Để phân bón giảm giá, cần giảm thuế VAT xuống 0%
15:08' 26/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chủ tịch Hiệp Hội phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy đã đưa ra giải pháp như vậy khi trả lời phỏng vấn của VietNamNet.

- Thưa ông, ông có thể cho biết những nguyên nhân cơ bản nhất làm giá phân trong nước tăng cao hiện nay?

- Hiện tại nước ta vẫn phải nhập tới 70% lượng phân urê phục vụ nông nghiệp. Việc phụ thuộc quá nhiều vào phân nhập khẩu khiến nước ta không chủ động được giá. Sản xuất loại phân bón này phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ, chính vì vậy, vào thời điểm này, giá dầu thế giới tăng quá cao kéo theo giá phân bón cũng tăng theo là điều tất yếu.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hội Phân bón Việt Nam.

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng cùng sự tăng giá cước vận chuyển đã "đẩy" giá phân tăng. Đã vậy, giai đoạn này, nhiều nhà máy sản xuất phân bón trong nước đồng loạt ngừng hoạt động để bảo dưỡng máy móc thiết bị. Những nguyên nhân trên  làm giá phân bón trong nước tăng cao.

- Theo một số nguồn tin, giá phân urê ở một số nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây rẻ hơn so với các nướcTrung Đông. Vậy tại sao chúng ta không  nhập phân giá rẻ từ những nước này?

- Đúng là giá phân ở các nước thuộc Liên Xô cũ có rẻ hơn so với các nước Trung Đông (giá tại chỗ), nhưng nếu cộng giá cước vận chuyển về Việt Nam thì giá mua từ các nước Trung Đông lại rẻ hơn. Ví dụ, giữa tháng 8/2004, giá phân urê nhập từ Trung Đông về Việt Nam là 250 USD/tấn, trong khi đó nhập từ Nga về giá lên tới 270 USD/tấn. Và một điều đơn giản, các nhà nhập khẩu Việt Nam đã tính toán kỹ về lợi nhuận để chọn nơi nhập khẩu có lợi nhất.

- Theo ông, để ổn định thị trường và làm cho giá phân bón giảm xuống trong thời điểm này, những biện pháp cấp bách là gì?

Ông Công Hoàng Bạch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An: "Quả thật, thời gian gần đây giá lúa có tăng nhưng trong vụ Hè -  Thu này khi giá phân bón quá cao, người nông dân chỉ hòa vốn hoặc có lãi rất ít so với các năm trước. Làm ra hạt lúa đã vất vả, nay phân tăng giá, nông dân càng khốn khó hơn"...

- Khi có đủ lực, có nghĩa chúng ta tự sản xuất ra phân bón đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, thì chúng ta mới hết phụ thuộc vào giá phân thế giới.

Còn hiện tại, việc cấp bách nhất theo tôi là đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 5% hiện nay xuống còn 0%. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép các DN đủ điều kiện mua tạm trữ phân bón dưới hình thức chỉ định hoặc đấu thầu để đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho nông dân trong thời gian tới. Chính phủ cũng nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ về vốn, về lãi suất cho các DN sản xuất phân bón theo thời vụ. Để mặt hàng này có giá ổn định trong nước, các yếu tố cho sản xuất như điện, than, nguyên liệu... cũng phải bình ổn. Chứ hiện tại, đầu vào đồng loạt lên giá, thì việc nhà nước muốn kìm giá phân thật khó.

Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Bộ Công nghiệp đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân urê, để đến năm 2010, nước ta không phải nhập loại phân này. Nhà nước cần giữ nghiêm kỷ cương đối với các đơn vị, DN sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Phải có chính sách bảo vệ những nhà sản xuất chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần có biện pháp giải thể ngay những đơn vị phân bón năng lực yếu kém, dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu...

Nên thiết lập, củng cố lại hệ thống phân phối, nhất là mạng lưới bán lẻ, bớt các khâu trung gian nhằm giảm giá tối đa.

Nhập phân bón.

- Còn việc đánh giá chất lượng phân bón hiện nay, ông có suy nghĩ gì?

- Những ngày gần đây, báo chí đăng tải hàng loạt bài về phân kém chất lượng ở Tây Ninh. Đây là bức xúc của nhiều nông dân cũng như của các đơn vị, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực này. Theo tôi, công tác thẩm định, thẩm tra về chất lượng phân bón chưa có sự thống nhất. Biện pháp kiểm tra mẫu cũng chưa đồng bộ, sự phân cấp quản lý trong công tác kiểm tra, đánh giá  chưa nhất quán dẫn đến việc chồng chéo nhau trong đánh giá chất lượng phân bón.

Để chấn chỉnh việc này, mới đây, Cục Nông Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản về việc tăng cường quản lý nhà nước về phân bón, trong đó nhấn mạnh, UBND tỉnh, TP phải tổ chức ngay đợt kiểm tra liên ngành về chất lượng, nhãn hàng hóa đối với phân bón của tất cả các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong tháng 8-9/2004. Hy vọng, qua đợt kiểm tra này, chất lượng phân bón sẽ được đánh giá chính xác hơn, trả lại đúng giá trị của sản phẩm, như vậy sẽ có lợi cho người nông dân và  tạo uy tín cho nhà sản xuất.

- Xin cám ơn ông.

  • Cửu Long (thực hiện)

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón, đặc biệt là phân urê, thời gian qua đã tăng đến mức kỷ lục. Mức giá nhập tại các cảng là 270 USD/tấn, cộng thêm phí lưu thông, giá urê tại các đại lý vọt lên đến 4.200 đồng/kg; giá bán lẻ có nơi từ 4.400-4.500 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá phân bón thế giới đã tăng gần 30%.

 

Có hiện tượng một số nhà phân phối và đại lý ghìm hàng, nâng giá. Hiện tượng thị trường khan hiếm phân bón và giá tăng khi bước vào vụ sản xuất không phải lần đầu tiên xảy ra, mà đây là căn bệnh kinh niên của thị trường phân bón Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ tung ra các sản phẩm urê vào ngày 23/8, với mức giá xuất tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) là 3.600 đồng/kg, thấp hơn mức giá bán ra của các nhà nhập khẩu phân bón từ 200-400 đồng/kg, giá phân bón giảm còn khoảng 3.600 đồng/kg.

Giá urê trên thế giới cũng có dấu hiệu giảm trên các thị trường giao dịch chính. Hiện urê Yuzhnyy 205 USD/tấn FOB, tại châu Mỹ Latinh là 210 USD/tấn FOB.  Riêng urê Trung Quốc giao cuối tháng 8/2004 là 198 USD/tấn và dự kiến sẽ tăng lên 205 USD/tấn FOB. Dự báo, giá urê chỉ giảm trong ngắn hạn do giá dầu mỏ vẫn đứng ở mức cao. Giá phân urê thế giới về đến cảng Việt Nam hiện chỉ còn 220-225 USD/tấn (đã tính chi phí vận chuyển).

 

Dự kiến, nhu cầu urê cho vụ Đông Xuân 2004-2005 là 1,16 triệu tấn. Với mức tồn kho cuối tháng 6 khoảng 300.000 tấn và lượng nhập khẩu dự kiến về trong tháng 8 và 9, Bộ Công nghiệp khẳng định sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất vụ mùa trong cả nước.

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi