2004: Du lịch Việt Nam lại phá kỷ lục!
16:23' 26/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mặc dù phải đương đầu với nạn dịch cúm gia cầm nhưng du lịch ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn kịp có thêm một kỷ lục mới  trước khi năm 2004 kết thúc và Việt Nam cũng vậy.

Việt Nam tăng trưởng gấp đôi khu vực

Khách du lịch trên đường phố TP.HCM

Theo Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), năm nay khu vực này đón khoảng 300 triệu khách du lịch quốc tế. Một kỷ lục mới đã được thiết lập đối với ngành du lịch khu vực so với kỷ lục trước đó được ghi nhận là 274,8 triệu lượt khách được lập vào năm 2002.

Việt Nam, quốc gia nằm trong khu vực được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất trên thế giới trong năm nay, cũng ghi được cho mình một kỷ lục về hoạt động du lịch trong năm nay.

Theo Tổng Cục Du lịch, năm 2004 đón được khoảng 2,9 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm ngoái. Việt Nam là một trong những nước ở châu Á bị dịch cúm gia cầm hoành hành nhưng nạn dịch chết người đó không làm nhiều khách du lịch quốc tế lo sợ. Thay vào đó nhờ sự mới mẻ, du lịch Việt Nam và các chương trình xúc tiến đã "lôi kéo" lượng lớn ngoài dự kiến khách nước ngoài  trong năm nay, năm tưởng chừng sẽ rơi vào số phận như 2003 - năm tồi tệ  nhất của du lịch thế giới với dịch Viêm đường hô hấp cấp (SARS).

Ông Dương Xuân Hội, Vụ phó Vụ Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch, cho biết, trong năm Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng cũng như các chương trình lễ hội lớn qui mô quốc gia và địa phương nên đã thu hút một lượng khách lớn. "Trong đó cũng phải kể đến việc miễn visa cho thị trường Nhật Bản Hàn Quốc nên tạo cơ hội mới thu hút khách du lịch ở hai quốc gia này đến Việt Nam", ông Hội nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nói rằng, chính sách miễn visa đã làm tăng lượng khách Nhật và Hàn Quốc đáng kể. Cụ thể trong năm nay khách Nhật đã tăng lên 30% so với năm ngoái, đặc biệt là khách Hàn Quốc tăng cao hơn với 40%. Hai thị trường này cùng với Mỹ có mức tăng trưởng 28%, Đài Loan 27%, Úc 22% và Trung Quốc 20%, trở thành những quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất trong năm 2004. Theo đánh giá của ông Thọ, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm nay có thể đạt đến 25.000 tỷ đồng tương đương 1,6 tỷ USD, tăng 20-25%.

2005 sẽ phá kỷ lục 2004?

Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua các năm (Đơn vị tính: triệu lượt khách)

Theo ông Dương Xuân Hội (Tổng Cục Du lịch), 2004 có thêm một sự kiện được đánh giá tạo nên sự đột phá mới cho ngành du lịch, đó là việc chính phủ cho phép khách Trung Quốc với thẻ du lịch được phép tham quan khắp nước Việt Nam thay vì chỉ giới hạn ở một số tỉnh của khu vực phía Bắc. "Rất tiếc rằng chính sách mới này vẫn chưa phát huy hiệu quả bởi còn vướng mắc một số thủ tục, chủ yếu ở cơ quan an ninh nên chưa thực sự thu hút nhiều khách Trung Quốc", ông nói. Và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho kỷ lục của năm nay chỉ dừng ở mức 2,9 triệu lượt khách quốc tế thay vì 3 triệu hoặc trên 3 triệu như ngành du lịch đã dự đoán.

"Hy vọng trong năm 2005 những vấn đề vướng mắc này sẽ giải quyết và tạo cơ hội thu hút thêm nhiều khách Trung Quốc vào Việt Nam ", ông Hội khẳng định. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm tới sẽ thu hút ít nhất là 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2005 là năm chẵn và đó cũng là lý do ngành du lịch sẽ đưa ra các sự kiện du lịch quốc gia như 30 năm giải phóng đất nước, du lịch về cội nguồn, du lịch Nghệ An...những sự kiện mà đã chứng minh sự thành công trong năm 2004 như Năm Du lịch Điện Biên, Festival Huế, Con đường Di sản miền Trung....Các sự kiện du lịch quốc gia sẽ mang lại giá trị cho ngành du lịch nếu được quảng bá một cách chuyên nghiệp.

Ông Stephen Yong, Giám đốc Phát triển Kinh doanh PATA, trong một chương trình hội thảo về du lịch được tổ chức tại TP.HCM hồi giữa tháng 12, đã có những nhận định khá thú vị về tiềm năng du lịch của Việt Nam.  Ông cho rằng, du lịch biển là sản phẩm du lịch rất đặc thù của Việt Nam. Theo ông, để phát triển ngành du lịch Việt Nam nên chú ý đến việc quảng bá loại sản phẩm này. Đồng thời, Việt Nam cũng nên chú ý đến các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia với các hình ảnh rất đặc trưng của Việt Nam. Đó là sự nổi tiếng của các món ăn, vốn rất ngon và phong phú, được nhiều khách du lịch ưa thích, hoặc hình ảnh áo dài và thậm chí cả cái nét rất riêng của Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có, là quốc gia có rất nhiều xe máy.

Năm 2005, dự kiến chính phủ sẽ có thêm một số chính sách thu hút thêm khách du lịch ở châu Âu, đối tượng Việt Nam muốn nhắm đến sau thị trường châu Á và Mỹ. Ông Hội cho biết chính phủ đang xem xét miễn visa cho một số thị trường này, một chính sách mà Việt Nam đã áp dụng đối với Nhật và Hàn Quốc trong năm 2004, và 2005 sẽ là thời điểm thích hợp cho việc thực hiện chính sách đó.

  • Minh Quang

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đã có kịch bản "Năm Du lịch Nghệ An"
Năm 2004, VN sẽ thu hút 3 triệu khách du lịch?
Nhiều đoàn nhà báo quốc tế đến tìm hiểu du lịch Việt Nam
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên"
Quốc tế hóa lễ hội trong "Năm Du lịch Đà Nẵng 2005"
10 tỷ đồng cho lễ hội du lịch Việt-Nhật
Ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương phục hồi mạnh
CÁC TIN KHÁC:
ISO chỉ là cái ''mác'' để DN ...trưng! (26/12/2004)
Thực phẩm về các chợ đầu mối tăng gấp 3 lần (25/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (25/12/2004)
2004: Năm xuất khẩu cất cánh (24/12/2004)
Công bố 12 sản phẩm chất lượng & an toàn (23/12/2004)
Chỉ số giá tiêu dùng 2004 dừng lại mức 9,5% (22/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (22/12/2004)
Sẽ quy định mức trần hoa hồng bán hàng đa cấp? (17/12/2004)
DN để khê hạn ngạch sẽ bị phạt gấp 5 lần (15/12/2004)
Sẽ đấu giá bưu phẩm vô thừa nhận (13/12/2004)
Khách sạn, nhà hàng tất bật mùa Noel (13/12/2004)
350 DN tham dự Hội chợ thương mại quốc tế VN 2004 (13/12/2004)
Dệt may giới thiệu sản phẩm thời trang dịp Noel (11/12/2004)
Canada chính thức bỏ hạn ngạch cho dệt may VN (10/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang