(VietNamNet) - Từ năm 2005 đến nay, những rắc rối trong thủ tục du lịch bằng thẻ và hoạt động kinh doanh lữ hành bát nháo khiến Việt Nam thất thu lượng lớn du khách từ thị trường láng giềng khổng lồ này.
Khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. |
Mất khách
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết, từ tháng 3/2005 lại đây, Chính phủ Trung Quốc đã tạm ngừng cấp giấy phép xuất nhập cảnh (XNC) cho công dân Trung Quốc đi du lịch qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) với lý do hạn chế công dân nước này vào Việt Nam đánh bạc. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, hiện một số cửa khẩu biên giới có điểm kinh doanh sòng bạc, đã lôi kéo và làm tha hóa nhiều cán bộ, công chức Trung Quốc.
Quy chế 849 Để thực hiện QĐ 849, Cục A18 sau đó ban hành thông tư hướng dẫn 368. Tuy nhiên, trong bản hướng dẫn có nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt là quy định công dân Trung Quốc có giấy phép XNC do Trung Quốc cấp còn giá trị từ 60 ngày trở lên mới được cấp thẻ du lịch vào Việt Nam. Vì thế, đến hết 12/2004 hầu như không có khách Trung Quốc vào Việt Nam theo Quy chế 849. Sau khi Tổng cục Du lịch có văn bản đề nghị Bộ Công an sửa đổi, thời gian này được rút xuống còn 5 ngày. |
Chưa hết, đến 1/10/2005, Chính phủ nước này đã có chủ trương tạm dừng đưa khách nội địa vào Việt Nam qua tất cả các cửa khẩu đường bộ. Chủ trương kiên quyết và cứng rắn này cũng áp dụng với 14 quốc gia có chung đường biên với Trung Quốc.
Do vậy, từ tháng 10/2005 đến 2/2006, rất ít khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ theo Quy chế 849 (QĐ 849 của Bộ Công an kèm theo Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng Giấy phép XNC do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan, du lịch).
Số liệu của Bộ Công an cho thấy, năm 2005, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam theo Quy chế 849 đạt trên 171.760 lượt, chiếm 23% tổng số khách Trung Quốc vào Việt Nam (752.580 lượt), giảm 26% so với khách đi theo quy chế cũ.
3 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam theo quy chế mới cũng giảm mạnh, chỉ đạt 12.600 lượt, bằng 38% so với cùng kỳ năm 2005. Tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam trong quý I/2006 chỉ đạt 142.660 lượt, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái do số khách du lịch bằng thẻ chiếm chưa đầy 9%.
Theo ông Bình, ý định ban hành Quy chế 849 là tốt khi muốn tăng nhanh lượng khách Trung Quốc sử dụng giấy phép XNC vào Việt Nam. Song, đến nay, bản thân nó lại gây ra nhiều rắc rối, phiền hà.
Không chỉ đưa ra quy định thời hạn giấy thông hành XNC quá dài (60 ngày) đã được sửa đổi, thì vẫn còn quy định khách sau khi thực hiện kiểm tra tại biên phòng cửa khẩu lại phải đến kiểm diện XNC tại Phòng Quản lý XNC (PA18) của địa phương. "Quy định này quá khó cho cả khách và công ty lữ hành, vì chúng ta phải kiểm tra tới hai lần đối với du khách. Đó là chưa kể các quy định về nhận thẻ du lịch, về ghi tên hướng dẫn viên (HDV)... cũng gây rắc rối cho DN trong trường hợp phải đổi HDV đột xuất", ông Bình nói.
Khách Trung Quốc hầu như cũng chưa đặt chân vào miền Trung, miền Nam. Lý do, theo các DN kinh doanh lữ hành thì "đây thường là đối tượng có thu nhập thấp". Mặt khác, do phía Trung Quốc cấp giấy phép XNC dài nhất chỉ 15 ngày, trong khi Việt Nam yêu cầu thời hạn của giấy phép khi kết thúc tour phải còn 5 ngày, cộng 2 ngày làm thủ tục tại hai nước, thời gian lưu trú tối đa của khách là quá ngắn (khoảng 8-10 ngày).
Bát nháo du lịch trong nước
"Vấn đề khó nhất, đau đầu nhất là chính chúng ta", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ than thở. Trong số 64 công ty lữ hành đăng ký tham gia đón khách Trung Quốc theo Quy chế 849, chỉ 31 DN thực hiện đón trả khách và có báo cáo về cho Tổng cục Du lịch.
Ông Phạm Từ nhận xét, phần lớn các DN chưa quản lý tốt hoạt động kinh doanh, áp dụng biện pháp khoán trắng cho một nhóm, cá nhân điều hành và tổ chức, sau đó nộp khoán trên đầu khách. "Trung gian được thể làm mưa làm gió, trả cho DN mức hoa hồng bèo bọt. Chúng ta như bị HDV dắt mũi. Mặc dù hoạt động này chúng ta hoàn toàn kiểm soát, song thời gian qua, công tác thanh tra hoạt động kém. Tôi rất buồn khi hàng ngày còn nhận được những phản ảnh về chuyện các DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá, làm giảm chất lượng tour", ông Từ nói. Chưa kể chuyện "bán cái" còn dẫn đến tình trạng trốn thuế, gây lộn xộn trong hoạt động kinh doanh lữ hành tại biên giới.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Từ dẫn chứng, theo số liệu của Bộ Công an thì khách Trung Quốc vào Việt Nam năm ngoái là trên 171.700 lượt, song kiểm tra thực tế của Tổng cục thì chỉ là 118.000 lượt; số còn lại nằm ngoài sổ sách. Còn Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Lào Cai Nguyễn Quang Đức cho rằng, nhiều du khách đã vào Việt Nam thông qua các khu kinh tế cửa khẩu vùng biên.
Giá giảm, chất lượng tour thấp đến nỗi, ông Vũ Thế Bình nhăn nhó, bữa ăn của du khách Trung Quốc ở Việt Nam chỉ 20.000 đồng/suất (chưa kể phải trả 20% phí cho HDV) thử hỏi có gì để ăn?
Hướng dẫn viên tiếng Trung cũng là vấn đề nan giải. HDV tạm thời Trung Quốc hiện có 1.700 người nhưng rất ít người am hiểu và sử dụng tốt ngoại ngữ. Ông Bình cho biết trong số 500 HDV Trung Quốc tại Quảng Ninh, qua kiểm tra cho thấy chất lượng quá thấp, nhiều người nói không thông thạo tiếng Trung. Thậm chí, có người chưa tốt nghiệp PTTH (mặc dù quy định HDV tạm thời phải tốt nghiệp cấp III). Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty Du lịch Hữu Nghị (Quảng Ninh), còn thở dài, HDV tiếng Trung ở tỉnh này thậm chí còn không biết Quảng Ninh có bao nhiêu huyện, bảo tàng nằm ở đường nào?
Biện pháp mạnh tay
Tổng cục Du lịch cho biết thời gian tới sẽ thực hiện một số biện pháp mạnh nằm tăng cường quản lý và thúc đẩy đón khách Trung Quốc sử dụng giấy phép XNC. Theo ông Vũ Thế Bình, trước tiên là là điều chỉnh một số nội dung của Quy chế 849, như bỏ kiểm tra hai lần đối với khách vào Việt Nam, tập trung làm thủ tục một lần tại cửa khẩu; xem xét để giảm thời hạn 5 ngày đối với việc cấp giấy phép XNC (nhiều công ty lữ hành đề nghị chỉ còn 1 ngày).
Trong số 31 DN đã triển khai đón khách, chỉ 2/3 là đón được 500 khách trở lên. Do vậy, thời gian tới, Tổng cục Du lịch dự kiến chỉ chọn các DN cam kết không đưa khách đến sòng bạc (7 tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng... đã thực hiện việc này), phải đón được 500 khách/năm. Tuy nhiên, theo nhiều DN, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng tour và thực hiện hạch toán rõ ràng, nộp thuế đầy đủ.
Các công ty này cũng phải có hợp đồng ký với đối tác lữ hành Trung Quốc được phép đưa khách du lịch sang Việt Nam, trong đó có xác nhận của Cục Du lịch địa phương Trung Quốc. Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, đề nghị, hợp đồng này cũng phải có cả con dấu của các Sở Thương mại Du lịch trong nước khi khách sang tới Việt Nam.
Một biện pháp khác là công ty lữ hành phải công khai chi phí tour ký với các đối tác Trung Quốc phù hợp với mức chuẩn đã công bố của Chi hội Lữ hành. Đây là vấn đề rất khó, vì hầu hết các DN đều không thực hiện được. Hiện mới có Chi hội Du lịch Quảng Ninh, với 18 thành viên, đã cam kết và đưa ra được mức giá sàn. Các công ty thành viên phải đặt cọc một khoản tiền, nếu vi phạm mức giá đặt ra sẽ bị trừ vào khoản tiền đó.
Song, theo kiến nghị của Tổng cục và các Sở Du lịch có đường biên với Trung Quốc, mức giá này phải được Sở Du lịch địa phương thông qua để thống nhất và công khai với các công ty du lịch khác trong địa bàn.
Tổng cục Du lịch cũng đề xuất, nếu không đón được 100 khách trong 6 tháng, DN sẽ bị dừng việc đón khách theo Quy chế 849. Song, đa số công ty lữ hành không đồng tình với đề xuất này và đề nghị sửa đổi rút xuống một tháng, thậm chí một tuần là DN đã có 100 khách nếu họ thực sự có năng lực.
Hiện nay, tình trạng trên đã được cải thiện phần nào sau khi lãnh đạo Tổng cục Du lịch có buổi làm việc với phía Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng 1. Và từ tháng 3/2006, Trung Quốc đã đồng ý cho khách du lịch trong nước sử dụng giấy phép XNC vào Việt Nam bằng đường biển theo tuyến Bắc Hải - Hạ Long. Nước này cũng cam kết từng bước sẽ mở cửa khẩu biên giới đường bộ cho khách du lịch. Hôm 6/4, Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng ý cho phép du khách Trung Quốc sử dụng thẻ du lịch được đi trên các chặng bay nội địa của Hãng hàng không Việt Nam, điều này sẽ góp phần đưa khách Trung Quốc vào Việt Nam sâu hơn. |
-
Hà Yên