra giữa các thành viên của tổ chức này.
Trường hợp lần này xin kể đến hồ sơ tóm tắt quá trình giải quyết tranh chấp số DS309 của WTO. Tên hồ sơ: Trung Quốc và vấn đề khiếu kiện về thuế VAT đối với các loại mạch tích hợp (IC).
Ảnh minh hoạ một loại mạch tích hợp (IC). Ảnh www.mpi.ch. |
Bên khiếu nại: Mỹ
Bên bị khiếu nại: Trung Quốc
Bên thứ 3: Không có
Ngày nhận yêu cầu đối thoại: 18/03/2004
Ngày thông báo thoả thuận giải quyết tranh chấp: 6/10/2005
Thoả thuận giải quyết tranh chấp được thông báo theo tinh thần của Khoản 3.6 của DSU
(Hiệp định giải thích các quy định và thủ tục giải quyết tranh chấp)
Nội dung khiếu nại của Mỹ
Ngày 18/03/2004, Mỹ đệ đơn lên WTO yêu cầu được đối thoại với Trung Quốc về việc Trung Quốc áp dụng thuế suất VAT ưu đãi đối với các sản phẩm IC được sản xuất hoặc thiết kế trong lãnh thổ Trung Quốc.
Mặc dù thuế suất VAT Trung Quốc áp dụng đối với mặt hàng IC là 17%, phía Mỹ cho rằng các doanh nghiệp chế tạo IC tại Trung Quốc được hưởng thuế suất thấp hơn do được hoàn một phần thuế VAT đã nộp. Theo quan điểm của phía Mỹ, phía Trung Quốc rõ ràng cố tình áp thuế cao hơn đối với IC nhập khẩu và do đó, đối xử không công bằng với IC nhập ngoại.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc cho phép thực hiện chế độ hoàn một phần thuế VAT đối với IC được thiết kế trong nước nhưng được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc do hạn chế về mặt công nghệ. Theo quan điểm của phía Mỹ, Trung Quốc rõ ràng đã tạo điều kiện đối xử ưu đãi việc nhập khẩu (IC) từ một quốc gia thành viên WTO này hơn là đối với các quốc gia khác, và do đó đã phân biệt đối xử với dịch vụ và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của các quốc gia thành viên khác.
Phía Mỹ cho rằng các biện pháp nêu trên của Trung Quốc không phù hợp với các quy định đối với Trung Quốc theo Điều I và III của Hiệp định thuế quan và mậu dịch 1994 (GATT 1994), Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (WT/L/432) và Điều XVII của GATS (Hiệp định chung về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ của WTO).
Ngày 26/03/2004, Cộng đồng châu Âu (EC) đệ trình văn bản yêu cầu được tham gia đối thoại. Ngày 31/03/2004, Nhật Bản cũng có yêu cầu tương tự. Ngày 1/04/2004, Mexico và vùng lãnh thổ Đài Loan, Penghu, Kinmen và Matsu có chế độ hải quan riêng (gọi tắt là Trung Hoa Đài Bắc-WTO) đồng loạt yêu cầu được tham gia đối thoại chung với Mỹ.
Ngày 28/04/2004, phía Trung Quốc có văn bản thông báo với DSSB (Cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của WTO) về việc nước này chấp thuận yêu cầu tham gia đối thoại của EC, Nhật Bản và Mexico.
Đạt được thoả thuận chung
Ngày 14/07/2004, Trung Quốc và Mỹ thông báo bằng văn bản với DSB về việc hai bên đã đạt được một thoả thuận chung về vấn đề do phía Mỹ nêu ra trong yêu cầu tham vấn.
Theo thông báo chung Mỹ - Trung, phía Trung Quốc đồng ý điều chỉnh hoặc bãi bỏ các biện pháp gây tranh chấp để tiến tới xoá bỏ chế độ hoàn thuế VAT áp dụng đối với mặt hàng IC được sản xuất và tiêu thụ trên lãnh thổ Trung Quốc trước ngày 01/11/2004, đối với như mặt hàng IC được thiết kế trong nước nhưng sản xuất tại nước ngoài trước ngày 01/12/2004. Các điều chỉnh của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ các ngày tương ứng là 01/04/2005 và ngày 1/10/2004.
Ngày 05/10/2005, Trung Quốc và Mỹ thông báo bằng văn bản lên DSB về việc hai bên đã đạt được thoả thuận về các điều khoản của thoả thuận đã được tiến hành thông suốt, và do đó hai bên đã đạt được thoả thuận song phương về các biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề tranh chấp do phía Mỹ nêu.
-
Nhật Vy (Nguồn: www.wto.org)