221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
460906
DN xăng lãi cao, người tiêu dùng lao đao!
1
Article
null
DN xăng lãi cao, người tiêu dùng lao đao!
,

(VietNamNet) - Xăng tăng giá làm hàng loạt hàng hoá dịch vụ tăng theo, trong khi các DN kinh doanh xăng dầu lại lãi cao...

Chiều 19/6/2004, Bộ Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu lần 2 (tăng 17,2% đối với xăng A92, từ 6.000 đồng/lít lên 7.000 đồng/lít; 16,7% đối với A90, từ 5.800 đồng/lít đến 6.800 đồng/lít).

Chưa đầy một tháng sau, Vụ chính sách của bộ này đưa ra một số liệu hết sức "giật gân": DN xăng dầu kinh doanh theo giá mới có lãi đến 30%. Một tỷ lệ lãi , có thể nói là nằm mơ cũng chẳng có trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Người tiêu dùng buộc phải ngẫm lại những hậu quả tai hại từ việc xăng tăng giá...

Xăng tăng 1, hàng hóa dịch vụ tăng 10...

 

Gần đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng "đua nhau" tăng giá. Ảnh: Nguyễn Sa

Chiều 19/6/2004, Bộ Tài chính công bố tăng giá xăng dầu. 19 giờ tối cùng ngày, các cây xăng đồng loạt bán xăng theo giá mới.

Ngay trong đêm 19/6, các dịch vụ xe tư nhân, HTX vận tải đã nhất loạt tăng giá các tuyến TP.HCM - Đồng Nai, Phan Thiết, Vũng Tàu từ 5.000 - 10.000 đồng/khách. Thậm chí, một số HTX vận tải du lịch tăng giá 5% với các hợp đồng ký sau 19 giờ ngày 19/6. Giá vé xe khách liên tỉnh TP.HCM đi 31 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc cũng tăng từ 16-36% so với trước đó.

Từ 1/7- chỉ ít ngày sau khi xăng tăng giá, vé tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đã “nhảy” từ 80.000 đồng/vé lên 100.000 đồng/vé (tăng 25%) với lời giải thích vì giá xăng tăng. Cũng với cái cớ giá xăng tăng này, vừa qua các hãng xe taxi tại TP.HCM đồng loạt tăng giá cước lên 1.000 đồng/km. Một tài xế taxi thật lòng cho hay: “Nếu giá xăng tăng 1.000 đồng/lít, thì taxi chỉ cần tăng giá 100 đồng/km là đủ, vì trung bình 1 lít xăng có thể chạy khoảng 10km".

Mới đây nhất,  giá tour du lịch của các hãng cũng rủ nhau tăng từ 3 - 20%; trong đó, Công ty Du lịch Hồng Bàng tăng đến 20%. Một quan chức trong ngành du lịch cho biết, việc xăng dầu tăng giá chỉ ảnh hưởng đến giá tour ở mức 1 - 2%, nhưng các hãng đã tùy tiện tăng giá tour.

Từ “ông lớn” như đường thủy, đường bộ, hàng không (du lịch)…, đến “ông nhỏ” như xe ôm cũng tìm cách bắt chẹt  NTD. Trước đây, một cuốc xe ôm 10km tại TP.HCM khoảng 12.000đ, sau đợt 19/6, các bác tài đã nằng nặc đòi mức trên 15.000đ.

Kể cả những mặt hàng không liên quan đến xăng cũng... tăng giá. Ảnh: Nguyễn Sa

Là mặt hàng có liên quan thiết yếu đến đời sống người dân, nên giá  xăng dầu có tầm ảnh hưởng rất rộng đối với giá cả thị trường. Nắm được yếu tố này, nhiều người kinh doanh tranh thủ ăn theo sự kiện tăng giá xăng, nâng giá một cách một cách vô tội vạ.

Mặt hàng lương thực thực phẩm, thủy hải sản… tăng mạnh nhất trong những tháng gần đây, với mức trên 8% (tại TP.HCM). Từ quả trứng, cân thịt, mớ rau, con cá đều tăng.  Giá cá và nghêu vượt cả lúc cao điểm là Tết Nguyên đán; hiện nghêu khoảng 8.000 đồng/kg, cá lóc 33.000 đồng/kg. Giá các loại rau quả cũng tăng từ 5 - 10%.

Điều đáng nói là hầu hết giá của những mặt hàng rau quả, trái cây và thủy hải sản không hề tăng tại nhà vườn hay chợ đầu mối, mà chỉ tăng tại các chợ lẻ, cửa hàng. Như tôm sú chẳng hạn, dù thương lái mua tại các vùng nuôi tôm với giá giảm khoảng 40% so với trước vụ kiện tôm, nhưng giá tôm sú trên thị trường vẫn không giảm. Cụ thể, giá tôm sú lọai 50 con/kg tại Cần Giờ khoảng 55.000 đồng/kg nhưng ở các chợ TP.HCM vẫn 90.000 đồng/kg, siêu thị khoảng 100.000 đồng/kg, nhà hàng hơn 130.000 đồng/kg.

Lý giải về việc giá hàng hóa leo thang, một tiểu thương bán rau xanh tại chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình) nói: “Chi phí vận chuyển hàng từ chợ Tam Bình (Thủ Đức) về đây tốn kém nhiều hơn trước, nên buộc lòng chúng tôi phải tăng giá bán”. Một chuyến xe chở hàng có giá trị hàng hóa khoảng trên 5 triệu đồng, đi từ chợ Tam Bình về Phạm Văn Hai tăng 20.000đ. Tính ra, chủ hàng chỉ cần tăng 0,4% giá hàng bán ra là đủ bù cho giá cước vận chuyển tăng, nhưng đa số đã tăng từ 5 - 10%.

...Và cao gấp nhiều lần dự kiến của Bộ tài chính

NTD đang phải nhức đầu hơn với bài toán chi tiêu. Ảnh: Nguyễn Sa

Khi điều chỉnh giá xăng dầu, lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định rằng, giá thành sản phẩm một số loại hàng hóa và dịch vụ liên quan sẽ nhích theo, nhưng không lớn (vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng 2%, đường sông tăng 1%, đường sắt 0,7%, cá nhân sử dụng phương tiện xe máy phải chi thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/tháng…). Song, cho tới thời điểm này, sau một tháng xăng tăng giá, thì nhiều loại dịch vụ và hàng hóa đã nhảy giá lên gấp cả chục lần so với tính toán của Bộ Tài chính. Dù có “thắt lưng buộc bụng” cỡ nào thì NTD cũng khó mà theo kịp mặt bằng giá mới, đặc biệt là với người có thu nhập trung bình và thấp.

Khi điều chỉnh giá xăng dầu , Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đến yếu tố để bù lỗ cho giá xăng dầu hàng ngàn tỉ đồng. Người tiêu dùng vì thế cũng đồng lòng chía sẻ gánh nặng với Nhà nước. Nhưng nay, khi biết với việc tăng giá xăng này, DN kinh doanh xăng có lãi đến 30%, cũng có nghĩa, những đồng tiền khó khăn của người lao động, không phải chỉ chia sẻ gánh nặng với Nhà nước mà còn "đi thẳng vào túi" mấy "ông lớn" xăng dầu. Điều này khó có thể được chấp nhận.

  •  Nguyễn Sa 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,