(VietNamNet) - Việt Nam được coi là một nước cung cấp lâu dài với số lượng lớn mặt hàng dệt may cho thị trường Mỹ nên hầu hết những người bán lẻ tin rằng, VN sẽ là mục tiêu hàng đầu của các đơn kiện chống phá giá.
|
Kiện chống bán phá giá - lại một khó khăn mới có thể xảy ra với DN dệt may VN. |
Khi Hiệp định về Hàng dệt may (ATC) hết hiệu lực, thương mại hàng dệt may sẽ không còn chịu chế độ hạn ngạch nữa, mà sẽ được áp dụng các hình thức hạn chế thông thường trong khuôn khổ GATT, trong đó có thuế chống bán phá giá, chống trợ giá và các biện pháp phòng vệ khác. Luật sư William H. Barringer của Văn phòng Luật sư Willkie & Gallagher (Mỹ) vừa được Bộ Thương mại mời đến thuyết trình cho DN dệt may đã cảnh báo các DN Việt Nam về nguy cơ có thể bị kiện chống bán phá giá.
Theo ông Barringer, đối với hàng dệt may, dự đoán kiện chống phá giá có nhiều khả năng xảy ra nhất vì nó đem lại mức bảo vệ cao nhất (mức thuế cao nhất) và có thể trở thành bán cố định do Hoa Kỳ thường hay lưỡng lự trong việc chấm dứt các lệnh áp thuế chống bán phá giá hiện hành.
Thuế chống trợ giá có thể được sử dụng cho một số ít nước có nền kinh tế thị trường, mặc dù hàng dệt may và may mặc không được coi là được trợ giá nhiều. Tuy nhiên, nếu Quốc hội Mỹ cho phép áp dụng thuế chống trợ giá đối với những nước có nền kinh tế phi thị trường thì Việt Nam và Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu.
Để đối phó với khả năng bị kiện chống bán phá giá hàng dệt may. Ông Barringer khuyên các DN Việt Nam nên tiến hành một loạt biện pháp. Trước hết, các DN nên thay đổi thông lệ kế toán để đảm bảo sự nhất quán với tiêu chuẩn GAAP (chế độ kế toán tiêu chuẩn chung). Cơ cấu lại hồ sơ kế toán, sản xuất để bảo đảm rằng các yếu tố sản xuất có thể được xác định và xác thực - các yếu tố cần quan tâm dựa trên kinh nghiệm vụ kiện tôm bao gồm: số giờ lao động trên một đơn vị sản phẩm, tỷ lệ nguyên liệu - thành phẩm đối với các nguyên vật liệu chính. Đối chiếu số liệu kho thành phẩm. Phân bổ các yếu tố sản xuất chung cho các sản phẩm đơn lẻ. Ngoài ra, DN cũng nên tạo lập hồ sơ đầy đủ trên giấy tờ để chứng minh việc không có sự kiểm soát của Chính phủ.
Cụ thể, luật sư Barringer khuyến cáo, 4-6 nhà xuất khẩu lớn nhất trong mỗi nhóm sản phẩm cần chuẩn bị kỹ những nội dung trên. Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may VN cần nỗ lực vận động hành lang/quan hệ công chúng với các nhà bán lẻ Mỹ.
|