(VietNamNet) - Các siêu thị chưa lên nổi kế hoạch tiêu thụ sản phẩm gà cho thị trường Tết, còn các hộ kinh doanh gà nhỏ lẻ tại chợ thì đang trong tình trạng ế ẩm.
|
Các chợ gà đã vắng thưa người hơn. |
Siêu thị: vừa bán vừa nghe ngóng
Trao đổi với VietNamNet, hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều tỏ ra không mấy lạc quan về tình hình tiêu thụ gà trong dịp Tết Nguyên đán này.
Ông Thái Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Seiyu cho biết: ''Đến giờ thì giá gà vẫn chưa có gì thay đổi, chúng tôi có nguồn cung cấp gà Label (trại nuôi gà Thuỵ Phương) khá dồi dào và đảm bảo chất lượng. Cuối tuần vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm cũng đã qua kiểm tra và kết luận tốt về chất lượng hàng tại siêu thị chúng tôi. Họ cũng khuyến khích chúng tôi cung cấp nhiều gà sạch cho thị trường. Tiêu thụ gà tại thời điểm hiện nay của chúng tôi đang tăng mạnh vì tâm lý sợ mua gà tại chợ của người dân. Mỗi ngày, doanh thu tiêu thụ gà của chúng tôi đạt 1,5-2 triệu đồng''.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng e ngại: ''Năm ngoái, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, siêu thị chúng tôi không được phép bán gà. Năm nay, tuy đến giờ, tình hình tiêu thụ chưa có gì thay đổi, nhưng chúng tôi cũng đề phòng khả năng người dân e ngại trước dịch cúm nên kể cả có được bán gà thì lượng gà tiêu thụ cho dịp Tết sẽ giảm. Đấy là chưa nói đến khả năng xấu là dịch cúm bùng phát mạnh tại miền Bắc thì doanh số bán gà của chúng tôi sẽ bằng 0. Đây là điều chưa thể nói trước vì dịch cúm đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng phương án chuẩn bị các thực phẩm thay thế như: thịt lợn, thịt bò, các loại thuỷ hải sản... với nguồn cung rất dồi dào. Đến thời điểm hiện nay, các thực phẩm này vẫn được siêu thị chúng tôi giữ giá mặc dù ngoài thị trường đã tăng giá mạnh. Giá gà sạch tại siêu thị chúng tôi hiện là 60.000 đồng/kg, chỉ nhỉnh hơn giá gà ngoài thị trường đôi chút''.
Còn ông Trịnh Bách Khoa, Trưởng phòng nghiệp vụ kinh doanh 2 của Trung tâm Thương mại Intimex thì nói: ''Mấy ngày vừa qua, do tâm lý sợ mua gà ngoài chợ nên các sản phẩm gà sạch tại siêu thị chúng tôi đã bán rất chạy với doanh số tăng gấp đôi. Tuy nhiên, chúng tôi đang nghe ngóng tình hình vì nếu dịch bùng phát thì các sản phẩm gà sẽ khó mà bán được. Mặt khác, các cơ sở cung cấp gà của chúng tôi hiện vẫn đảm bảo nhưng khó mà có thể nói trước được tình hình''.
Không lạc quan bằng Seiyu và Intimex, chị Nga, phụ trách kinh doanh của siêu thị Fivimart cho biết: ''Do tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên mấy ngày hôm nay chúng tôi đã hạn chế bán gà và cả các sản phẩm chế biến từ gà. Còn về việc cung cấp gà cho dịp Tết thì chúng tôi chưa dám nói trước, nếu diễn biến của dịch xấu đi thì khả năng sẽ ngừng bán gà. Mặc dù đã chuẩn bị các thực phẩm khác thay thế nhưng do gà là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết nên doanh thu của chúng tôi ít nhiều cũng có thể bị ảnh hưởng''.
Người tiêu dùng e ngại - kinh doanh nhỏ lẻ ảnh hưởng
Theo các hộ kinh doanh gà ở các chợ Hàng Da, Hàng Bè, Kim Liên, 19/12... trên địa bàn Hà Nội, mặc dù vẫn còn nhiều người ''mặn mà'' với món thịt gà nhưng lượng tiêu thụ đã giảm do tâm lý bắt đầu e ngại của người tiêu dùng. Các quầy bán gà, vịt cũng như các loại trứng gia cầm đã vắng thưa bóng người mua hơn. Giá gà tươi sống trên thị trường thậm chí đã giảm chút ít. Theo một hộ kinh doanh tại chợ 19/12, giá gà ta chưa mổ hiện là 45.000 đồng/kg, còn giá gà đã làm sẵn là 52.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tình hình này chỉ là tạm thời, các hộ kinh doanh cho rằng, thời gian tới, nếu việc kiểm dịch được duy trì hiệu quả, dịch cúm không lây lan rộng thì giá gà sẽ không giảm mà tăng mạnh.
Do phần lớn gia cầm tiêu thụ ở Hà Nội là từ các tỉnh lân cận đưa về nên hiện, Hà Nội đã thiết lập cơ chế phối hợp phòng chống dịch với 6 tỉnh lân cận gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo đó, những xe trốn kiểm dịch sẽ được thông báo cho các trạm lân cận để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Mặt khác, theo một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đang tích cực phối hợp với các quận, huyện để quản lý các chốt chợ đầu mối Long Biên, chợ bán buôn gia súc, gia cầm để kiểm tra đầu vào chặt chẽ.
Ông Vũ Vinh Phú, Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thì cho biết: ''Năm nay Hà Nội sẽ tuyệt đối cấm tất cả các hàng gà bán rong trên phố vốn là nguy cơ lớn gieo rắc mầm bệnh rất nhanh và khó kiểm soát. Sắp tới, Sở Thương mại cũng kiến nghị lên thành phố không chăn nuôi, giết mổ gia cầm trên địa bàn Hà Nội''.
|