(VietNamNet) - Nhiều hãng hàng không lớn đã chọn giải pháp mở thêm các hãng giá rẻ, nhưng cũng vì vậy, kinh doanh hàng không của các hãng mẹ đã bị ảnh hưởng.
Nhờ chính sách mở cửa bầu trời của nhiều nước, hàng không giá rẻ đã từ Bắc Mỹ lan rộng sang châu Âu, rồi từ đây sang Úc và châu Á.
|
Ryanair của Ireland là một hãng hàng không giá rẻ đang thành công tại châu Âu. |
Hàng không giá rẻ xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ với sự ra đời của Pacific Southwest Airlines. Hãng bay chuyến đầu tiên vào ngày 6/5/1949 và từ đó đến nay đã hoạt động rất thành công.
Cùng với việc bãi bỏ quy định hạn chế mở đường bay, loại hình hàng không giá rẻ đã lan rộng sang châu Âu. Năm 1991, hãng Ryanair (Ireland) ra đời; rồi EasyJet vào năm 1995. Đến năm 2004, nhiều hãng hàng hàng không giá rẻ cũng đã thi nhau ra đời tại Úc và châu Á.
Hoạt động hiệu quả
Hàng không giá rẻ là mối đe doạ đối với các hãng hàng không truyền thống ngoài châu Á. Chi phí dịch vụ cao đã khiến cho hàng không truyền thống không thể cạnh tranh về giá, yếu tố mà hầu hết khách hàng quan tâm nhất khi chọn hãng hàng không. Từ năm 2001 đến năm 2003, do ảnh hưởng của khủng bố, chiến tranh và dịch SARS, phần lớn các hãng hàng không truyền thống đều bị lỗ nặng trong khi các hãng hàng không giá rẻ vẫn hoạt động hiệu quả và có lãi.
Vì thế, nhiều hãng hàng không lớn đã chọn giải pháp mở thêm các hãng giá rẻ như KLM lập hãng con Buzz, British Airways có Go Fly và United Airlines thì thêm Ted. Nhưng cũng vì vậy kinh doanh hàng không của các hãng mẹ đã bị ảnh hưởng. Hãng giá rẻ Bmibaby của British Midland là một ngoại lệ; hãng hàng không truyền thống này đã thành công trong việc quản lý kinh doanh của cả hãng mẹ lẫn hãng con.
Tại Canada, hãng hàng không từng thống lĩnh thị trường là Air Canada đã không thể cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ như Westjet, Canjet, và Jetsgo. Năm 2003, Air Canada đã được bảo hộ theo luật phá sản, nhưng rồi đến tháng 9/2004 thì được vực dậy. Sau đó, Air Canada đã mở thêm hai hãng hàng không giá rẻ là Tango và Zip nhưng hiện cả hai đều đã ngưng kinh doanh. Riêng Jetsgo ngừng hoạt động vào ngày 11/3/2005.
Ở Phần Lan, sự cạnh tranh lại đi theo chiều hướng khác. Hãng hàng không quốc gia Finnair đã hạ giá vé, buộc đối thủ là hãng giá rẻ Flying Finn phải ngưng hoạt động vì không cạnh tranh nổi.
Qantas Airline (Úc) cũng đã thành lập hai hãng giá rẻ: JetStar phục vụ cho thị trường trong nước, cạnh tranh với một hãng giá rẻ là Virgin Blue; và Australian Airlines bay quốc tế, tới một số nước châu Á.
Còn tại New Zealand, hãng Air New Zealand đã chọn giải pháp mua lại đối thủ cạnh tranh là hãng giá rẻ Freedom Air.
Tăng cạnh tranh
Tại Singapore, ngày 5/5/2004, Valuair, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của đảo quốc này xuất hiện. Để cạnh tranh, hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines đã đầu tư vào một hãng giá rẻ mới. Đó là Tiger Airways, bay chặng Singapore - TP.HCM kể từ ngày 1/4/2005; và chặng Singapore - Hà Nội kể từ 7/4/2005.
Hãng Qantas cũng đã thành lập hãng giá rẻ Jetstar Asia Airways (trụ sở đặt tại Singapore), nhắm vào thị trường châu Á.
Mặc dù, đã liên tục cố gắng xin được hoạt động tại Singapore, nhưng Air Asia(Malaysia) vẫn chưa được Chính phủ Singapore cho phép. Nguyên nhân là hãng này muốn sử dụng sân bay hạng hai của Singapore là Seletar nhằm cắt giảm chi phí dịch vụ.
Khi số lượng các hãng hàng không giá rẻ tăng lên, ngoài việc cạnh tranh với hàng không truyền thống, các hãng này cũng cạnh tranh với nhau quyết liệt không kém. Tại Mỹ, các hãng hàng không giá rẻ đã tăng thêm dịch vụ cho hành khách. Hãng giá rẻ America West Airlines, chẳng hạn, đã bán cả vé hạng nhất, trong khi JetBlue Airways, một hãng giá rẻ khác, thì cho hành khách xem truyền hình vệ tinh trên máy bay.
Còn ở châu Âu, các hãng giá rẻ tiếp tục tập trung vào việc cắt giảm chi phí chứ không tăng dịch vụ. Năm 2004, Ryanair đã loại bỏ các ghế ngồi có thể ngả ra phía sau (cho lợi chỗ), tấm che cửa sổ lẫn... vỏ bọc gối trên đầu ghế trên máy bay. Vì trong năm này, hãng Aer Lingus (cũng của Ireland) đã hạ giá vé và bắt đầu bay vượt Đại Tây Dương với giá rẻ khoảng hơn 100 euro/vé.
|