VietNamNet) - Dubai là thị trường trung chuyển hàng hoá lớn thứ ba thế giới, sau Hồng Kông và Singapore. Những năm gần đây, hàng Việt Nam đã xâm nhập nhiều vào thị trường này nhưng theo Cục Xúc tiến Thương mại, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam còn thấp, giá cao và chậm thay đổi theo thị hiếu, quy cách của thị trường Trung Đông.
|
Gạo VN đang xuất mạnh vào Dubai. |
Dubai là một trong 7 tiểu vương quốc của các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). UAE được đánh giá là thị trường kinh doanh an toàn thứ 3 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Tuy chỉ là tiểu vương quốc lớn thứ hai trong UAE nhưng Dubai chiếm 70% hàng nhập khẩu vào UAE và 90% hàng tái xuất từ UAE. Dubai cũng là thị trường trung chuyển lớn thứ ba thế giới, sau Hồng Kông và Singapore. Từ Dubai, hàng hoá nhập khẩu toả đi các nước khu vực Trung Đông, sang cả châu Phi, châu Mỹ...
Mặc dù có nhiều tiềm năng như vậy, nhưng trên thực tế, hàng hoá Việt Nam tại Dubai nói riêng và UAE nói chung còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé (khoảng 0,15% tổng kim ngạch nhập khẩu của UAE) và chưa được nhiều người biết đến. Hơn nữa, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam thấp, giá lại cao và chậm thay đổi theo thị hiếu, quy cách của thị trường này.
Trong khi đó, Dubai là thị trường mở nên môi trường cạnh tranh rất quyết liệt. Hàng hoá từ Trung Quốc, Ấn Độ nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, được thay đổi thường xuyên theo thị hiếu thị trường, lại có giá rẻ. Bên cạnh đó, hàng từ Anh, Mỹ và các nước phương Tây có thương hiệu nổi tiếng, chất lượng cao cũng coi Dubai là nơi tiếp thị bán hàng vào khu vực.
Mặt khác, quan hệ giữa các DN Việt Nam và các bạn hàng ở UAE chưa được thiết lập nhiều và vững chắc. Phong tục, tập quán buôn bán ở Trung Đông có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam và các nước khác, vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ bạn hàng tốt đẹp là điều rất quan trọng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và tránh các sự cố trong thực hiện hợp đồng.
Trong thời gian qua, một số mặt hàng công nghiệp có giá trị lớn của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập được thị trường tại Dubai là vải, pin, ắc quy, giày dép, sản phẩm nhựa, phụ liệu thuốc lá... Ngoài ra, các mặt hàng khác như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, hải sản, rau quả... cũng là những mặt hàng đang gia tăng được giá trị xuất khẩu sang Dubai và có triển vọng sẽ tăng mạnh hơn nữa.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, việc tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Dubai là có thể thực hiện được. Trước hết, cần tìm hiểu thị trường, tìm ra các mẫu mã hợp thị hiếu Dubai và Trung Đông, xây dựng được các bạn hàng tin cậy.
Sở dĩ Trung Quốc dành được thị phần lớn tại Dubai là do họ làm được các mẫu hàng đúng thị hiếu của thị trường này. Nhiều khi hàng Việt Nam không đáp ứng được thị hiếu và tiến độ giao hàng. Việc mạnh dạn đầu tư sản xuất công nghiệp cho xuất khẩu là điều hết sức cần thiết nhằm thay đổi cơ cấu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
|