Nguy cơ thiếu phân bón NPK
17:37' 02/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vụ mùa  2004 có nguy cơ thiếu không chỉ phân urê, mà còn thiếu cả NPK nữa.

Có nguy cơ thiếu phân bón NPK cho vụ mùa 2004.

Thiếu NPK vì thiếu urê

Hiện nay, năng lực sản xuất phân bón NPK của các DN cả nước vào khoảng 2.000.000 tấn/năm. Với năng lực này, những năm trước không chỉ dư thừa cho tiêu dùng nội địa, mà còn xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Philippin... Nhưng, vụ mùa năm nay, thị trường trong nước chỉ cần 300.000 tấn, thì lại có nguy cơ thiếu.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu phân NPK là do thiếu phân urê. NPK là loại phân bón tổng hợp gồm lân, kali và urê. Bình quân urê chiếm 30% trong NPK.Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện cả nước chỉ còn tồn lại chưa đến 200.000 tấn phân bón các loại để phục vụ cho vụ mùa, trong đó phân urê chỉ còn khoảng 80.000 tấn.

Vụ mùa này cần tới gần 500.000 tấn urê, trong đó khoảng 100.000 tấn là dùng để sản xuất NPK. Hiện giá phân urê trên thế giới đang tăng cao. Giá FOB tại biển Arập Xêút đã lên tới 240 USD/tấn(vận chuyển về Việt Nam phải mất khoảng 20 USD/tấn nữa). Giá urê tăng là do giá dầu mỏ tăng cao và nhiều nhà máy tại Nga, Trung Đông đồng loạt ngừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ. Điều này đã làm cho phân urê trên thị trường trở nên khan hiếm. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá phân urê sẽ còn tăng thêm khoảng 15 USD/tấn. 

Giá phân urê tăng, vận tải gặp khó khăn đang là nguyên nhân chính làm cho các DN trong nước không đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này, cũng như nhiều hợp đồng đã ký trước đây với nhà cung cấp (khi giá còn thấp) đã bị huỷ bỏ. Nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất cả nước là Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp cũng  cho biết, nguồn cung urê hiện đang rất khan hiếm. Một số hợp đồng Tổng công ty đã ký với nước ngoài vẫn không nhận được hàng. Trong tổng số hơn 80.000 tấn urê Tổng công ty ký nhập khẩu, thì đến hết tháng 8/2004 mới chỉ có 13.000 tấn về đến cảng Hải Phòng, thời gian tới, sẽ có thêm khoảng 20.000 tấn nữa, số còn lại chưa biết đến lúc nào.

Thiếu NPK, sẽ xuất hiện NPK kém chất lượng?

Với sản xuất trong nước, Công ty Phân đạm và hoá chất Hà Bắc từ nay đến cuối năm chỉ sản xuất được khoảng 70.000 tấn. Nhà máy đạm Phú Mỹ  vẫn chưa đi vào chạy thử (dự kiến là tháng 8/2004). Nếu có chạy thử cũng chỉ đạt khoảng 200.000 tấn là nhiều. Như vậy, nguy cơ thiếu urê là rất lớn và nó đang tác động đến sản xuất phân NPK.

Trên thực tế, tại thị trường trong nước, phân urê đã rất khan hiếm. Theo ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, mỗi ngày Công ty này cần sử dụng từ 100 tấn đến 150 tấn urê để sản xuất NPK, nhưng hiện mới nhận được 600 tấn từ Công ty Phân đạm và hoá chất Hà Bắc cung cấp. Riêng 2.500 tấn đặt hàng các nhà nhập khẩu thì đến nay vẫn phải đợi. Do thiếu urê nên trong tháng 7 vừa qua, nhu cầu thị trường cần tới 1.500 tấn NPK/ngày mà Công ty chỉ đáp ứng được 500 tấn/ngày. Và 2 tuần trở lại đây, Công ty đã phải  ngừng sản xuất phân NPK bón thúc, chỉ còn sản xuất NPK bón lót. 

Bên cạnh đó, do giá phân urê trong nước tăng cao (trên 4.000 đ/kg) nên đã đẩy giá phân NPK trên thị trường tăng theo. Hiện nay giá NPK của các DN đã tăng khoảng 15% so với tháng 6/2004. Giá NPK bón thúc của Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã từ 2.600 đ/kg tăng lên 3.000 đ/kg(nhưng đến nay không có để bán), NPK bón lót tăng từ 1.300 đ/kg lên 1.380 đ/kg. Dự báo thời gian tới, giá NPK sẽ còn tăng nữa, do phân urê tiếp tục tăng.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay việc sản xuất phân NPK vẫn chưa có các tiêu chuẩn, qui định về cán bộ, công nghệ và nhà xưởng, ai muốn thì cứ sản xuất. Số lượng nhà  sản xuất phân NPK có công suất 30.000 tấn/năm không dưới 30 cơ sở, còn dưới 30.000 tấn/năm thì rất nhiều. Việc sản xuất NPK rất đơn giản, không cần thiết bị, chỉ dùng tay trộn cũng được, nên khi thiếu phân urê thì chất lượng NPK cũng là vấn đề cần quan tâm. 

Với những DN lớn, làm ăn bài bản, thì khi thiếu urê họ có thể sẽ ngừng sản xuất NPK (như Phân lân nung chảy Văn Điển đã ngừng sản xuất NPK bón thúc nêu trên), nhưng với những DN nhỏ, vì lợi nhuận, rất có thể họ sẽ  giảm tỷ lệ urê trong  phân NPK để tung ra thị trường. Người tiêu dùng là nông dân không thể phân biệt được chất lượng phân, nếu sử dụng phải loại phân kém chất lượng này sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ nơi sản xuất, kịp thời ngăn chặn khả năng một số lượng lớn phân  NPK chất lượng kém sẽ đưa ra tiêu thụ.

  • Trần Thuỷ
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi