Thị trường chứng khoán:
Mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài
22:58' 02/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngày 2/3 thực sự là "ngày thứ ba tốt lành" đối với các nhà quản lý trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM. Khi Trung tâm tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên với các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài thì chỉ số chứng khoán tăng thêm gần 2 điểm. 

Chỉ số VN-Index đạt 173.43 vào cuối phiên giao dịch ngày 2/3. Dù mức tăng thấp hơn 2 ngày giao dịch trước nhưng nó cũng thể hiện sự ủng hộ và niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách thúc đẩy thị trường chứng khoán và thu hút nguồn vốn gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.

Chi phí đầu tư chứng khoán thấp hơn các nước

Các nhà đầu tư nước ngoài trong buổi gặp với quan chức chứng khoán. Ảnh: M.Q

Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang phục hồi, khi  liên tục trong nhiều phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán tăng lên tới trên 170 điểm. Sự phục hồi đó kéo theo việc quay trở lại cũng như tham gia mới của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital - một trong những quỹ đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hoạt động đầu tư tài chính và chứng khoán nhất ở Việt Nam - cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường chứng khoán là những yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. "Chủ trương chuyển đổi DN Nhà nước và đưa lên sàn niêm yết các công ty lớn của Việt Nam và liên doanh thực sự là mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Và thực sự là cơ hội của các nhà đầu tư", ông Scriven đã phát biểu trong buổi gặp gỡ.

Các nhà đầu tư chứng khoán trong nước và nước ngoài đều đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế và sự ổn định của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Họ cho rằng chi phí đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác (chỉ bằng khoảng 1/6 so với Trung Quốc, 1/4 so với Malaysia và hơn 1/3 so với Mỹ) và vẫn đảm bảo được tỷ lệ lợi nhuận không thấp hơn đầu tư thị trường chứng khoán ở những nước này.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc của VietFund Management, tỏ ra rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi mà tổng giá trị thị trường dự báo sẽ chiếm khoảng 3.7% GDP quốc gia vào 2005 và 15% vào năm 2010, và cho rằng đầu tư cổ phiếu cũng như trái phiếu đều đạt giá trị lợi nhuận cao hơn mức trung bình. Ví dụ như các chứng khoán nợ (hay còn gọi là trái phiếu) niêm yết có lãi suất 8,5% hoặc chứng khoán phi tập trung (không niêm yết trên sàn) lãi suất 9,5% so với mức trung bình của thế giới là 4-5%.

Nhà đầu tư nước ngoài cần gì?

Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm thông tin của các công ty niêm yết. Ảnh: M.Q

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm các chủ trương phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là chủ trương niêm yết cổ phiểu của các công ty lớn và liên doanh. Ông Scriven của Dragon Capital thì trông đợi và kỳ vọng sự xuất hiện của các công ty lớn có tầm ảnh hưởng đến thị trường như Vinamilk, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương Tín (Sacombank)... trên thị trường chứng khoán. Theo đánh giá của ông, đây mới thực sự là điểm quan tâm và "sức hút" của thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư nói chung và nước ngoài nói riêng. trong khi đó ông Kevin Snowball, Giám đốc Công ty PXP - một công ty chuyên quản lý tài sản - mong muốn Chính phủ sớm cho phép công ty liên doanh cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn khi chính phủ có chủ trương cho cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu của các DN Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, điện lực... Ông nói rằng việc cổ phần hóa các DN đầu tiên thuộc lĩnh vực này cũng như các Tổng công ty sẽ được đẩy nhanh để sự xuất hiện cổ phiếu Blue Chip (cổ phiếu của các công ty lớn và được nhiều nhà đầu tư săn lùng) mới trong vài năm tới sẽ làm cho thị trường sôi động hơn bên cạnh sự tham gia của các công ty liên doanh.

Dự kiến vào giữa năm nay cổ phiếu của một số công ty liên doanh được cổ phần hóa sẽ xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có khoảng 30 công ty có vốn đầu tư nước ngoài xin được cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán và 20 công ty trong số này sẽ được lựa chọn để thực hiện chủ trương mới này.

Mở thêm cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là đối tượng mà Chính phủ Việt Nam khuyến khích tham gia vào thị trường chứng khoán nhằm huy động nguồn vốn gián tiếp của nhóm nhà đầu tư này. Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách về thuế và sở hữu cổ phần để khuyến khích những nhà đầu tư này như miễn thuế VAT và thuế thu nhập đối với lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán, miễn thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, được sở hữu 30% cổ phần trong các công ty niêm yết và cổ phần hóa hoặc đến 49% trong các công ty quỹ...

Ông Phí Đăng Minh, Vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết ngân hàng sẽ xin phép Chính phủ ban hành một số qui định liên quan đến thời gian chuyển ngoại hối và lưu ký chứng khoán theo hướng tạo thêm điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, thời gian chuyển vốn gốc (vốn được đưa vào Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán hoặc lĩnh vực khác) sẽ được điều chỉnh thấp hơn hiện nay (ít nhất là một năm mới được phép chuyển theo đường ngoại hối) để nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển vốn gốc ra khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, thành viên lưu ký chứng khoán sẽ được mở rộng cho các công ty chứng khoán thay vì chỉ có ngân hàng nước ngoài như hiện nay để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mở tài khoản lưu ký chứng khoán ở bất kỳ công ty nào. Hiện nay chỉ có 3 ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện việc lưu ký bao gồm Deutch Bank, HSBC và Standard Chartered Bank.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ tăng cường liên kết với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chính quyền thành phố để phát triển trung tâm giao dịch chứng khoán thực sự là nơi đáp ứng cung ứng vốn cho thị trường và biến thành phố thành trung tâm tài chính của cả nước. Sự liên kết đã được 2 bên ký kết bằng văn bản, không chỉ tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán mà còn cho nhà đầu tư chứng khoán, những người thích sự đầu tư rủi ro.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ mới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần có những định chế mới để tăng cung cầu thị trường và tính thanh khoản cho cổ phiếu. SSC cũng nghiên cứu của việc hình thành những công ty định mức tín nhiệm hoặc định mức rủi ro để xếp hạng cổ phiếu để nhà đầu tư được thuận lơi trong việc lựa chọn hàng hóa chứng khoán.

  • Minh Quang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi