(VietNamNet) - Nếu bạn thèm thịt gà thì tại sao không ăn, bởi các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng, gà vẫn là thực phẩm ngon lành nếu khi chế biến, chúng ta tuân thủ một số nguyên tắc về phòng bệnh ở các nước đang có dịch.
>> Hà Nội: Rủ nhau đi mua gà sạch
Thịt gà sạch của Công ty Phúc Thịnh. Ảnh Hà Yên. |
Tội của con gà hay vì truyền thông "quá lời"?
Có lẽ, chưa bao giờ người tiêu dùng lại choáng ngợp như vậy trước lượng thông tin ồ ạt về đại dịch đăng tải trên các phương tiện truyền thông. "Không nên ăn gia cầm, không nên ăn gia cầm... " những âm thanh này còn len lỏi vào từng gia đình, qua hệ thống loa phát thanh của các phường xã. Gia cầm bệnh là thủ phạm gây lây nhiễm sang người, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh nếu không tiếp xúc, không ăn gia cầm bệnh.
Song, thật đáng tiếc khi thông tin đưa ra quá nhiều nhưng vẫn thiếu. Lẽ ra, báo chí phải tuyên truyền "không nên ăn gia cầm bệnh, ốm, chết, nguồn gốc không rõ ràng" thay vì câu trên thì hậu quả không đến mức hiện nay: người tiêu dùng quay lưng cả với gia cầm sạch? Thông tin về đại dịch là vô cùng cần thiết để người dân biết cách phòng tránh. Thông tin càng trở nên cấp thiết khi giúp người dân, đặc biệt là người chăn nuôi, tự bảo vệ được tính mạng cho mình. Nhưng thông tin nhiều mà chưa chính xác đã tác động ngược lại, làm người tiêu dùng hoang mang, nông dân thiệt đủ trăm đường.
Khảo sát trên Báo điện tử VietNamNet cho thấy, trong số trên 17.700 người được hỏi về việc ăn gà hay không trong dịp Tết này, có tới trên 82% trả lời rằng không dùng thịt gà, vịt vào bất cứ việc gì. 14% sẽ vẫn cúng gà và ăn bình thường, trong khi 1,8% lựa chọn phương cách khác là ăn ở quán khi gà đã nấu chín (nhưng xem ra phương án này cũng khó đảm bảo an toàn và khó thực hiện, vì gà đã vắng bóng ở các quán hay nếu có thì cũng không rõ nguồn gốc).
Tình trạng trở nên bi đát khi người chăn nuôi không tiêu thụ được gia cầm. Cả nước có tới 240 triệu con gia cầm, mới bị chết và tiêu hủy hơn 1 triệu con, vậy số còn lại giải quyết ra sao? Đàn gia cầm bị bỏ đói. Gà, trứng rẻ rúng, bán cũng không ai mua. Anh bạn đồng nghiệp kể rằng khi đến Bắc Ninh, vịt gà chạy rông ngoài đồng vì không có ai chăm sóc. Người dân không đủ tiền nuôi, cũng không biết đàn gà nhà mình có mắc dịch hay không mà tiêu hủy (tất nhiên, những vùng này chưa nằm trong phạm vi ổ dịch), nhưng một vài huyện khác của Bắc Ninh đã công bố có dịch. Éo le thay?
Còn người tiêu dùng vẫn đang nhớ quay quắt món thịt gà. Chị bạn tôi bảo thèm gà quá, Tết này gì thì gì cũng phải mua về xì xụp. Bố mẹ tôi ở quê cũng vẫn đang nuôi gia cầm, khi được con cái "tuyên truyền" rằng phải hủy, các cụ gạt phăng. "Nuôi gà sạch, trong chuồng trại kín, rắc vôi bột khử trùng thường xuyên, làm sao phải thịt? Cứ để dành đến Tết, bây giờ thì có trứng mà cho con cháu ăn chứ". Cái sự lý giải của ông bà cũng có lý, bởi Hà Tây không có dịch. Nhưng ở những vùng chăn nuôi khác, đâu phải người chăn nuôi nào cũng nghĩ được thế?
Gia cầm nơi có dịch cũng có thể "chén", khi...
Theo khuyến cáo của FAO, ở những vùng không có dịch của Việt Nam, có thể chế biến và ăn các sản phẩm gia cầm như bình thường nhưng phải thực hiện đúng các quy tắc vệ sinh và nấu nướng chín. Như vậy sẽ không sợ bị nhiễm H5N1.
Ở địa phương có dịch cúm, chỉ ăn thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm nếu những thức ăn đó được nấu chín và thao tác, chế biến đúng yêu cầu. Virus H5N1 dễ bị nhiệt tiêu hủy. Ở nhiệt độ đun nấu thông thường (70oC trong tất cả các phần của thức ăn) virus sẽ bị tiêu diệt. Khi ăn, người tiêu dùng phải chắc chắn một điều là tất cả các phần của thức ăn đều đã được nấu chín kỹ (không còn những chỗ màu hồng), và cả trứng cũng phải chín kỹ (lòng đỏ không còn loãng).
Tuy nhiên, người tiêu dùng hãy lưu ý về nguy cơ lây nhiễm chéo. Không bao giờ được để nước chảy ra từ thịt gia cầm sống hay sản phẩm gia cầm tươi sống trong quá trình chế biến rơi vào hoặc lẫn vào thực phẩm để ăn sống. Khi thao tác, chế biến thịt gia cầm sống hay sản phẩm gia cầm tươi sống, người tiêu dùng phải rửa tay thật kỹ và sát trùng những chỗ tiếp xúc với sản phẩm gia cầm. Dùng xà phòng và nước nóng rửa tay và khử trùng là đủ.
Ở những nơi đang có dịch cúm gia cầm, không được dùng trứng sống để chế biến những thực phẩm mà sau đó không được tiếp tục xử lý bằng nhiệt (nấu chín hay quay nướng).
Cúm gà không lây nhiễm qua thực phẩm đã nấu chín. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy người bị nhiễm cúm sau khi ăn thịt gia cầm hay sản phẩm gia cầm được nấu chín kỹ, thậm chí ngay cả khi thực phẩm đó có chứa virus. Vì vậy, các bạn hãy cứ yên tâm ăn gia cầm, đặc biệt là vào dịp Tết này, khi đã thực hiện tốt các biện pháp trên.
Lời khuyên về gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn của WHO và FAO: 1. Khi mua gia cầm hoặc trứng: - Chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các cửa hàng thấy rõ là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm cao hoặc mua từ những cửa hàng bán lẻ, cửa hàng ăn uống được cấp giấy chứng nhận của Nhà nước về VSATTP. 2. Khi thao tác với thịt gia cầm chưa nấu chín hoặc đông lạnh: - Không sờ tay vào mắt, mũi và mồm khi đang thao tác với thực phẩm và rửa tay thật kỹ trong vòng 20-30 giây bằng xà phòng và nước nóng trước và sau khi tiếp xúc với bất kỳ thức ăn nào để giữ tay không có virus. - Rửa vỏ trứng và tay sau khi thao tác với trứng vì vỏ của chúng có thể dính phân. 4. Khi đun nấu thịt và trứng gia cầm: - WHO khuyến cáo phải nấu thịt gia cầm cho đến khi đạt được nhiệt độ bên trong miếng thịt là 70oC trong 30 phút hoặc 80oC trong vòng 1 phút. Để kiểm tra xem thịt đã chín chưa, lưu ý biểu hiện của thịt chín là nước cốt trong và thịt gần xương không còn màu hồng. 5. Khi ăn: - Rửa tay thật kỹ trước khi ăn. |
-
Hà Yên