Các nước đang phát triển khẳng định vị thế tại Davos
Đại biểu từ các nền kinh tế đang phát triển đã đến tham dự và đang thu hút sự chú ý cao của cộng đồng quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đang tổ chức tại Davos, Thuỵ Sĩ tuần này.
Ảnh: www.weforum.org |
>>> Diễn đàn kinh tế thế giới: Lạc quan và bi quan?
>>> Thủ tướng sẽ dự diễn đàn Kinh tế thế giới
>>> WEF và WSF: Cuộc đối đầu của hai diễn đàn thế giới
Sự có mặt của đại biểu từ các nền kinh tế đang phát triển dự báo sẽ là nguồn cảm hứng chính, thổi phần hồn vào khẩu hiệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay, "Chuyển giao quyền lực".
Theo các nhà tổ chức, những đại biểu này sẽ thể hiện sự ảnh hưởng đáng kể của họ đối với nền kinh tế thế giới, vốn vẫn chịu sự ảnh hưởng to lớn của nhóm các nước công nghiệp phát triển bấy lâu nay. Các nhà tổ chức hy vọng sự xuất hiện của họ sẽ thắp sáng diễn đàn lần này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đứng đầu nhóm G8 hiện nay, cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ, cùng với Brazil, Mexico và Nam Phi, nên thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước phát triển trong khi Nga vẫn sẽ là đại biểu quan trọng có mặt trong các cuộc họp của G8.
Bà Merkel cũng cam kết sẽ tìm kiếm những thoả thuận hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa G8 với nhóm các nước đang phát triển trên thế giới hiện nay, cho rằng đó là việc có lợi cho phát triển kinh tế xã hội toàn cầu. "Các cuộc đối thoại sẽ phải diễn ra thường xuyên, ở những nơi khác nhau và tại các diễn đàn quốc tế khác nhau", bà Merkel nói.
Các nước cũng đang hy vọng tầm ảnh hưởng và tính quan trọng ngày càng tăng của nhóm các nước đang phát triển trên thế giới hiện nay sẽ đóng góp vào việc tháo gỡ những bế tắc cho tự do hoá thương mại toàn cầu hiện nay.
Mang theo đoàn những khẩu đại pháo
Tới dự diễn đàn lần này, các nước đang phát triển cũng có những vị thế mới, thể hiện trên từng khuôn mặt của các đại biểu trong đoàn.
Ví như đoàn của Ấn Độ, trong 66 đại biểu tham gia, người ta có thể thấy ngay những gương mặt quen thuộc và đầy ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Đó có thể kể đến là Bộ trưởng Phát triển công nghiệp Ấn Độ Ashwani Kumar và ông trùm của Tập đoàn thép khổng lồ Arcelor Mittal, Lakshmi Mittal hoặc Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông Ấn Độ Bharti Enteprises, ông Sunil Bharti Mittal.
Trong khi đó, phái đoàn của Nga tới Thuỵ Sĩ lần này bao gồm 43 vị cũng không kém phần ảnh hưởng, nhiều hơn hẳn con số 27 vị trong lần tham dự năm ngoái. Trong số này nổi lên những gương mặt nổi đình nổi đám trên trường quốc tế thời gian qua, chẳng hạn Alexander Medvedev, Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Gazprom. Đó còn là Vagit Alekperov, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí khổng lồ Lukoil hay Alexei Mordashov, ông chủ Tập đoàn thép Severstal.
Các đại biểu nghe phát biểu của ông Alexander Medvedev, Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Gazprom. Ảnh Reuters. |
Phái đoàn Trung Quốc cũng mang theo những doanh nhân nổi tiếng nước mình, như một minh chứng cho sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế của mình. Nổi bật lên có thể kể tới đoàn những lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí nước này như Sinopec hay lãnh đạo Tập đoàn máy tính khổng lồ Lenovo - hãng đã mua đứt nhánh sản xuất máy tính cá nhân của đại gia máy tính Mỹ IBM hồi năm 2005.
Nhiều doanh nhân Trung Quốc theo đoàn cho rằng họ rất tiếc không rủ thêm nhiều gương mặt tầm cỡ khác chỉ vì "những rào cản trong ngôn ngữ". Thực tế là không có nhiều doanh nhân nước này nói thạo tiếng Anh.
-
Nhật Vy (Theo AFP, Bloomberg, Reuters)