(VietNamNet) - Người sử dụng sản phẩm là các doanh nghiệp (DN). Nhưng hiện nay DN đang đứng ngoài cuộc trong công việc đào tạo, để mặc ngành giáo dục - đào tạo tự lo liệu với lối dạy chay, học chay.
>> Khủng hoảng nhân sự cao cấp trong doanh nghiệp VN
"Thầy lang" giáo dục bốc thuốc nhầm, "con bệnh" doanh nghiệp phải đứng lên!
Hiện nay đang có một xu hướng là các DN tìm kiếm tuyển dụng người trên mạng, thông qua các trang website cung ứng việc làm hoặc của các công ty cung ứng lao động giới thiệu. Ở đó, các nhà "săn đầu người" đã thực hiện trước một bước về việc tìm người theo yêu cầu của DN. Sau đó mới là bước sát hạch. Vì vậy, những thí sinh "vượt vũ môn" lọt vào cánh cổng DN hầu như đã được thẩm định khá toàn diện. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc nhân sự của khách sạn Majestic, một khách hàng thường xuyên của trang web cung ứng nhân lực cao cấp www.hrvietnam.com của Công ty HR, cho biết, tỷ lệ hài lòng của ông đạt 80-90%, nghĩa là cung cấp 10 nhân sự thì ông đã chấp nhận được 8-9.
Nền kinh tế hội nhập đang cần một đội ngũ có năng lực. Ảnh: Đ.V |
Tuy nhiên đây chỉ mới là cách làm cục bộ "đãi cát tìm vàng". Thực tế hiện nay đất nước đang cần một nguồn nhân lực có năng lực đồng đều và bài bản để gánh vác cả một nền kinh tế. Từ bao nhiêu năm qua, Nhà nước, DN đã phải chịu thiệt trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Đó là việc đào tạo đã tốn kém và DN buộc lòng phải sử dụng nguồn nhân lực không hiệu quả.
Nền giáo dục với những "căn bệnh" cố hữu, đang cản trở rất lớn sự phát triển của nền kinh tế. Người ta đã quá sốt ruột khi “cuộc chiến” trong sân chơi WTO đang ngày một gần kề. “Hơn lúc nào hết, cánh cửa DN đang mở rộng, DN khát khao được tiếp nhận những sinh viên có khả năng thích ứng, đảm đương được công việc” - bà Đường thiết tha.
Theo cơ chế của một nền kinh tế thị trường, khi sản phẩm đưa ra kém chất lượng, sẽ bị thị trường phản ứng. Nhà sản xuất khôn ngoan sẽ xin lỗi và ngay lập tức thu hồi sản phẩm, đưa ra hàng hóa mới hoàn thiện hơn. Điều này chưa thấy có ở ngành giáo dục. Việc đào tạo đến giờ này vẫn do duy nhất hệ thống giáo dục sẵn có đảm trách. Đây là lĩnh vực dù không độc quyền nhưng cũng “độc tôn”, xã hội không có sự lựa chọn nào khác nên đành phải chấp nhận cung cấp gì sử dụng nấy. Từ trước đến nay, việc hoạch định chiến lược đào tạo nhân lực không hề có mặt của DN, là người sử dụng sản phẩm.
“Chính các DN, chứ không ai khác, không chỉ tham gia mà còn phải trực tiếp nắm lấy, làm thay đổi nền giáo dục, cung cách đào tạo” - ông Lê Quang Huy, Giám đốc công nghệ thông tin ACE Life. |
Vì vậy, đã có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề, cần nghiêm khắc nhìn nhận khuyết điểm của công tác đào tạo và nhanh chóng sửa đổi phương pháp. Đã đến lúc không thể để ngành giáo dục cung cấp sản phẩm tạo nên từ kết quả của sự suy đoán, mà phải có một thực tiễn đào tạo gắn với từng yêu cầu của DN, tạo ra một đội ngũ vừa có kiến thức, vừa có thực tế và kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình kinh tế thị trường liên tục biến đổi.
Trong công cuộc cách mạng này, không ai khác chính là sứ mạng của các DN. DN phải tham gia vào cuộc để đào tạo nguồn nhân lực cho mình. “Chính các DN, chứ không ai khác, không chỉ tham gia mà còn phải trực tiếp nắm lấy, làm thay đổi nền giáo dục, cung cách đào tạo” - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh. DN phải là nơi đưa ra các yêu cầu, giải pháp. Họ có quyền này, vì họ là nơi tiêu thụ sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, “khách hàng cứ lẳng lặng đứng nhìn "thầy lang" bốc thuốc nhầm cho mình mà không lên tiếng không phải là không có trách nhiệm gì”. Thế nhưng, để DN tham gia, thiết nghĩ Nhà nước cần có chủ trương hẳn hoi, thì mới có sự hợp tác chặt chẽ trong việc giải bài toán nhân lực hiện nay.
Tự đào tạo và phi tập trung
Dấu hiệu đáng mừng là một số DN đã nhìn thấy nguy cơ của việc đào tạo hiện nay, nên đã tự mình giải quyết vấn đề. Cách đây vài năm, phương thức đào tạo theo địa chỉ đã có một số nơi áp dụng. Các cơ quan, tổ chức, DN đưa ra yêu cầu cho các trường ĐH, trung tâm đào tạo. Dệt Phong Phú từ nhiều năm nay đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng xây dựng nội dung đào tạo, bố trí nơi cho sinh viên thực tập. Ngoài ra hàng năm Phong Phú tổ chức từ 15-20 đoàn cán bộ lãnh đạo, nhân viên ra nước ngoài tham quan, học tập, làm việc tại những trường, những phòng thí nghiệm hiện đại trên thế giới, để tăng cường năng lực cho cán bộ nhân viên.
Nhưng bao nhiêu trong số họ có thể đảm đương gánh vác? |
Dĩ nhiên là việc làm cục bộ này chưa giải quyết được toàn cục bài toán nhân lực, song ít ra cũng đã le lói lên cách làm mới để các DN nhìn nhau mà theo và sau đó buộc ngành giáo dục, Nhà nước nhìn lại về tình trạng đào tạo còn nhiều bất cập hiện nay.
TP.HCM có chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ, cũng thuộc cách trên. Đến nay chương trình này đã tuyển được 213 ứng viên đang học ở các trường, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, và đang tuyển 80 ứng viên cho đượt cuối. Đây cũng là một cách làm được ghi nhận và hy vọng đáp ứng được nhu cầu về vấn đề nhân lực.
Tuy nhiên, việc tuyển người của chương trình này xem ra chưa hẳn đã giúp phát hiện được đầy đủ tài năng, khi thành phố đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn chọn lựa, mà trong đó hầu như lại đặt nặng tiêu chuẩn ưu tiên khác hơn là tiêu chí năng lực. Chẳng hạn, các yếu tố: phải có hộ khẩu thành phố, con em gia đình liệt sĩ, có công cách mạng, cán bộ kháng chiến… có thể sẽ chiếm chỗ của những người tài không có đủ các điều kiện này. Thậm chí chương trình này lại có chỉ tiêu phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, e cũng còn phiến diện.
Trong nước, đã có nhiều cơ sở, DN, trung tâm dạy nghề nắm bắt được xu hướng này và đã đưa ra các chương trình đào tạo đáp ứng cho DN. PACE là một ví dụ. PACE liên tục đưa ra những chương trình cung cấp kiến thức quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ Giám đốc, hoặc ít ra cũng từ cấp trưởng phó phòng trở lên. Đây là một trong số rất ít DN hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ở TP.HCM, được các DN đánh giá là thiết thực và đáp ứng được nhiều yêu cầu trong công tác quản trị và kinh doanh.
Ý kiến hiện nay đang được các DN và nhà quản lý đưa ra, là cần phải mềm dẻo hơn nữa trong các chủ trương về loại hình đào tạo, mà cụ thể là cần có một hệ thống giáo dục phi tập trung hơn. Với cách này, các đơn vị đào tạo được độc lập chủ động hơn trong việc hoạch định sản phẩm của mình. DN cũng sẽ có điều kiện tốt hơn để tham gia vào công tác đào tạo khi được ký hợp đồng trực tiếp với nhà trường. Các hợp đồng này sẽ chỉ rõ DN cần gì, và nhà trường có động lực hơn trong việc đổi mới và tiếp thị sản phẩm của mình.
-
Đặng Vỹ