(VietNamNet) - ''Năm 2005, Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài 4,2-4,5 tỷ USD. Một con số khiêm tốn - bằng hoặc tăng nhẹ so với năm 2004''. Bộ KH&ĐT đã cho biết như vậy trong buổi họp báo sáng 20/1 về ''Tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2004 và dự báo 2005''.
|
Việt Nam sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nhà ĐTNN vào sản xuất nguyên phụ liệu. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Lý giải cho mục tiêu khiêm tốn trên, Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt cho rằng: ''Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang là một cuộc cạnh tranh rất mạnh trên thế giới. Trung Quốc vẫn là đối tác thu hút ĐTNN mạnh với lợi thế thị trường tiêu thụ lớn, chính sách thông thoáng, hấp dẫn.
Trong thị trường ASEAN với lộ trình hội nhập AFTA, nhà ĐTNN sẽ chọn một địa điểm nào thuận lợi nhất để đầu tư và xuất khẩu sang các nước xung quanh. Kể cả môi trường pháp lý, ưu đãi kinh doanh thì Việt Nam đều kém lợi thế hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Khó khăn nữa là khó có thể hy vọng đầu tư mới của EU vào VN sẽ tăng mạnh vì với việc EU mở rộng thành 25 nước thì thị trường đầu tư nội khối đã thu hút mạnh nguồn vốn của các nhà đầu tư ở đây''.
Theo ông Đạt, ''Xu hướng chung của thế giới trong những năm tới là vốn ĐTNN không tăng nhanh. Trước đây có năm trên 1.000 tỷ USD/năm nhưng vài năm trở lại đây là khoảng trên 600 tỷ USD/năm. Xu hướng dòng vốn ĐTNN trên thế giới không tăng, lại bị chi phối bởi một số thị trường lớn như vậy nên việc tranh giành trên thị trường nhỏ là rất khó. Vì vậy, chúng tôi dự báo mức tăng của vốn ĐTNN vào Việt Nam năm 2005 vẫn chỉ là khiêm tốn''.
Năm 2004, tổng số vốn ĐTNN cấp mới của Việt Nam đạt 4,22 tỷ USD, trong đó, các DN tăng vốn sản xuất đã thường xuyên hơn, trung bình cứ 10 DN ĐTNN tại Việt Nam thì 1 DN tăng vốn. Điều đó chứng tỏ nhà ĐTNN đã tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐTNN vào Việt Nam mới chủ yếu là gia công, lắp ráp, mục đích của nhà đầu tư là sử dụng lao động Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt cho biết, trong chính sách thu hút đầu tư thời gian tới sẽ đặt vấn đề ưu đãi hơn với đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, công nghiệp phụ trợ.
Mặt khác, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam tỷ trọng đầu tư vẫn còn thấp, đây là lĩnh vực nhạy cảm và Việt Nam chưa mở cửa nhiều. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với đàm phán gia nhập WTO, lĩnh vực này sẽ được mở cửa nhiều hơn. Năm 2005 này, bảo hộ sản xuất trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục được dỡ bỏ. Các nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ thời gian tới nên đặt các ưu tiên: chống tham nhũng, bỏ các loại giấy phép không cần thiết, cải thiện hệ thống thuế, tài chính... và sớm gia nhập WTO.
|