Hàng xáo thời hiện đại
10:38' 20/06/2005 (GMT+7)

Ðã xa rồi cái thời người Hà Nội dậy từ 4, 5h sáng, tay cầm quyển sổ gạo đi xếp hàng mua theo tiêu chuẩn tại các cửa hàng lương thực. Giờ đây, gạo ngon thế nào cũng có, được đưa đến tận nhà hoặc mang về từ các siêu thị lớn. Và, vì sự mở rộng của thị trường bán lẻ vô cùng lớn nên những cô hàng xáo (tên các cô bán gạo ngày xưa) thời hiện đại không còn cái sàng, cái sảy,... như xưa nữa mà thay vào đó là điện thoại di động.

Gạo len vào từng ngõ, xóm...

Soạn: AM -59623 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh minh họa

Ðể cạnh tranh nhau, các cô hàng xáo ngày nay đã và đang len lỏi vào từng ngõ, ngách với hy vọng lượng gạo bán được ngày càng nhiều, tạo được uy tín với khách. Giờ đây, khi hết gạo, người tiêu dùng nếu không thích hoặc không có thời gian có thể ới một tiếng, phôn một cú, là gạo vào đến tận nhà, đổ vào tận thùng. Mỗi ngõ, xóm có khoảng trăm gia đình thường có ít nhất vài cô hàng xáo.

 

Vì giá gạo tương đối ổn định nên sự cạnh tranh này chủ yếu nhằm vào thị hiếu của từng gia đình về loại gạo, gạo có sạch không và phục vụ chu đáo như thế nào. Chị Vân, một người bán gạo lẻ trong một ngõ nhỏ ở phố Bạch Mai cho biết, là một người như thế. Buổi sáng, dù phải đạp xe mấy cây số, chị vẫn lặc lè chở theo hàng tạ gạo đủ các loại. Ngon thì có tám thơm Hải Hậu (khoảng 7.200đ/kg), tám Thái Lan (8.500đ/kg), tám thơm Long An (7.500đ/kg), gạo Ri Hương (6.500đ/kg),... trung bình thì có xi dẻo (4.600đ/kg), Mai Hương (4.300đ/kg), Y xốp (4.900đ/kg), Khang Dân (4.100đ/kg),... Rồi không chỉ có gạo tẻ ăn hàng ngày, chị còn chở theo vài chục cân nếp cái Hoa Vàng (8.000đ/kg) để phục vụ dân sành ăn, nếp Lào (6.500đ/kg) cho người bán sôi sáng,...

 

Không chỉ có vậy, ai ới một tiếng, chị xăm xắn mang vào tận nhà, vui vẻ đổ vào tận thùng cho khách. Chị còn biết rõ gia đình nào thích ăn gạo khô, ai thích gạo dẻo, ai thích trộn theo tỷ lệ bao nhiêu, rồi tư vấn cho khách nên ăn gạo gì, trộn như thế nào... Nhưng vì cái ngõ nhỏ đó không chỉ có mình chị mà còn 4, 5 hàng xáo khác nên số lượng gạo bán được hàng ngày cũng chẳng lấy gì làm nhiều cho lắm.

 

Chị Vân tâm sự: "Mỗi ngày, trung bình em bán được khoảng trên một tạ. Ngày nào nhiều nhất cũng được tạ rưỡi, lãi cũng chỉ mười lăm, hai mươi nghìn. Nhưng vì rất nhiều người bán mà người mua chỉ có hạn nên nhiều lúc mệt mà em chẳng dám nghỉ. Nếu nghỉ, khách ra gọi gạo không có, họ lại lấy của người khác thì mất khách. Vì thế, sinh con chưa đầy tháng, em đã phải đi bán hàng vì sợ mất hết khách. Con đành để ở nhà cho bà và chồng nuôi. Em phải đi từ sáng đến tối". Thậm chí, mỗi khi có việc cần kíp phải nghỉ, chị còn đưa cả số điện thoại của mình cho khách để gọi và yêu cầu chồng chở gạo đến tận nhà cho người mua. Ðúng là hàng xáo thời hiện đại.

... và gạo trong siêu thị

Khi "nền công nghệ siêu thị" phát triển mạnh và nhu cầu thích mua sắm ở các siêu thị ngày càng trở nên phổ biến thì gạo cũng trở thành một mặt hàng được bán rộng rãi trong ấy. Và cũng chính vì thế, gạo được "tân trang" và "mặc áo" cho đẹp hơn, sang hơn nhằm xứng với cái tên "gạo siêu thị". Gạo được bán tại các siêu thị cũng có đủ loại, từ loại đắt nhất đến dạng tầm tầm cho giới công chức. Song, chính vì cái nhãn mác "gạo siêu thị" ấy mà giá thành thường cao hơn đôi chút so với gạo "hàng xáo".

 

Dạo qua các siêu thị lớn, các bao gạo ni lon loại 1kg, 2kg, 5kg và 10kg được xếp ngay ngắn trên các kệ với các thương hiệu lớn như gạo tám thơm Hải Hậu, gạo Bắc Hương, Di Hương, ... và dĩ nhiên cái giá được dán cũng phải "cao cao" một chút. Thông thường, tám thơm Hải Hậu được bán lẻ ở siêu thị cũng phải trên 8.000đ/kg. Các loại khác như tám Thái Lan từ 9.000đ đến 10.000đ/kg, thơm Long An trên 8.000đ/kg,... Nhưng "đắt xắt ra miếng" bởi theo một nhân viên bán hàng ở siêu thị thì "đảm bảo 100% là thơm Hải Hậu hay thơm Long An bởi được in thương hiệu trên bao bì".

(Theo Kinh tế Đô thị)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cấp visa tự động cho hai cat hàng dệt may (20/06/2005)
Mở toang cánh cửa thị trường bán lẻ (18/06/2005)
Hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được giá (18/06/2005)
Khởi công Nhà máy Xi măng Cẩm Phả (18/06/2005)
Giá vàng tăng 13.000 đồng/chỉ (18/06/2005)
Xuất khẩu sang Mỹ: thuỷ sản xuống, đồ gỗ lên ngôi (18/06/2005)
Pakistan mua trên 5.000 tấn chè Thái Nguyên/năm (17/06/2005)
Thời của các thương hiệu thời trang nội (17/06/2005)
TP.HCM: nhà đất sẽ tiếp tục giảm giá (17/06/2005)
Quota: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra... (17/06/2005)
Giá vàng tăng 40.000-50.000 đồng/lượng (17/06/2005)
Trái cây nội tái chinh phục thị trường TP.HCM (16/06/2005)
Chiến tranh thương hiệu (16/06/2005)
Giá thép tiếp tục hạ (16/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang