Giá xăng dầu sẽ tăng khi áp dụng biên độ giá
02:03' 30/06/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chính phủ có thể sẽ cho phép các doanh nghiệp căn cứ vào giá xăng dầu định hướng hiện tại để mở biên độ 10% với xăng và 5% với giá dầu.

 

Trước việc giá xăng dầu thế giới dao động ở mức 60 USD/thùng trong gần 1 tuần qua, Bộ Tài chính hôm qua đã có cuộc họp kín. Cuộc họp có bàn đến việc điều hành giá xăng dầu trong nước.

 

Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này tuy chưa trình lên Chính phủ phương án điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng trong dự tính, nếu giá xăng thế giới tiếp tục giữ mức cao (trên dưới 60 USD/thùng) trong vòng 30 ngày trở lên thì có thể sẽ áp dụng Quyết định 178 của Chính phủ.
 

Mở dần biên độ?

 

Theo Quyết định 178 của Chính phủ ban hành năm 2004 về cơ chế kinh doanh xăng dầu, hàng năm, Bộ Tài chính và Thương mại sẽ lập giá bán định hướng cho xăng dầu. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp được điều chỉnh giá trong biên độ trên dưới 10% với xăng (nếu giá quy định là 8.000 đ/1lít thì có thể điều chỉnh lên 8.800 đ/1lít) và 5% với các loại dầu khác.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Quyết định 178 ra đời, tình hình xăng dầu thế giới cuối năm 2004 và đầu năm 2005 luôn ở mức cao. Chính phủ thời gian qua vẫn chưa áp dụng cái gọi là "biên độ" mà giá xăng dầu nội địa vẫn được chỉ định ở mức giá bán.

Quan chức trên cho rằng, nếu giá nhập xăng dầu tiếp tục tăng và các doanh nghiệp lỗ nhiều quá thì khả năng lớn nhất là Bộ Tài chính và Thương mại sẽ phải tính đến giải pháp mở biên độ. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục phó Cục quản lý giá, Bộ Tài chính - không phủ nhận thông tin trên. Ông cũng cho rằng, theo Quyết định 178 thì mức độ mở tối đa cho doanh nghiệp là 10%, nhưng chưa chắc Bộ Tài chính sẽ áp dụng ngay mức này và có thể theo một lộ trình từ thấp đến cao.

Soạn: AM 463115 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giá xăng bán lẻ trong nước sẽ tăng nếu giá thế giới không giảm.

Trao đổi với VietNamNet, thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung cũng thừa nhận rằng biện pháp hỗ trợ của Chính phủ với xăng dầu đã "kịch kim": thuế đã hạ hết, lỗ vẫn đang bù, trong khi tình trạng xăng dầu xuất lậu quá mạnh, không thể kiểm soát (do giá xăng dầu tại Việt Nam đang thấp nhất so với các nước trong khu vực).

Theo Bộ Tài chính, giá xăng tại Việt Nam hiện nay bán 8.000 đồng/lít. Giá tương tự ở Campuchia là 10.300 đồng/lít, Singapore 13.787 đồng/lít, Ấn Độ 13.634 đồng/lít. Nếu Việt Nam để thả nổi giá thì giá xăng sẽ tăng từ 9.000 đồng/lít đến 10.000 đồng/lít. Còn giá dầu nội địa chỉ bằng 60%-70% mức giá của các nước trong khu vực.

Theo ông Thoả, giá dầu thế giới chỉ mới vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong những ngày gần đây và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi mới có thể ra quyết định cuối cùng.

Có nên áp dụng biên độ?

Nhận định về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp đang chiếm 60% thị phần xăng dầu tại Việt Nam - cho rằng, khó áp dụng giá biên độ. Nếu áp biên độ thì giá xăng sẽ tăng, nhưng với mặt hàng diezel và xăng thì kể cả hết biên độ cũng chưa hết lỗ. Khi nó chưa đạt được mức độ hoà vốn hoặc có lợi nhuận thì mức độ biên độ người ta sẽ sử dụng hết. Và sau đó, vẫn là sức ép tăng giá xăng dầu treo lơ lửng trên đầu.

"Hội nhập giá xăng dầu", điều tất yếu

Chính phủ từ trước tới nay vẫn theo nguyên tắc Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải chia sẻ khó khăn khi có biến cố về thị trường, nhưng theo ông Bảo, "Nếu chúng ta muốn hội nhập, trước sau cũng phải tiệm cận đến mặt bằng giá thế giới và phải có lộ trình chứ không thể thả nổi ngay được. Lộ trình phải phù hợp với sự bền vững thị trường, mức sống của người dân và tốc độ phát triển kinh tế".

Theo ông Bảo, một lộ trình chi tiết để "hội nhập giá xăng dầu" là điều đã đến lúc rất cần thiết. Ngay cả vấn đề tiết kiệm xăng dầu, nếu chỉ bằng lời nói, hô hào thôi không được. Còn khi tăng giá, mọi người sẽ đều phải nghĩ tới tiết kiệm.

Ông này cho rằng, việc giá xăng dầu trên thế giới tăng sẽ gây khó khăn cho việc nhập khẩu hàng. Hiện tại, mỗi ngày Petrolimex phải chịu mức lỗ 30 tỷ đồng, tăng 10 tỷ so với trước đây.


Các
doanh nghiệp xăng dầu đang khó ở chỗ: giá tăng cao, đồng thời họ phải bỏ ra lượng ngoại tệ rất lớn để nhập hàng về. Nếu trước đây chỉ phải trả 10 triệu USD cho một chuyến tàu thì bây giờ lên gấp đôi, gấp rưỡi. Chính phủ hoặc ngân hàng hãy tạo điều kiện sao cho doanh nghiệp đủ lượng ngoại tệ để nhập hàng. Tuy nhiên, ông này khẳng định, dù giá xăng dầu trên thế giới hiện tăng cao nhưng Petrolimex sẽ vẫn đảm bảo nguồn xăng dầu mua vào và bán ra thị trường.

Đồng tình với ông Bảo, Thứ trưởng Phan Thế Ruệ của Bộ Thương mại cũng cho rằng, để xử lý tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới chỉ dựa vào lực lượng chống buôn lậu và hô hào thì không thể làm nổi. "Theo tôi, biện pháp lâu dài là phải tăng giá xăng dầu trong nước tương đương giá thế giới. Làm như vậy để chúng ta thích ứng tiến trình hội nhập, giảm bảo hộ để doanh nghiệp tự tính toán và chủ động hơn. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ tập làm quen với mặt bằng giá cả thế giới".

Còn thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thì cho rằng, việc thả nổi giá xăng dầu trước sau cũng sẽ phải làm, nhưng sẽ theo từng bước một để tránh gây sốc với thị trường.

 
Tính chung cả năm 2005, ngân sách có thể phải bù lỗ 12.325 tỷ đồng cho xăng dầu.

Trước mắt, Nhà nước vẫn phải can thiệp để giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước không biến động mạnh. Đồng thời phải đảm bảo giảm tác động của giá xăng dầu đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát và tăng trưởng.

Thả nổi giá xăng dầu là việc mà Nhà nước cũng rất muốn làm. Nhưng trong thời điểm hiện nay thì chưa thể làm được vì sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chưa thể làm ngay. Thả nổi giá xăng thì ngay lập tức tất cả những vật liệu đầu vào của nền kinh tế sẽ bị một cú sốc tăng giá.

Nếu để "cơn bão giá" tràn vào mà không có một tấm chắn thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị đổ bể. Nói như vậy không có nghĩa là tìm cách kìm bao cấp lại, vì đến thời điểm nào đó Nhà nước cũng không thể cứ chìa lưng ra làm tấm chắn mãi được.

Chỉ tính riêng giá dầu diezel (trong đợt tăng giá tháng 3 vừa qua) nếu tính đúng giá thị trường thì cũng phải là 6.800 đồng/lít nhưng chúng ta chỉ dám bán 5.500 đồng/lít mà nhiều doanh nghiệp cũng thấy nghiêng ngả rồi.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu thì sớm muộn gì cũng phải tính đến việc buông giá theo thị trường. Vấn đề là buông đến đâu và thời điểm nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, nếu vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước có thể gây náo loạn thị trường.

(Ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - trả lời báo Người Lao Động)

  • Hồng Phúc

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Tăng giá xăng dầu kể từ 19h tối nay
Nhiều nước châu Á tăng giá xăng dầu
Thuế nhập khẩu xuống 0%, giá xăng bán lẻ vẫn không giảm
Giá xăng tăng, người dân đau đầu nghĩ cách tiết kiệm
CÁC TIN KHÁC:
Giá thép có thể tăng nhẹ vào cuối năm (29/06/2005)
Đồ gỗ tìm kiếm đơn hàng cho 2006 (29/06/2005)
Sức ép đè nặng giá xăng trong nước (28/06/2005)
Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị “chống bán phá giá” (28/06/2005)
Xe hơi giảm giá (28/06/2005)
Du khách Mỹ tới VN tăng vọt trong tháng 6 (28/06/2005)
Cao su khan hàng, giá tăng mạnh (27/06/2005)
Thị trường bất động sản Hà Nội đóng băng? (27/06/2005)
Dệt may vẫn giậm chân tại chỗ (25/06/2005)
63 USD cho một tour du lịch Thái Lan... (25/06/2005)
Ôtô - khuyến mãi trong mùa ế (25/06/2005)
300 triệu USD xây dựng khu du lịch ở Vũng Tàu (24/06/2005)
Sức ép lên giá xăng dầu và từ giá xăng dầu (24/06/2005)
TP.HCM: Khách nước ngoài tăng mạnh (24/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang