Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Tiến Sâm, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, quan điểm của Bộ GT-VT là mọi cá nhân, tổ chức đều được tạo điều kiện bình đẳng tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Và khi hàng không tư nhân xuất hiện ở Việt Nam, nhà nước sẽ không quy định “giá trần” hay “giá sàn”. Giá vé trên các đường bay sẽ do các hãng hàng không tự quyết định.
Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kinh doanh hàng không
|
Hàng không tư nhân ra đời sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá? |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình đã chính thức thông báo: Công ty Đầu tư tài chính Temasek Holdings Ltd. (Singapore) sẽ đầu tư 50 triệu USD vào Hãng hàng không Pacific Airlines để sở hữu 30% cổ phần của hãng này. “Thị trường hàng không ở Việt Nam sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới khi có một công ty cổ phần hàng không đúng nghĩa” – Bộ trưởng Đào Đình Bình dự báo.
Hiện nay, Việt Nam có 3 hãng hàng không nhưng thực chất là “3 trong 1”. Dù Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) không còn giữ cổ phần chi phối trong Pacific Airlines, nhưng Bộ Tài chính vẫn thay mặt nhà nước nắm quyền quyết định trong HĐQT. Còn Công ty bay dịch vụ VASCO là doanh nghiệp hạch toán trực thuộc Vietnam Airlines.
Ngoài việc Pacific Airlines sắp trở thành một “công ty cổ phần hàng không đúng nghĩa”, theo Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm, Bộ GT-VT đang đề nghị Chính phủ cho thành lập thêm vài ba hãng hàng không nữa. “Một đảo quốc nhỏ như Singapore còn có 3 - 4 hãng, Thái Lan có 10 hãng, Phillipines 9 hãng. Việt Nam với hơn 80 triệu dân, việc có thêm 3 - 4 hãng hàng không nữa là điều tất yếu” - ông Nguyễn Tiến Sâm nói.
Trên thực tế, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1991 cũng đã cho phép tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia hoạt động hàng không nếu đáp ứng một số điều kiện. Theo Bộ trưởng Đào Đình Bình, quy định này còn được cụ thể hóa hơn nữa trong Dự án Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi), chuẩn bị được Bộ GT-VT trình lên Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Đình Bình cũng cho biết, Chính phủ dự kiến dành thời gian 3 năm để củng cố và phát triển Pacific Airlines. Sau đó, “sẽ cho ra đời một vài hãng hàng không khác”. Như vậy, rõ ràng là cần phải có thêm thời gian cho các hãng hàng không tư nhân ra đời. Hơn nữa, theo Cục Hàng không Việt Nam thì trong số 5-6 đề án đã nộp xin thành lập hãng hàng không tư nhân, hầu hết đều không khả thi.
Không còn độc quyền: giá vé sẽ giảm?
Dù chưa thành hiện thực, nhưng với tuyên bố của lãnh đạo ngành GT-VT, việc thành lập các hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra khi thị trường hàng không Việt Nam không còn yếu tố độc quyền?
“Sau này, nhà nước sẽ không đưa ra giá trần hay giá sàn. Giá vé trên các đường bay sẽ do các hãng hàng không tự quyết định” - Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm cho biết. Hiện nay, nhà nước vẫn quy định giá trần trên các đường bay nội địa. Giá vé của Vietnam Airlines đưa ra vẫn luôn “đụng trần”, nhất là ở các tuyến tiềm năng nhất như Hà Nội - TPHCM. Việc giảm giá nếu có chỉ là thông qua các hình thức khuyến mại có thời hạn. Còn Pacific Airlines mới đây cũng chỉ mới bắt đầu bán vé thấp hơn giá quy định từ 50.000 tới 100.000 đồng tùy thời điểm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, 3 hàng hàng không của Việt Nam hiện nay vẫn đang chia sẻ “miếng bánh” thị phần chung trong những khuôn khổ nhất định về giá vé, đường bay, tần suất, giờ cất hạ cánh… với ưu thế nghiêng hẳn về Vietnam Airlines. Rõ ràng, việc chia thị phần chưa thật sự bức xúc khi cả 3 hãng vẫn là “3 trong 1”.
Nhưng khi thế cân bằng này bị phá vỡ thì mọi việc sẽ khác. Khi xuất hiện các hãng hàng không tư nhân, hoặc tỷ lệ phần trăm cổ phần cho các công ty nước ngoài trong các hãng hàng không vượt ngưỡng 30% hiện nay thì “cuộc chiến” tranh giành thị phần sẽ thực sự bắt đầu.
(Theo SGGP) |