(VietNamNet) - Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa cho biết, giá cà phê xuất khẩu vẫn tiếp tục trên đà giảm sút, khoảng 20 USD/tấn. Thị trường giao dịch hiện trầm lắng do các nhà đầu cơ, các cơ sở rang xay chờ giá có khả năng xuống thấp nữa.
Giá cà phê nhân xô vối mua tại hộ gia đình ở Đăk Lăk chỉ còn 8.650 đồng/kg, tiếp tục giảm 150-200 đồng/kg so với tuần trước; giá mua tại các công ty cũng thấp dưới 9.000 đồng/kg, vào khoảng 8.700 đồng/kg. Cà phê loại R2-5% giảm từ 9.150 đồng/kg xuống còn 8.800 đồng/kg; cà phê loại R1-6.3 giảm tới 600 đồng/kg, còn 9.050 đồng/kg; cà phê loại R1-7.1 còn 9.300 đồng/kg. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng giảm mạnh, tương ứng ở mức 575, 600 và 610 USD/tấn FOB cảng Sài Gòn, giảm trung bình 20 USD/tấn so với 2 tuần trước đó.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tuần qua, diễn biến của thị trường cà phê nội địa không lấy gì làm sôi động. Giá thấp đã không khuyến khích nông dân bán ra. Nhiều người hy vọng, vụ thu hoạch chậm 2004-2005 sẽ là nhân tố hậu thuẫn cho thị trường trong thời gian tới do thiếu cung. Vì thế, không ai muốn tiến hành giao dịch vào thời điểm hiện nay.
Song, Vicofa nhận định, xu thế biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam và giá thế giới là khá tương đồng, độ chậm trễ đã được rút ngắn, xuống còn khoảng một ngày. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ các DN Việt Nam đã bắt đầu theo sát biến động thị trường thế giới.
Tình hình thời tiết ở Brazil hiện được xem là nhân tố chính quyết định sự biến động giá trên thị trường cà phê arabica New York, và cũng là kim chỉ nam cho thị trường robusta London. Do đó, khi xuất hiện những trận mưa ở các đồn điền trồng cà phê, làn sóng mua trên các thị trường (nhất là thị trường New York) được tăng cường. Tuy nhiên, luồng sinh khí mới này không kéo dài bao lâu vì thời tiết tại đây đã tạnh ráo trở lại và không có dấu hiệu của sương giá gây hại. Ngoài ra, thị trường còn chịu sức ép lớn từ hoạt động bán ra của các quỹ hàng hoá và các nhà đầu cơ. Dự kiến, triển vọng của thị trường không mấy khả quan, khi nguồn cung đang tăng lên và nguy cơ giá rét ở Brazil đang giảm dần.
Với ảnh hưởng tiêu cực của các nhân tố căn bản, như nguồn cung gia tăng và thời tiết Brazil diễn biến thuận lợi, triển vọng của thị trường cà phê thế giới trong thời gian tới không lấy gì làm khả quan.
-
H.Yên