Gia nhập WTO vẫn còn cả chặng đường
18:35' 01/03/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cuối tháng 3 này, Việt Nam sẽ bước vào phiên đàm phán thứ 10 của tiến trình gia nhập WTO. Nhưng trở ngại với Việt Nam còn ngổn ngang phía trước khi nhiều đối tác đưa ra đòi hỏi mở cửa thị trường mạnh mẽ. 

 
Hệ thống phân phối hàng hóa của Việt Nam có thể ''sống sót'' khi các tập đoàn nước ngoài nhảy vào mạnh hơn? Ảnh: Nguyên Vũ.

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 9 phiên đàm phán gia nhập WTO và trả lời trên 2.000 câu hỏi về mở cửa thị trường. Riêng phiên thứ 10 sắp tới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, phía Mỹ đã vừa gửi ''một tập câu hỏi yêu cầu Việt Nam gấp rút trả lời''. Trong buổi nói chuyện với DN sáng 1/3 tại Hà Nội, ông đã thẳng thắn yêu cầu DN: ''Phải sẵn sàng vào cuộc đua sinh tử khi thị trường đang mở ra ghê gớm''.

Đối với đàm phán đa phương, câu hỏi lớn nhất mà các đối tác dành cho Việt Nam là phải cải cách hệ thống luật pháp cho phù hợp với những định chế của WTO. Ông Tuyển cho biết: ''Đến phiên 9, các đối tác vẫn chưa vừa lòng với hệ thống pháp luật của Việt Nam và yêu cầu chúng ta phải hoàn thành trước khi gia nhập WTO. Ví dụ như Thuế tiêu thụ đặc biệt còn phân biệt giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước, giữa thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước... Luật Đầu tư cũng dành nhiều ưu đãi hơn cho DN đầu tư xuất khẩu hay tỷ lệ nội địa hóa cao. Phía Việt Nam muốn có một thời gian quá độ nhưng các đối tác còn chưa nghe''. 

Kết thúc phiên 9, phía Việt Nam đã cam kết: hoàn toàn bỏ trợ cấp xuất khẩu, bỏ cấm nhập khẩu thuốc lá, bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản dưới các hình thức. Chấp nhận những điều kiện của phiên 9 đã làm thay đổi môi trường kinh doanh ghê gớm, chưa kể đến những cam kết sau này. 

Với đàm phán song phương, tại thời điểm này, có 27 nước đòi đàm phán song phương với Việt Nam, trong đó có 6 đối tác đã thỏa thuận xong là: EU, Cuba, Chile, Brazil, Argentina, Singapore. Còn lại 21 nước trong đó có những nước rất khó tính, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Đàm phán với New Zealand vừa qua tuy có tiến bộ nhưng khoảng cách giữa hai phía vẫn còn xa. New Zealand đòi hỏi ngoài các mặt hàng theo Hiệp định tự do Asean - Australia, New Zealand sẽ giảm xuống 0% vào năm 2015, các mặt hàng khác cũng phải giảm thuế xuống 5-10%. Phía Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng bắt đầu có những tín hiệu tích cực nhưng mới chỉ là trên phương diện ngoại giao.

Nỗi lo lắng lớn là thị trường dịch vụ. Dịch vụ sẽ mở cửa rất mạnh, trong 11 ngành và 155 phân ngành dịch vụ thì vừa qua Việt Nam đã cam kết mở tới 10 ngành và 100 phân ngành. Các đối tác nước ngoài đang đòi hỏi mạnh mẽ được vào kinh doanh trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu lương thực, xăng dầu, phân bón, sắt thép, phim ảnh, sách báo, băng đĩa... 

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định: ''Cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên tôi quan niệm bảo hộ thì DN có thể sống được nhưng không bao giờ mạnh, cạnh tranh thì một số DN có thể sẽ chết nhưng các DN sống được thì sẽ mạnh lên''. 

  • Phương Thanh (ghi)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu nhiều, hiệu quả ít (01/03/2005)
Nguy cơ thiếu hụt 50.000 tấn đường (28/02/2005)
Chợ 100% vốn tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động (28/02/2005)
Ngành thương mại trước cơn lốc từ các nhà bán lẻ ngoại (28/02/2005)
Trung tâm sửa chữa nhanh máy tính cho DN (28/02/2005)
2/3: Tham tán thương mại 50 nước gặp gỡ DN (26/02/2005)
Hội chợ chuyên ngành nhựa, cao su và kỹ thuật (24/02/2005)
Rà soát 800 văn bản "trói chân" doanh nghiệp (24/02/2005)
Nhiều dự báo khả quan cho giá lúa gạo 2005 (23/02/2005)
Nhiều cơ hội mới cho giày dép VN vào Mỹ (23/02/2005)
Cuối tuần, đàm phán song phương với New Zealand (22/02/2005)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,5% (21/02/2005)
DN Đài Loan tổ chức Hội chợ việc làm (21/02/2005)
HoREA giúp đỡ nạn nhân 300 triệu đồng (21/02/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang