(VietNamNet) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiến hành nghiên cứu rà soát những khác biệt và bất hợp lý của trên 800 văn bản liên quan đến hoạt động DN.
|
DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh. |
Các văn bản này gồm 4 lĩnh vực: những khác biệt bất hợp lý trong thành lập, quản trị DN (theo Luật DN, Luật DNNN và Luật Đầu tư nước ngoài); những quy định bất hợp lí giữa các DN thuộc thành phần kinh tế khác nhau trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí; lĩnh vực tín dụng DN; lĩnh vực đất đai.
Bản báo cáo này đã cho thấy rất nhiều điểm bất hợp lý vẫn còn tồn tại trong các văn bản pháp luật làm ''trói chân'' DN, đặc biệt là những quy định mang tính chất phân biệt đối xử giữa DN trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Những quy định can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của DN cũng là một cản trở về pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của cả DN và nền kinh tế.
Cụ thể, ngay trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, có thể tìm thấy quy định về giấy phép trong rất nhiều loại văn bản pháp luật, từ những văn bản có giá trị pháp lý cao như luật, pháp lệnh, nghị định đến những văn bản thấp hơn như thông tư, quyết định, quy định... Có nhiều trường hợp không quy định thời hạn cấp phép (điều này có thể khiến cơ quan có thẩm quyền kéo dài vô thời hạn việc xem xét yêu cầu cấp phép) làm DN gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của VCCI cho thấy hiện vẫn còn tới 271 loại giấy phép hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.
Kết quả nghiên cứu này sẽ được trao cho Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan để sử dụng trong quá trình xây dựng Luật DN thống nhất và Luật Đầu tư chung.
|