Thực hiện trách nhiệm xã hội, DN lợi hay thiệt?
07:58' 17/01/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Khách hàng nước ngoài khi mua hàng của DN Việt Nam, vẫn đặt yêu cầu về trách nhiệm xã hội, nhưng rất nhiều DN băn khoăn vì đầu tư tốn kém.

DN còn lơ mơ

Soạn: AM 246317 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm hỏi công nhân Dệt Thành Công, đơn vị đã đạt chứng chỉ SA8000. Ảnh: Đ.V.

Trách nhiệm xã hội trong quan lý DN, gọi chung là trách nhiệm xã hội  (TNXH), được hiểu là việc DN thực hiện các quyền lợi dành cho cán bộ công nhân viên, người lao động nói chung. Đó là sự chăm sóc đến quyền lợi người lao động, từ điều kiện làm việc, đến chăm sóc sức khỏe, sự tôn trọng, công bằng về tiền lương, tiền công, chăm sóc đời sống tinh thần… Chứng chỉ SA8000 tập trung đề cao các nội dung này.

Hiện nay trên thế giới, TNXH là một yêu cầu khá khắt khe trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù đây là hoạt động tự nguyện, nhưng do sự đề cao nên có những nước đưa ra thành những quy định pháp luật. Liên hiệp quốc đã có 9 nguyên tắc quy định về vấn đề này. Ủy ban châu Âu đã đưa ra “Văn bản xanh”, trong đó TNXH được hiểu như là việc DN đưa các vấn đề xã hội và môi trường vào các hoạt động một cách tự nguyện. Australia đã đề xuất bộ Luật về TNXH, Anh quốc hàng năm đưa ra kết quả nghiên cứu và kèm theo đó là khuyến nghị của các Bộ ngành.

Tuy nhiên hiện tại, hoạt động này ở Việt Nam chưa được nhiều DN quan tâm. Trước đây, các DN Việt Nam có thực hiện TNXH là do yêu cầu của đối tác là khách hàng nước ngoài, khi khách hàng có yêu cầu. Ông Trần Ngọc Trung, giám đốc Trung tâm huấn luyện và chuyển giao công nghệ quản lý của Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết: khái niệm TNXH manh nha du nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 1995, khi Việt Nam tổ chức một Hội nghị quản lý ở Hà Nội. Từ việc “chữa cháy” là gặp đâu làm đó, sai đâu sửa đó, chuyển dần sang xu thế “phòng ngừa”, khái niệm này bắt đầu được DN chú ý tìm hiểu để thực hiện. Tuy nhiên đến nay, cũng chỉ có 1991 chứng chỉ phù hợp với ISO 14000, một con số rất ít ỏi. Việt Nam vẫn chưa có một quyết định nào của Nhà nước và giao vấn đề này cho cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ông Trung cho rằng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam bị yếu, cũng có một nguyên nhân từ đây.

Vì vậy, hiện tại ở Việt Nam nếu kể đến DN áp dụng tự giác và đã thành công trong lĩnh vực này rất ít ỏi. Một số đã thực hiện tốt là các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, như NIKE, Adidas, Columbia Sport, JC Penny. DN trong nước áp dụng thành công được nêu làm ví dụ tiêu biểu như Coart Phong Phú, (sản xuất phụ liệu cho ngành dệt và may mặc), Dệt Thành công, Giày Thái Bình... không có nhiều. Giày Thái Bình đã xây dựng chỗ ở cho 1.000 lao động, trong đó xây 500 căn hộ chung cư cho gia định người lao động. Hay như Dệt Thành Công là đơn vị đã đạt chứng chỉ SA8000, ấn tượng nhất ở DN này là trong các cơ sở sản xuất của công ty đều được trang bị một hệ thống quạt hơi nước đã làm lạnh, tạo không khí mát mẻ dễ chịu.

Lợi hay thiệt?

Soạn: AM 246315 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Da giày và dệt may là hai lĩnh vực được xác định rất cần thiết thực hiện TNXH để tăng sức cạnh tranh. Đ.V.

Đó là câu hỏi mà các DN băn khoăn nhiều nhất khi đả động đến vấn đề này. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc công ty Dệt Thành Công, cho biết, khi khách hàng nước ngoài đến công ty đặt hàng, vấn đề đầu tiên khách hàng quan sát là điều kiện làm việc, sức khỏe công nhân, xử lý chất thải, nhà ăn, nhà vệ sinh… chứ không phải kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khách hàng Mỹ đặc biệt chú trọng điều này.

Trong một khảo sát của gần 100 DN ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều DN đã nhận ra, khi thực hiện TNXH, sẽ thu lại phần lợi trên một số điểm: thêm đối tác khách hàng, tăng đơn hàng, thu hút được lao động; lợi ích lâu dài là người lao động gắn bó, giúp DN cải tiến tốt hơn về phương pháp quản lý; sức khỏe người lao động bảo đảm sẽ cho hiệu quả công việc cao hơn, chất lượng sản phẩm tăng, giảm sản phẩm hư, làm hạ giá thành sản phẩm, nhờ đó nâng cao khả năng cạnh tranh về năng suất và chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo các DN, việc thực hiện TNXH cũng là một thách thức không nhỏ. Cũng trong đợt khảo sát nêu trên, các băn khoăn của DN đưa ra tập trung ở một số điểm, trong đó hầu hết đều nêu ý kiến DN Việt Nam hầu hết ít vốn, thực hiện TNXH sẽ làm tăng thêm chi phí đầu tư, tức tăng giá thành sản phẩm. Các yếu tố như: thiếu người thực hiện, tốn thời gian, cộng với nhận thức của người lao động chưa thấu đáo, luật pháp chưa có quy định… được xem như là thách thức, khiến DN e ngại.  

Ông Trần Ngọc Tuệ, chuyên viên tổ chức phi chính phủ Action Aids Việt Nam, cho biết, vì vậy, hầu hết các DN cho rằng TNXH như hoạt động từ thiện, hoặc thực hiện một bộ quy tắc ứng xử (CoC) nào đó, một gánh nặng tốn kém, chứ không phải là trách nhiệm của DN.

Phân tích về việc bỏ ra chi phí này, là chi phí hiển nhiên hay phải bỏ thêm tiền túi của DN, bà Phan Thị Hải Yến, chuyên viên tổ chức TNXH quốc tế (SAI), một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, cũng là cơ quan chấp bút SA8000, cho rằng: Đây là quyền lợi của người lao động, người lao động xứng đáng được hưởng. Vì vậy, thực hiện TNXH là nghĩa vụ của DN phải thực hiện, nên không thể cho rằng DN phải bỏ tiền túi. Đó là chưa kể, khi đầu tư vào đây, về trước mắt như lâu dài, DN thu lại nhiều lợi ích đặc biệt khác.

Theo ông Trần Ngọc Trung, trong xu thế cạnh tranh và hội nhập hiện nay, việc thực hiện TNXH là vấn đề không thể không thực hiện, vì vậy DN phải nghĩ đến ngay từ bây giờ. Ông Trung cho biết, kinh nghiệm khi ít tiền các DN nên đầu tư trước vào việc nâng cao nhận thức cán bộ công nhân, sắp xếp cải tạo điều kiện lao động, là những việc làm chi phí thấp, nhưng có hiệu quả trong thời gian ngắn. Còn về lâu dài, việc đầu tư đầy đủ để tiến tới nhận chứng chỉ SA8000 là việc cũng rất cần làm.

- Tại một nhà máy của công ty dệt may đã cải tạo hệ thống ánh sáng, thông gió, nhà vệ sinh… khoảng 1 tỷ đồng, trong vòng 3 năm năng suất lao động tăng 18%.

- Một công ty giày đầu tư vào trang thiết bị và cải tạo điều kiện lao động trong thời gian qua đã giúp đạt sản lượng kỷ lục 5,5 triệu đôi giày / năm 2004, xuất khẩu được 50%.

- Công ty Coast Phong Phú tập trung vào chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng điều kiện làm việc, nhờ đó năng suất lao động tăng lên.

 (Nguồn: Trung tâm huấn luyện và chuyển giao công nghệ quản lý của Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài).

 

 

 

 

 

  • Đặng Vỹ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
EU mong muốn VN sử dụng vốn ODA minh bạch hơn nữa (16/01/2005)
XTTM 2005: hướng tới thương hiệu quốc gia (16/01/2005)
Đồ gỗ vào Nhật:Thiết kế nên nhỏ hơn thị trường khác (15/01/2005)
Giá tôm tăng mạnh (13/01/2005)
Iran mong muốn mở rộng thương mại với VN (12/01/2005)
United Airlines hoạt động tại Hà Nội (12/01/2005)
Dệt may nên ''phòng thủ'' kiện phá giá (12/01/2005)
10 ngày sau hạn ngạch,Dệt may vừa-nhỏ bươn chải tìm lối (11/01/2005)
Du lịch Tết: Giá tour "ngoại" tăng 25-40% (11/01/2005)
Trọng tâm xúc tiến thương mại: Sau đồ gỗ là nhựa? (10/01/2005)
Tái phát cúm gia cầm, giá thực phẩm lại leo thang? (10/01/2005)
Bắt giữ hàng ngàn sản phẩm đồ chơi bạo lực (06/01/2005)
12 DN may bị cắt hạn ngạch vào Mỹ (06/01/2005)
Xuất khẩu sang Malaysia tăng đột biến (04/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang