Bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu được mang tới... tận nơi
17:20' 02/02/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Từ 3 năm trở lại đây, Tổ chức Xúc tiến kiểu dáng công nghiệp Nhật Bản (JIDPO) đã mang G-Mark - giải thưởng mẫu thiết kế đẹp được tới 70% người tiêu dùng Nhật tin tưởng sang Việt Nam giới thiệu. Nhưng các DN Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội xúc tiến xuất khẩu được người Nhật mang tới... tận nơi, chỉ với chi phí tham dự là 100 USD. 

Soạn: AM 262763 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn nghèo nàn về kiểu dáng.

Từ chuyện G-Mark

Giải thưởng mẫu thiết kế đẹp là hệ thống đánh giá và khen thưởng toàn diện duy nhất của ngành thiết kế Nhật Bản. Những sản phẩm đoạt G-Mark có quyền sử dụng nhãn hiệu này và quảng cáo tới khách hàng. Gần 70% dân số Nhật Bản quan tâm đến nhãn hiệu G-Mark.

Tại các thành phố, với tầng lớp dân có thu nhập và trình độ học vấn cao thì tỷ lệ này là gần 100%. Hầu hết giới doanh nhân từ 30 tuổi trở lên ở Nhật đều biết đến giải thưởng này. Người tiêu dùng thích các sản phẩm mang nhãn hiệu G-Mark không chỉ vì kiểu dáng đẹp mà còn vì những sản phẩm này có chất lượng cao và dễ sử dụng. Hơn 40% người tiêu dùng trả lời rằng họ chú ý đến nhãn hiệu G-Mark khi đi mua sắm. 

Có được sự ủng hộ cao từ phía người tiêu dùng như vậy, hầu hết các công ty có sản phẩm đoạt giải đều gắn nhãn hiệu G-Mark vào sản phẩm đó cũng như trong các catalogue như một công cụ xúc tiến bán hàng hiệu quả.

Ông Nguyễn Bảo, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết: ''Nếu được G-Mark có nghĩa là một sự đảm bảo trên thị trường, chi phí về marketing sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền, quảng bá giải thưởng G-Mark từ hơn 1 năm nay, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam tham gia cuộc thi này, tuy nhiên, sự quan tâm của các DN Việt Nam phải nói là chưa lớn. Con số đáng buồn là năm 2004 chỉ có 8 công ty Việt Nam với 23 sản phẩm tham gia cuộc thi này. Tuy nhiên, kết quả rất khả quan, có tới 6 công ty Việt Nam đã được trao giải G-Mark''. 

Đến chuyện tìm ''gu'' của thị trường xuất khẩu

Vừa qua, G-Mark đã trao giải cho 3 DN miền Bắc là hộp trà nhiều ngăn của Công ty Sun&Moon, bộ giá đỡ và cốc thuỷ tinh nhỏ trồng hoa của Công ty Đồ dùng gia đình và Trang trí Hà Nội, hộp vỏ gối của Công ty Craft Collection. Những tác phẩm này có đặc điểm là rất đơn giản nhưng tinh tế, nhỏ bé, xinh xắn và tiện dụng.

Phạm Kim Mã, Giám đốc Công ty Kima Lacquer Art, chủ nhân của giải thưởng G-Mark năm 2003 cho biết: ''Trên thực tế, sản phẩm năm ngoái đoạt giải của tôi  vô cùng đơn giản, nhưng nó lại rất tiện ích. Đó là một cái khay nhưng không có nghĩa người ta sử dụng xong cái khay đó lại nhét vào gầm bếp. Trong sản phẩm của tôi có một cái móc nhỏ để treo lên tường, khi đó, nó trở thành một vật trang trí cho nhà bếp. Đồng thời thiết kế tiếp một cái giá đựng để họ có thể trưng bày trong phòng khách. Trong không gian chật hẹp của người dân Nhật, đây là điều cực kỳ có ý nghĩa''. 

Ông Mã nói: ''Tôi cũng không hy vọng qua G-Mark để đưa kênh tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi lớn hơn mà cái được khẳng định về chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để không những thị trường Nhật mà thị trường nước khác cũng chấp nhận. Sau khi tham gia G-Mark tôi nhận được một số đơn hàng của một số tổ chức của Nhật, tiếp đó, tôi nhận tiếp được một số đơn hàng của Mỹ, của Australia, của Anh''.

Còn ông Phan Minh, Giám đốc Công ty Sun&Moon (paper craft) thì cho biết: ''Tham gia giải thưởng này trước hết tôi muốn khảo sát thị hiếu của thị trường Nhật, muốn thử nghiệm xem sản phẩm của chúng tôi tại thị trường Nhật được người dân đánh giá như thế nào''. 

Và nghịch lý khi cơ hội bị bỏ lỡ

Soạn: AM 262765 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hộp trà đoạt giải của Sun&Moon.

Và trong khi thị trường thế giới đã quá bão hoà với những sản phẩm giá rẻ thì hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam lại đang lâm vào một căn bệnh trầm kha là thiếu nhà thiết kế, thiếu vắng những mẫu mã riêng, độc đáo. Khảo sát thực tế sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại các tỉnh phía Bắc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hai khâu yếu nhất là thông tin thị trường và kiểu dáng.

Với nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có (nguyên liệu phụ nhập khẩu chỉ chiếm 3 – 5% giá trị), vì vậy giá trị thực thu từ xuất khẩu mặt hàng này rất cao. Các chuyên gia đã tính toán, nếu chúng ta tăng 1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tương đương với tăng 4,7 triệu USD hàng dệt may.

Một DN đoạt giải đã đưa ra kinh nghiệm ''Nhà thiết kế ở đây cần phải thâm nhập thị trường để biết họ cần gì, không phải là mình cần bán gì. Ngoài thâm nhập thị trường phải đến tận nhà người ta để xem người ta có ưa chuộng không, có tiện ích không, phải biết nhìn nhận các sản phẩm khác để so sánh với sản phẩm của mình, để từ đó mình nghĩ ra một design mang tính tiện ích''. 

Tuy nhiên, để làm được như vậy thì điều mà DN Việt Nam thiếu hiện nay lại chính là tiền, kể cả chi phí mua các mẫu thiết kế lẫn chi phí khảo sát thị trường. Có điều bất hợp lý là người Nhật đã mang cơ hội xâm nhập thị trường nước họ đến tận nơi cho các DN Việt Nam và chi phí chỉ mất có 100USD nhưng DN Việt Nam lại đang bỏ lỡ. 

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Miễn nhiều loại thuế cho Khu kinh tế Mộc Bài (02/02/2005)
Đà Nẵng: Đưa ra thị trường gà “sạch” đã bảo hiểm (02/02/2005)
Thực phẩm kém chất lượng tràn ngập thị trường (02/02/2005)
TP.HCM tiếp tục hỗ trợ Việt kiều (01/02/2005)
Dệt may VN bị kiểm soát khi vào Thổ Nhĩ Kỳ (01/02/2005)
Bánh chưng, thịt nguội, mâm ngũ quả: Ở đâu ngon? (01/02/2005)
Các mặt hàng Tết đang tăng giá chóng mặt (28/01/2005)
VN tụt 7 bậc trong nhóm nước đang phát triển (28/01/2005)
Mua gà cúng Tết ở đâu? (27/01/2005)
Hàng VN chưa bắt kịp thị hiếu Dubai (25/01/2005)
Phát hiện tem nhập khẩu giả lưu thông trên thị trường (24/01/2005)
Trao giải Rồng vàng cho 41 doanh nghiệp FDI (24/01/2005)
DN phải cung cấp thông tin để kiểm soát giá cả (24/01/2005)
Philip Moris tài trợ dự án chữ thập đỏ Đà Nẵng (22/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang