Nghịch lý của hệ thống tiêu chuẩn thực phẩm VN
14:49' 06/02/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong 799 tiêu chuẩn về nông sản, thực phẩm thì có tới 191 tiêu chuẩn xây dựng từ trước những năm 1990, trong đó, có không ít tiêu chuẩn có tuổi là trên... 1/3 thế kỷ. Ông Nguyễn Văn Xuân, chuyên gia thuộc Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã cho biết như vậy.

Chính vì sự bất cập này mà hiện nay, nhiều DN thực phẩm cứ ''thoải mái'' mà ghi lên nhãn hàng hoá các số liệu khác xa với thực tế sản xuất của họ. Còn người tiêu dùng thì hàng ngày cứ luôn luôn sống trong thắc mắc: ''sao quả cam Trung Quốc này đỏ thế, quả trứng Trung Quốc này to thế?'' mà không biết hỏi ai cho ra nhẽ. 

Soạn: AM 260095 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhiều loại quả Trung Quốc có màu sắc rất bắt mắt.

Khi tiêu chuẩn quá lạc hậu

Thông thường, tiêu chuẩn sau khoảng 5-6 năm phải được soát xét, sửa đổi để phù hợp với thực tế sản xuất và tiêu dùng nhưng hiện nay, các TCVN nói chung và các TCVN về nông sản thực phẩm nói riêng chưa được cập nhật theo yêu cầu sản xuất và quản lý. 

Ông Nguyễn Văn Xuân cho biết, điều đáng nói là trong hệ thống TCVN liên quan đến nông nghiệp, nông sản và thực phẩm gồm 799 tiêu chuẩn hầu hết được xây dựng trên cơ sở thực tế sản xuất của nước ta và chủ yếu tham khảo các tiêu chuẩn Hội đồng tương trợ kinh tế các nước Xã hội Chủ nghĩa. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ, điều kiện kinh tế xã hội còn thấp, tính chất tiêu chuẩn là bắt buộc áp dụng nên thường quy định ở mức để hầu hết các DN đều có thể áp dụng được, do đó, trình độ tiêu chuẩn thường chỉ ở mức trung bình hoặc trên trung bình thời đó. 

Với các tiêu chuẩn ban hành trước năm 1994, hầu hết các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đều ghi: ''theo quy định của Bộ Y tế'' nhưng trên thực tế, các quy định này gần như không có hoặc có nhưng không đầy đủ, trừ một số tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Do yêu cầu của khách hàng nên  đã đưa các quy định liên quan đến yêu cầu an toàn vệ sinh, tuy nhiên, thường cũng chỉ có các quy định về kim loại nặng, vi sinh vật. Các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, dư lượng thuốc thú y đều không có. Hiện nay, do vấn đề lịch sử, các tiêu chuẩn này vẫn tồn tại trong danh mục TCVN, thậm chí chỉ có trong hồ sơ nhưng văn bản tiêu chuẩn cũng không còn, mặc dù thực tế sản xuất, yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú đa dạng, nhưng tiêu chuẩn vẫn như cách đây 15, 20 năm về trước.

Với cách làm như hiện nay, có thể nói hệ thống TCVN về thực phẩm sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, bởi vì, với tốc độ xây dựng tiêu chuẩn như hiện nay, bình quân mỗi năm xây dựng/soát xét 20-30 tiêu chuẩn thì với 799 tiêu chuẩn phải mất 20-30 năm mới soát xét xong. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận thì thông thường sau khoảng 5 năm phải được soát xét lại nhưng TCVN vẫn theo phiên bản cũ nên không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất. 

Người tiêu dùng lạc lối

Thị trường Tết trong những ngày này đã trở nên vô cùng sôi động và điều dễ nhận thấy là các loại bánh, mứt, hoa quả chưa rõ nguồn gốc đang tràn ngập. Một chủ hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết: ''các loại mứt trái cây nhập từ Trung Quốc có ưu điểm đặc biệt nổi bật về màu sắc, mứt lại khô và giá rẻ nên thuyết phục được người tiêu dùng''. Nhiều mặt hàng rau, củ khô hay muối chua cũng trong tình trạng tương tự. Đối với các loại hoa quả, trong những ngày này, hoa quả Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai rất đa dạng bao gồm hồng, quýt, cam, lựu, nho, táo, dưa gang, dưa quả ruột vàng, dâu tây... tất cả đều rất bắt mắt. 

Trong khi đó, Bộ Y tế đã có quy định danh mục phụ gia được phép sử dụng và mức tối đa cho phép đối với một số thực phẩm, nhưng chưa có các quy định kỹ thuật cho từng loại phụ gia và các phương pháp tương ứng, vì vậy, nếu cần kiểm tra đánh giá việc thực hiện theo các quy định này thì vẫn chưa thể thực hiện được. 

Ông Nguyễn Văn Xuân cũng tiết lộ: ''Do chưa có chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, thực tế hiện nay là các DN đều có tiêu chuẩn cơ sở, đều thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng nhưng họ có thực hiện các tiêu chuẩn đó hay không thì các cơ quan quản lý hoàn toàn không biết hoặc biết không đáng kể, thậm chí thực hiện không đúng với tiêu chuẩn đã công bố cũng không sao. Điều này được thể hiện qua các sản phẩm tham gia triển lãm, hội chợ. Nhiều sản phẩm với các kết quả phân tích thử nghiệm khác với tiêu chuẩn đã công bố, thậm chí các số liệu ghi trên nhãn cũng khác xa so với tiêu chuẩn''.

  • PT
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ có thương hiệu ''Du lịch Lào Cai'' (04/02/2005)
Tiêu dùng Tết, hàng nội thắng lớn (04/02/2005)
Tìm biểu trưng cho hàng VN ra thế giới (03/02/2005)
Bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu được mang tới... tận nơi (02/02/2005)
Miễn nhiều loại thuế cho Khu kinh tế Mộc Bài (02/02/2005)
Đà Nẵng: Đưa ra thị trường gà “sạch” đã bảo hiểm (02/02/2005)
Thực phẩm kém chất lượng tràn ngập thị trường (02/02/2005)
TP.HCM tiếp tục hỗ trợ Việt kiều (01/02/2005)
Dệt may VN bị kiểm soát khi vào Thổ Nhĩ Kỳ (01/02/2005)
Bánh chưng, thịt nguội, mâm ngũ quả: Ở đâu ngon? (01/02/2005)
Các mặt hàng Tết đang tăng giá chóng mặt (28/01/2005)
VN tụt 7 bậc trong nhóm nước đang phát triển (28/01/2005)
Mua gà cúng Tết ở đâu? (27/01/2005)
Hàng VN chưa bắt kịp thị hiếu Dubai (25/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang