Việc tính thuế quản lý rủi ro đối với ôtô nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành mới đây đã khiến giá các dòng xe nhập tăng từ một đến vài nghìn USD mỗi chiếc. Giá xe đã qua sử dụng cũng nhân cơ hội ’ăn theo’.
Theo anh Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, đơn vị chuyên nhập khẩu và kinh doanh các loại ôtô cũ, mới thì giới kinh doanh xe nhập khẩu khá bất ngờ trước việc áp biểu giá tính thuế mới để quản lý rủi ro đối với các dòng ôtô nhập khẩu.
Không kịp trở tay
Anh Quang cho biết: “Chúng tôi không kịp trở tay với các đơn hàng ký trước đó nhưng chưa kịp nhập về. Với việc tính thuế quản lý rủi ro, giá mỗi chiếc xe bị đội lên từ 3 đến 20% so với trước, tương đương mức tăng ít nhất (đối với các dòng xe có giá "mềm" nhất) là 1.000USD mỗi chiếc, có chiếc tăng đến cả chục nghìn USD”.
Giá nhiều dòng ô tô đã tăng mạnh sau khi áp thuế quản lý rủi ro. (Ảnh: Lê Thành/Đất Việt) |
Cũng theo anh Quang, các cửa hàng tự do vì thế đã tăng giá bán xe nhập khẩu nguyên chiếc từ 5% đến 20%, ngay cả với những xe đã được nhập về từ trước.
Cụ thể, một chiếc Camry dung tích 2.4 lít nhập khẩu từ Trung Quốc về có mức giá tăng đến 2.500USD, nhiều dòng xe Huyndai mức giá tăng từ 3.000 đến 4.000USD một chiếc. Với những dòng xe giá mềm nhất như Spark, Gentra, Lacetti (từ 240 đến 400 triệu đồng), mức tăng cũng lên tới 1.000USD.
“Việc kinh doanh xe nhập khẩu của các đại lý tự do như chúng tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn, vì luôn phải tìm cách cạnh tranh với xe nội giá rẻ, lại được bảo hộ trong nước. Bây giờ thêm việc áp thuế quản lý rủi ro thì người tiêu dùng càng e ngại với xe nhập.
Thực tế, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu đã giảm mạnh từ trước khi áp mức thuế trên. Vì giá xe phụ thuộc vào thời điểm khách hàng lấy được xe và thanh toán hợp đồng, chứ không phải vào thời điểm ký hợp đồng, nên nhiều người đã dè dặt với ô tô nhập khẩu từ khi việc tính thuế quản lý rủi ro mới chỉ là tin đồn”, anh Quang cho biết.
Ôtô cũ, xe nội cũng tăng giá
Các dòng xe nhập khẩu mới tăng giá khoảng vài chục triệu đồng một chiếc đã đành nhưng các dòng ôtô đã qua sử dụng cũng đang “té nước theo mưa”.
Tại hầu hết salon ôtô tự do, giá xe đã qua sử dụng tăng khoảng 3 - 5% so với trước, tương đương mức tăng từ 5 triệu đến hơn 20 triệu đồng mỗi chiếc.
Một mẫu xe của GM Daewoo. (Ảnh: Singcafe)
Anh Hùng, một khách hàng tìm mua xe tại salon ôtô Thắng Hưng (Hà Nội) cho hay: “Tích cóp mãi mới đủ tiền thì nay thông tin thuế tăng lại khiến giá chiếc xe tôi định mua đội lên tới hơn 50 triệu đồng. Tôi đành phải chuyển ý định sang mua xe cũ, nhưng không ngờ giá xe cũ cũng tăng đáng kể”.
Giải thích cho việc xe cũ cũng "đội" giá, anh nhân viên tại salon Thắng Hưng nói với khách: “Biểu giá tính thuế quản lý rủi ro áp dụng đối với cả xe cũ”.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc tính thuế quản lý rủi ro không áp dụng với mặt hàng ôtô cũ, mà chỉ tính với xe nhập nguyên chiếc mới. Vì vậy, việc tăng giá ô tô cũ là hành động các cửa hàng tự do lợi dụng thuế quản lý rủi ro để “ăn theo”.
Ngoài sự tăng giá của các loại xe nhập khẩu mới và cũ, những dòng xe liên doanh sản xuất, lắp ráp trong nước cũng tăng nhẹ. Tại đại lý xe Ford của Ford Việt Nam trên đường Láng Hạ, hầu hết các loại xe đều tăng giá từ 200 đến 500USD một chiếc.
Còn với các dòng xe của GM Deawoo Việt Nam, trước đây khách đều được hưởng hoa hồng hoặc chiết khấu 1 - 1,5% mỗi chiếc (tương đương vài trăm USD) thì nay tuy giá xe chưa tăng nhưng khách sẽ không được hưởng ưu đãi trên nữa. Riêng đại diện Toyota Việt Nam cho biết, giá các loại xe của hãng này sẽ vẫn được giữ nguyên.
Anh Hoàng Thức, chuyên viên tư vấn bán hàng tại salon GM Deawoo trên đường Lê Trọng Tấn, giải thích: “Xe của GM Deawoo ăn khách vì giá mềm. Khách hàng của GM Deawoo hầu hết là những người phải tích cóp mới mua được xe, bây giờ nếu tăng giá lên khoảng vài chục triệu đồng một chiếc thì có lẽ họ sẽ rút lui. Thế nên chúng tôi chưa vội tăng giá để duy trì doanh số bán ra ổn định so với nhiều tháng trước”.
Liên quan đến thông tin cho rằng Bộ Tài chính đã từ chối đề xuất xin tiếp tục được ưu đãi thuế của VAMA, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô cũng đoán trước được rằng đề xuất ưu đãi thuế khó mà được duyệt.
Họ bắt đầu lo “sốt vó” và “căng đầu” chuẩn bị kế hoạch phát triển cho một giai đoạn mới của ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, giai đoạn không còn ưu đãi về thuế, phí và hiệu lực của các gói kích cầu cũng chấm dứt. Trong khi đó, nhiều ngân hàng bắt đầu hạn chế và dè dặt hơn với các gói dịch vụ cho vay mua ô tô.
Một lãnh đạo của GM Deawoo Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô liên tục có các cuộc họp bàn căng thẳng về chiến lược kinh doanh sắp tới khi các gói kích cầu chấm dứt.
Vị này cho biết, bên cạnh việc kinh doanh xe mới, GM Deawoo sẽ đẩy mạnh các dịch vụ về chăm sóc, bảo dưỡng xe và có thể mở thêm dịch vụ mua bán và thẩm định xe đã qua sử dụng.
-
Theo Đông Nhiên/Đất Việt