Các mặt hàng như phôi thép, thép cuộn, tấm lá, thép ống… từ Trung Quốc vẫn đang được nhập khẩu ồ ạt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tạm lắng xuống vào thời điểm cuối tháng 5/2007, giờ lại bùng lên. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã tạm ngừng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu thép để kiếm lời.
Tràn ngập thép Trung Quốc
Xe tải trọng tải lớn đang nhận hàng. Ảnh: N.P.C (Tiền Phong)
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), thời gian gần đây, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai, phôi thép từ Trung Quốc đang được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Theo quan sát của PV, hầu hết các bãi thép lớn tại thành phố Lào Cai hiện đang ngập tràn thép Trung Quốc. Tại các bãi tập kết sắt - thép như bãi Hóa Trường, Bắc Duyên Hải, Kim Thành… xe ôtô trọng tải lớn liên tục vào bốc thép vận chuyển về xuôi.
Thép tại các bãi này được chất thành đống to, từ phôi thép, thép ống, thép cuộn… Có mặt tại bãi tập kết thép Bắc Duyên Hải, thép Trung Quốc được chất thành từng đống lớn, nằm ngổn ngang trên diện tích rộng khoảng 5.000m2.
Tại bãi này, thép cuộn, phôi thép chất ngổn ngang, từng đoàn xe tải hạng lớn nối đuôi nhau vào ra cẩu hàng. Đi qua các đống thép cao ngất ngưởng, chúng tôi đến gần chiếc cẩu chuyển thép của DN Trường Hải được một lái cẩu tiết lộ: “Bãi Bắc Duyên Hải hiện không còn một chỗ trống.
Từ mấy tháng trước, có 4-5 DN từ Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng lên thuê mặt bằng hết rồi”. Anh này còn cho biết thêm, thực ra lượng thép tập kết tại bãi Bắc Duyên Hải chưa thấm vào đâu so với các bãi tập kết sắt thép khác như Kim Thành, Hóa Trường, Phố Mới.
Trong vai một chủ doanh nghiệp từ Hà Nội lên thuê mặt bằng để tập kết sắt thép Trung Quốc, chúng tôi đến bãi tập kết sắt thép Hóa Trường thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Vừa đỗ xe, các bảo vệ tại bãi này khẳng định: Nếu có đặt cọc gấp 3 lần tiền, chúng tôi cũng không thuê được mặt bằng vì đã được các doanh nghiệp dưới xuôi lên thuê từ mấy tháng nay.
Được biết, không chỉ các DN khai thác bãi đỗ, tập kết sắt thép nhập khẩu đắt hàng mà nhiều DN kinh doanh vận tải ở Lào Cai như: HTX bốc xếp vận tải Quyết Thắng, HTX vận tải Hải Hoàn, Đại lý vận tải phía Bắc, DN Trường Hải, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đều làm ăn phát đạt với hàng trăm hợp đồng vận chuyển béo bở từ các DN nhập khẩu sắt thép.
Ông Trần Tiến Hưng - Chủ nhiệm HTX vận tải Hải Hoàn cho biết: “HTX làm không xuể vì có quá nhiều hợp đồng vận chuyển sắt thép cho các DN đến từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên. Nhiều hợp đồng vận chuyển lên đến 2.000 tấn”.
Một số DN khác cũng cho biết, vì thép từ Trung Quốc được nhập khẩu với số lượng lớn nên tháng nào cũng có 5-10 hợp đồng vận chuyển thép lên tới hàng nghìn tấn.
Doanh nghiệp bỏ sản xuất lao vào nhập khẩu thép
Do ảnh hưởng của thép cuộn Trung Quốc nhập vào Việt Nam với giá rẻ hơn từ 8,2-8,4 triệu đồng/tấn nên nhiều DN sản xuất thép chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều cơ sở sản xuất thép cũng dừng sản xuất, lên Lào Cai nhập khẩu thép Trung Quốc về bán.
Một số DN sản xuất thép khác quy mô lớn hơn thì thành lập công ty “con” tại Lào Cai để nhập mặt hàng này về tiêu thụ. Ông Hoàng Văn Hà - Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH XD&TM Thái Bình Minh - một DN độc quyền phân phối thép TISCO và Hòa Phát tại Lào Cai khi được hỏi không ngần ngại nói:
“Chuyển sang nhập khẩu thép cuộn TQ về phân phối ở Lào Cai lãi hơn so với việc phân phối các sản phẩm thép TISCO, Hòa Phát như trước đây. Do giảm chi phí vận chuyển, rẻ hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg nên không dại gì mà không nhập thép Trung Quốc.
Làm việc với PV, ông Vũ Văn Cường - Trưởng ban Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: Hiện ở Lào Cai có 12-15 DN trung ương, địa phương và các công ty TNHH thường xuyên tham gia nhập khẩu thép.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ đầu năm đến nay, thép thành phẩm và phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đạt trên 200 nghìn tấn. Lúc cao điểm (tháng 4 và 5), có ngày thép nhập về hơn 1.000 tấn, cao gấp 3 lần các tháng trong năm 2006.
Hiện, mức điều chỉnh thuế cho mặt hàng thép và phôi thép của Chính phủ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, dù bị đánh thuế, hàng nghìn tấn thép cuộn vẫn ồ ạt chuyển về các bãi tập kết tại thành phố Lào Cai.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - Phạm Chí Cường: Thép Trung Quốc không có nhãn mác sẽ rất nguy hại Ngày 13/6, trao đổi với PV Tiền phong, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam “nóng” nhất là vào tháng 5 và cuối tháng 6 năm 2007. Vừa rồi, nhân chuyện Công ty Việt-Ý, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng không khuyến khích việc bỏ sản xuất để nhập khẩu thép của Trung Quốc về bán, dù đúng luật. Hiện, thị trường thép trong nước cung đang vượt cầu nên các bộ ngành liên quan cần chấn chỉnh việc làm không đúng này vì đây là văn hóa, là đạo đức của người kinh doanh trước khó khăn của đất nước. Thép Trung Quốc không có nhãn mác nên khi vào Việt Nam sẽ rất nguy hại. Chính vì thế, Đà Nẵng đã ra lệnh thu hồi, không cho phép xây dựng công trình từ các loại thép nhập khẩu Trung Quốc. Nhật, EU, Mỹ cũng khẳng định chính sách xuất khẩu thép của Trung Quốc là bất bình đẳng, vi phạm luật WTO; do đó, nếu Trung Quốc không sửa đổi sẽ bị các nước này trừng phạt. Vì thế, từ 1/6/2007, Chính phủ Trung Quốc đã phải thay đổi hàng loạt các chính sách về xuất khẩu thép như việc bắt đầu áp dụng quota cho xuất khẩu thép; đánh thuế các sản phẩm xuất khẩu. Trước đây, Trung Quốc không những không đánh thuế xuất khẩu thép mà còn giảm 8% thuế VAT cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thép. |
(Theo Tiền Phong)