Theo điều tra của JICA (Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản), đến nay Hà Tây có 1.460 thôn làng, thì có đến 1.116 làng nghề truyền thồng và nghề mới, 219 làng nghề với 114.770 hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn của tỉnh.
Nón lá làng Chuông - làng nghề nổi tiếng của Hà Tây liệu còn chỗ đứng trên thị trường? |
Chỉ tính riêng 219 làng nghề này, đã thu hút hơn 269 nghìn lao động (có tay nghề), năm 2005 làm ra hơn 4.200 tỷ đồng! Trong đó 9 làng nghề mỗi năm làm ra từ 50 tỷ đến hơn 300 tỷ đồng.
Làng nghề La Phù (Hoài Đức) chỉ chuyên làm nghề dệt kim và bánh kẹo, mỗi năm làm ra... 340 tỷ đồng, hoặc làng nghề dệt nhuộm La Nội (thị xã Hà Đông): 164 tỷ đồng, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm (huyện Thường Tín): 50 tỷ đồng.
Có thể nói không ngoa rằng “đất nghề”, “làng nghề” đã và đang là thế mạnh “độc chiêu” của Hà Tây, đang góp phần đưa Hà Tây trở thành tỉnh giàu có vùng Châu thổ sông Hồng.
Ấy thế nhưng, những ngày tháng này, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì người dân làng nghề, cũng như những người đang chịu trách nhiệm về làng nghề ở Hà Tây bên cạnh niềm vui, tự hào, lại phập phồng nỗi lo: ra “biển lớn” làng nghề Hà Tây sẽ ra sao?
Cũng phải công nhận rằng từ nhiều năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Công nghiệp cùng một số ban, ngành trong tỉnh rất để tâm tới việc duy trì và phát triển làng nghề.
Năm 1996, Tỉnh ủy Hà Tây đã ra nghị quyết về phát triển làng nghề từ 1999 – 2000. UBND tỉnh trích mỗi năm 1 tỷ đồng hỗ trợ các làng nghề mở lớp đào tạo, nhân cấy nghề, truyền nghề, đưa nghề mới về làng, sau đó nâng lên 1,5 tỷ đồng (2001 – 2005) rồi 2 tỷ (năm 2006) lại nữa, 10 làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch trong tỉnh đã được UBND tỉnh giao cho các Sở quy hoạch và triển khai đồng bộ... dẫu vậy, nỗi lo khi ra “biển lớn” của các làng nghề và người dân làm nghề là có cơ sở.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Chính, Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Tây, trước hết là vấn đề thị trường: Bán cho ai, mẫu mã, thương hiệu thế nào, giá cả, thanh toán ra sao ... là cả một sự hẫng hụt lớn đối với các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ lẻ quanh quẩn sau luỹ tre làng!
Thực tế đã có một số doanh nghiệp đã “ra biển” đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD như mây tre Tiến Động, Văn Minh, Ngọc Sơn, dệt kim Đông Đô, Phúc Hưng... nhưng chưa ổn định và giá hàng XK có khi chỉ bằng 1/10 giá bán lẻ ở nước ngoài.
Vấn đề thứ hai là vốn đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển làng nghề. Mặc dù đến năm 2005, tổng số vốn này đã là 1.080 tỷ đồng (tăng 622 tỷ đồng so với năm 2000) nhưng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các làng nghề vẫn đang rất thiếu, trở nên đau đầu với đa số dân làng nghề.
Để có vài trăm mét vuông mở rộng cơ sở sản suất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, cần có vài trăm triệu đồng, gấp vài chục lần “hầu bao” của các hộ làm nghề.
Ngân hàng sẵn sàng cho họ vay, nhưng tài sản thế chấp của họ không đáng kể, ai dám cho vay?
Vấn đề thứ ba là ở hầu hết các làng nghề, cơ sở hạ tầng đều yếu, thiếu và môi trường đang bị ô nhiễm. Có thể nói hầu hết các làng nghề không có đường giao thông đủ tải trọng cho xe tải, xe Container đến đầu làng!
Hệ thống truyền tải điện sản xuất cùng với lưới điện sinh hoạt trước đây đã quá tải, cũ nát. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã ở trên mức báo động.
Những vấn đề làng nghề Hà Tây gặp phải trên con đường phát triển bền vững, đặc biệt khi nước ta gia nhập WTO là có thật và cần phải được nghiên cứu, xem xét sâu sắc, đầy đủ và kịp thời hơn nữa.
(Theo Tiền Phong)
Ý kiến của bạn?