Sẽ không có chuyện nhập khẩu đường
17:17' 19/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Vũ Khoan vừa có văn bản 673 chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính, Thương mại thực hiện các biện pháp kiểm soát đường tồn kho; đồng thời, yêu cầu các DN bán đường ra thị trường theo tiến trình sản xuất để góp phần bình ổn giá.

Thiếu nguyên liệu là bài toán chưa có lời giải của ngành mía đường.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác chống nhập lậu, vận chuyển và lưu thông đường nhập lậu, đặc biệt ở khu vực biên giới Tây Nam.

Từ đầu tháng 3/2004 đến nay, giá đường đã tăng mạnh và vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Hiện nay, giá đường RS ở mức 5.700-5.900 đồng/kg, đường RE ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, trong đó, đường tinh luyện Biên Hòa là 6.600-6.800 đồng/kg - mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Một số công ty đề nghị Bộ NN-PTNN và Bộ Thương mại cho phép nhập khẩu đường thô để tinh luyện.

Tại văn bản trên, Phó Thủ tướng Vũ Khoan ủy quyền Bộ Thương mại, căn cứ vào tình hình sản xuất đường các loại niên vụ 2003-2004 và sau khi trao đổi với Bộ NN-PTNT, quyết định cho phép nhập khẩu một lượng đường nhất định nhằm bổ sung kịp thời nguồn cung trong những tháng có nhu cầu lớn sắp tới.

Song, trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) Bạch Quốc Khang khẳng định, sẽ không có chuyện nhập khẩu đường tại thời điểm này, vì hiện nay, về cơ bản cung - cầu đường trên thị trường tương đối cân bằng. Nếu nhập khẩu sẽ dẫn tới tình trạng cung thừa, giá giảm, gây khó khăn cho niên vụ đường tới. Vấn đề đặt ra là các DN phải bán đường ra đều đặn, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ, đẩy giá đường lên cao. Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Lê Văn Tam cũng cho biết, không có chuyện nhập khẩu đường do giá đường thế giới từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, khoảng 200-230 USD/tấn.

Trên thực tế, qua tìm hiểu thị trường và hoạt động tiêu thụ của các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, nhiều công ty vẫn chỉ bán đường ra với số lượng nhỏ giọt, với lý do còn 7 đến 8 tháng nữa mới vào vụ chế biến mới. Trong khi đó mùa hè đã đến, lượng đường tiêu thụ cần nhiều, các nhà sản xuất chế biến đường cũng muốn găm hàng chờ giá cao hơn.

Hiệp hội Mía đường tiếp tục khuyến cáo các công ty, nhà máy đường theo dõi sát diễn biến giá đường thế giới và khu vực, cũng như nắm bắt tình hình thị trường, việc sản xuất và đường tồn kho. Hiệp hội chỉ đạo các DN cân đối lượng đường bán ra, không để xảy ra tình trạng găm hàng khiến thị trường trở nên khan hiếm, tăng giá quá cao đường lậu sẽ tràn vào. Ngược lại, nếu bán ra không có giới hạn thì sẽ tạo điều kiện đầu cơ và lượng đường những tháng cuối năm sẽ thiếu, lại phải nhập khẩu, bất lợi cho vụ tới.

  • Hà Yên

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi