|
Cô Isoda Rena (bên trái) và bạn thân thích thú chiếc áo dài tại Nhà may Miss Áo dài. |
(VietNamNet) - Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội văn hóa, du lịch Việt - Nhật tại TP.HCM, các nhà may áo dài có tiếng và uy tín tại đây đã thở không kịp khi có rất đông nữ du khách Nhật đến đặt may áo dài.
Có mặt tại Lễ hội Việt - Nhật, 3 thương hiệu áo dài Sỹ Hoàng, Miss Áo dài, Võ Việt Chung đã tạo được nhiều ấn tượng với du khách thông qua việc thiết kế, trưng bày sản phẩm tại gian hàng của mình.
|
Du khách ngắm chiếc áo dài được tô điểm bằng các hạt nút nhựa của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. |
Nếu như Miss Áo dài giới thiệu các mẫu áo dài truyền thống đơn giản cùng với nhiều phụ trang như giỏ xách, trang sức, hài thêu… đi kèm thì Sỹ Hoàng lại trưng bày cả phần ở trong cánh gà ra ngoài sân khấu: đưa cả các bàn may, bàn vẽ, bàn thêu ra tận hiện trường để du khách tận mắt chứng kiến tài năng khéo léo của những người thợ thủ công cũng như các công đoạn để hoàn tất một chiếc áo dài công phu và tỉ mỉ ra sao. Ấn tượng hơn, Sỹ Hoàng còn chuẩn bị riêng những chương trình ca nhạc dân ca VN, biểu diễn thời trang… trong đó những người mẫu, nghệ sĩ đều mang trang phục áo dài Sỹ Hoàng.
Còn Võ Việt Chung thì mang phong cách dân dã, các mẫu áo dài xưa với gam màu nâu đất đi kèm trang sức bằng đá. Thông qua các gian hàng trưng bày này, nhiều phụ nữ Nhật đã tìm cho mình một địa chỉ ưng ý để đến đặt may áo dài.
Tại cửa hàng Miss Áo dài (Nguyễn Trung Ngạn, Q.1) một tốp khách Nhật khoảng trên dưới 10 phụ nữ đang thích thú xem qua các sản phẩm của Miss Áo dài như vải nguyên liệu, áo dài may sẵn, hài, giỏ xách thêu, kết cườm… Cô Isoda Rena, khoảng 24 tuổi vui vẻ cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy chiếc áo truyền thống của VN. Trông nó rất dễ thương, có thể tôi sẽ may một chiếc để kỷ niệm cho chuyến đi VN này”.
Chị Lâm, quản lý Miss Áo dài cho biết, 3 ngày nay mỗi ngày có khoảng gần 400 du khách Nhật đến tham quan cửa hàng. Khoảng 1/5 số khách muốn đặt may áo dài VN. Đa phần khách đặt hàng muốn lấy liền sau 4-5 giờ đồng hồ hoặc sau một ngày. Chúng tôi phải tăng cường nhân lực và phải làm việc liên tục để đáp ứng yêu cầu. Giá một bộ áo dài ở đây cũng tương đối mềm: từ 35-100 USD/bộ, phù hợp với nhiều đối tượng du khách.
|
Thợ may của Sỹ Hoàng làm việc tại gian hàng trong lễ hội, thu hút rất đông du khách tham quan đến gian hàng này. |
Tương tự, Nhà may Sỹ Hoàng (Lý Tự Trọng, Q.1) cũng tấp nập du khách Nhật ra vào, lượng khách đặt may tăng gấp 5-7 lần ngày thường. Cô Iizuka Orie, khách hàng đang chọn mẫu áo dài tại đây nói: “Tôi muốn may 1 cái để mặc trong mấy ngày ở VN, đi dạo phố các bạn mang trang phục VN tôi sẽ tự tin hơn. Còn sau này về Nhật ư? Tôi chỉ mặc trong dịp lễ hội nào đó hoặc mặc đi dancing để khoe với bạn bè…” (cười).
Tuy Nhà may Liên Hương không xuất hiện trong khuôn viên lễ hội, nhưng những ngày qua Liên Hương cũng là địa chỉ thu hút khá nhiều phụ nữ Nhật. Chị Liên Thư, nhà thiết kế thời trang của thương hiệu Liên Hương cho hay, mỗi ngày có khoảng 5-6 tốp khách Nhật vào cửa hiệu (2-3 người/ tốp) may áo dài. Đây là đối tượng khách riêng lẻ đi từng nhóm nhỏ chứ không phải khách đi theo đoàn hoặc theo chỉ vẽ của hướng dẫn viên du lịch.
|
Trang cẩm nang mua sắm của một tạp chí Nhật giới thiệu áo dài của Nhà may Liên Hương. |
Theo các vị khách Nhật này, họ biết đến Liên Hương thông qua một số bạn bè đã đến VN và dùng qua áo dài Liên Hương. Cẩn thận hơn, nhiều du khách cầm theo cuốn cẩm nang mua sắm bằng tiếng Nhật, trong đó có bài giới thiệu về Nhà may Liên Hương (do các phóng viên Nhật du lịch đến VN sau đó giới thiệu địa chỉ này).
“Nếu như phụ nữ trong nước, Việt kiều thích các kiểu áo dài cách điệu (cổ tròn, thuyền, tim thay vì cổ đứng, áo không tay hoặc xẻ, nối vạt áo…) thì phụ nữ Nhật lại thích kiểu áo dài truyền thống, đơn giản nhưng vẫn sang trọng và dịu dàng đằm thắm” - Chị Liên Thư, tiệm may Liên Hương (Q.3) cho biết như vậy.
Cũng theo chị Thư, sở dĩ phụ nữ Nhật thích chiếc áo dài truyền thống của VN vì đây không chỉ là một loại trang phục đẹp, duyên dáng mà nó còn có thể che bớt những khiếm khuyết về vóc dáng của các bà, các cô. Người mập, ốm… đều có thể diện loại trang phục này vì người thợ may khéo sẽ biết cách làm giảm bớt những khiếm khuyết của người mặc.
|