(VietNamNet) - Iran mong muốn nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với VN vượt ngưỡng 40 triệu USD/năm - một con số quá nhỏ bé trong thời gian vừa qua. Con số này chỉ chiếm khoảng 0,1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Iran, cũng như Việt Nam.
|
Gạo - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào Iran. |
Bộ trưởng Bộ Thương mại Iran, Ông Mohammad Shariatmadari đã cho biết như vậy trong chuyến thăm Việt Nam. Ông Shariatmadari và đoàn DN Iran đã có buổi làm việc với cộng đồng DN Việt Nam sáng 11/1 và hội kiến với Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam sáng 12/1.
Iran hiện là thị trường tiềm năng cho hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là gạo và chè, nhưng thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này đạt rất thấp. Iran mỗi năm có nhu cầu nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn gạo nhưng năm 2003, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Iran chỉ đạt 50.000 tấn (chiếm khoảng 5% thị phần) và 6 tháng đầu năm 2004 là 58.200 tấn. Chè năm 2003 cũng chỉ xuất vào Iran được 350 tấn (chiếm 0,7% thị phần) và đến 6 tháng đầu năm 2004, Việt Nam không xuất được chè vào Iran.
Ngoài gạo và chè, Iran đang nhập của Việt Nam gấm Thái Tuấn, vải len, sợi, quần áo may sẵn, giày dép thể thao, nước quả hộp, hạt tiêu, cà phê, hàng điện tử, máy tính và linh kiện máy tính... Với số dân hơn 69 triệu người lại có nhu cầu không khó tính, hàng hoá Việt Nam rất thuận lợi để xâm nhập thị trường Iran.
Lý giải về việc kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước quá nhỏ bé, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh cho rằng: ''Có thể do cộng đồng DN hai nước chưa tích cực khắc phục các trở ngại về khoảng cách địa lý, về ngôn ngữ dẫn đến sự thiếu thông tin về cơ hội kinh doanh. Mặt khác, Việt Nam và Iran đều đang trong quá trình phát triển, đổi mới. Vì vậy, Chính phủ hai nước cần có nhiều cơ chế, chính sách mới tạo thuận lợi và hỗ trợ cho DN hai nước tăng cường tiếp xúc làm ăn với nhau''.
Mặt khác, khó khăn trong khâu thanh toán cũng đang là trở ngại với các DN hai nước. Đặc biệt, phần lớn hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam vào Iran đều phải thông qua nước thứ ba. DN hy vọng sau những cuộc gặp gỡ này, hai Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ DN thâm nhập sâu hơn vào thị trường Iran.
|