Dù buổi thứ 2 của Hội thảo kết thúc vào lúc năm giờ chiều thì đại diện trên chục tờ báo đông người đọc tại Việt Nam vẫn có mặt đến tận phút cuối bởi những điều mà các diễn giả của tổ chức Wan đề cập rất thiết thực với những người làm báo. Đó là làm sao để có lợi nhuận cao từ hai nguồn thu chính: quảng cáo và phát hành? Báo khổ lớn hay khổ nhỏ phù hợp hơn? Thiết kế thế nào là đẹp?
|
Quang cảnh Hội thảo. |
"Biên tập và quảng cáo quay lưng với nhau thì đừng mong báo bán chạy"
Đó là cách nói hài hước về mối quan hệ giữa phát hành, quảng cáo và nội dung trong một tờ báo của ông Jim Chisholm, Cố vấn chiến lược - Hiệp hội báo chí thế giới (Wan) diễn giả trình bày sinh động nhất trong phần thảo luận buổi sáng. Ông dẫn dụ một thực tế - mà Việt Nam không phải là ngoại lệ (ý kiến của người viết) - là ở nhiều tờ báo, các phòng ban thường không có sự phối hợp tốt với nhau. Thậm chí, có nơi, còn xảy ra mâu thuẫn giữa bộ phận làm nội dung và người đem lợi nhuận về cho báo. "Ông chủ báo ZORO HORA (Brazin)đã rất thành công nhờ việc thường xuyên chịu khó la cà nói chuyện với cả hai bộ phận nội dung và phát hành. Nhờ đó, hai bộ phận này thường xuyên trao đổi về từng số báo, cùng quyết định đem vấn đề gì ra trang nhất để số báo hấp dẫn nhất", ông nói. Nhiều đại diện báo rất tâm đắc với phân tích này.
Ông Jim Chisholm cũng đưa ra một nhận xét rất thú vị: " 14 tờ báo thành công nhất trên thế giới có lượng độc giả nữ đông hơn nam nhưng vị trí nữ quản lý báo chí lại không nhiều bằng nam giới".
Không cần phải phát hành lớn mới được coi là thành công về tài chính?
Quan điểm này của ông Jim Chisholm khiến những người tham dự hội thảo băn khoăn bởi có lẽ phần đa trong số họ đều mơ ước tờ báo của mình có lượng phát hành lớn nhất. Theo cách giải thích của ông Jim, tiền thu từ quảng cáo mới là nguồn thu bền vững bởi chi phí cho phát hành đôi khi lớn hơn cả lợi nhuận. Đó là chưa kể đến những biến động khác ảnh hưởng đến số lượng phát hành thì chi phí để giải quyết báo ế (phí chuyên chở báo ế về kho hoặc phân huỷ) là vô cùng tốn kém. Và cách tính lợi nhuận của quảng cáo là: chia doanh số quảng cáo cho số lượng phát hành.
Chia sẻ cách nghĩ của PGS-TS Vũ Duy Thông, Phó Tổng biên tập website Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng mỗi nước có một đặc thù báo chí riêng và không phải kinh nghiệm nào của các diễn giả cũng có thể áp dụng được ở Việt Nam, nhiều đại diện báo đã thẳng thắn nêu lên những băn khoăn của mình. Ông Đức Quang, TTKTS báo Sài Gòn giải phóng khẳng định: " Tăng số lượng phát hành là sự sống còn của tờ báo, như thế bản báo mới có thể tự lập về mặt tài chính".
Tuy nhiên, ông Jim Chisholm cũng khẳng định: " Những tờ báo thành công rất coi trọng tiếp thị, quảng cáo, bán báo".
Theo ông, muốn thành công về mặt tài chính trong báo chí thì hiểu biết về đối tượng người đọc của bản báo là quan trọng nhất. Hiển nhiên, ông chủ báo phải xác định rõ khách hàng mục tiêu của mình là nhóm người nào. Ông cũng cảnh báo: "Quy mô của tờ báo cồng kềnh thì càng khó thích ứng với những thay đổi của thị trường".
Thay đổi kích cỡ báo, làm thế nào để độc giả khỏi "sốc"?
Trình bày của ông Eamonn Byrne, Phó Tổng giám đốc Wan với tiêu đề "Chuyển đổi hình thức - Sự chuyển đổi từ báo khổ lớn đến báo khổ nhỏ và một số vấn đề đặt ra" đã phản ánh đúng thực trạng của báo chí thế giới hiện nay: sự thay đổi khổ báo đế thích ứng với nhu cầu của người đọc. Người đọc thời nay di chuyển nhiều và có quá nhiều phương tiện chọn lựa, họ đòi hỏi kích cỡ báo gọn nhẹ hơn. Vì thế, nhiều tờ báo đã phải thay đổi kích cỡ truyền thống của mình. Nhưng vấn đề đặt ra là: Sẽ có một tỷ lệ bạn đọc trung thành không dễ chấp nhận sự thay đổi này? Các ông chủ báo phải làm thế nào để họ khỏi bị sốc vì sự thay đổi đó? Ông Eamonn Byrne đã khuyêó cáo các chủ báo phải trải qua 10 "bước" trước khi quyết định thay đổi khổ báo.
" Đã bao giờ chúng ta tham khảo ý kiến của các khách hàng quảng cáo trước khi thay đổi khổ báo? Nếu các vị ở đây không làm điều đó thì cũng không nên coi là mình đơn độc bởi nhiều chủ báo trên thế giới cũng đã "lờ" thủ tục này. Nhưng theo tôi, đó là cách không nên. Nên tăng cường quảng cáo lặp lại khi thu nhỏ khổ báo để khách hàng không bị thiệt chứ không nên giảm giá. Phải thông báo sự thay đổi khổ báo cho cả những người phát hành...". Ông Eamonn Byrne nói.
Vẫn ông Đức Quang, báo Sài gòn Giải phóng có ý kiến ngược lại: "Khi chúng ta đã có bạn đọc ổn định rồi thì có nhất thiết phải thay đổi nội dung, hình thức của tờ báo?"
Thiết kế càng đơn giản, người đọc càng thích!
Theo số liệu của thị trường báo chí toàn cầu do Wan tiến hành khảo sát, châu Á hiện đang là thị trường báo chí quan trọng và phát triển rất nhanh, tuy vẫn đứng ở vị trí thứ ba trên thế giới nhưng đã chiếm đến 25% thu nhập của thị trường báo chí toàn cầu. So với lượng phát hành báo chí ở Tây Âu ngày càng giảm(6%) thì lượng phát hành tại Trung Quốc và Ấn Độ lại tăng trưởng với tốc độ chóng mặt với 35,69% và 23,21% trong vòng năm năm qua. Điều này chứng tỏ, phát hành báo chí tại châu Á vẫn phát triển bền vững trong năm 2004 và ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn.
(Ông Timothy Balding, Tổng giám đốc Hiệp hội báo chí thế giới Wan)
|
Sau phần chia sẻ kinh nghiệm của mình về cách đặt tên báo, về cách tạo ấn tượng ban đầu cho tờ báo của mình, một ấn phẩm "sinh sau đẻ muộn", ông Trần Quang Quý, Tổng biên tập Gia đình Xã hội nêu một số câu hỏi về cách thiết kế sao cho hấp dẫn, đưa dạng bài gì lên Top thì dễ tạo ấn tượng...?
Ông Jim Chisholm đã giới thiệu với hội thảo những cách thiết kế báo đang phổ biến hiện nay trên thế giới.Những mô hình này hiện cũng đang được các tờ báo thành công ở Việt Nam sử dụng. Ông ta khẳng định: " Thiết kế càng đơn giản, người đọc càng thích. Trình bày để người đọc dễ hiểu nhất là cách thành công nhất". Và ông hài hước: " Nếu hoạ sĩ thiết kế nào mà không đòi "Giấy trắng mực đen" thì chủ báo nên sa thải".
Ngày đầu tiên của Hội thảo "Quản trị kinh doanh báo chí" đã diễn ra theo tinh thần của một hội thảo khoa học. Điều thú vị là cả diễn giả và người nghe đã gặp nhau ở một điểm quan tâm lớn nhất: "Làm thế nào để kinh doanh báo có lãi?".
Sáng mai Hội thảo tiếp tục buổi cuối cùng với chủ đề: Ý tưởng và bí quyết để thành công và thu được lợi nhuận trong ngành xuất bản số".
|