Hỗn loạn thị trường sữa bột
08:35' 04/07/2005 (GMT+7)

Đời sống ngày càng cao, nhu cầu sử dụng sữa cũng ngày càng tăng. Vì vậy mà thị trường sữa bột chưa bao giờ lại phong phú đa dạng như hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng lo là bên cạnh đó có không biết bao nhiêu loại sữa không nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng không rõ ràng do các cơ sở pha chế đóng gói tràn ngập thị trường.

Giá tăng, sức mua lại càng tăng

Soạn: AM 467333 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cảnh giác sữa nhãn mác không rõ ràng, lập lờ...

Thị trường đang có hơn 300 sản phẩm sữa của các công ty lớn như Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood Việt Nam, New Zealand Milk, Abbott... Trong đó, các loại sữa có giá bán đắt nhất là sữa dành riêng cho trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai lại là những loại sữa được tiêu thụ mạnh nhất. Một chủ cửa hàng sữa ở khu vực chợ Bình Tây cho biết mỗi tháng cửa hàng này bán lẻ trên 30 hộp sữa dành cho người lớn tuổi, trên 30 hộp sữa dành cho trẻ em, khoảng 15 hộp sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Sức tiêu thụ những loại sữa này ngày càng tăng dù giá sữa cũng ngày càng cao.

Những loại sữa đặc biệt, sữa có chứa DHA, can xi... luôn được người tiêu dùng quan tâm dù cho giá cả thường đắt hơn sản phẩm sữa thường khoảng 10.000đ/hộp. Theo một tiểu thương bán sữa ở chợ Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM), những bà mẹ luôn mong muốn chọn loại sữa tốt nhất cho con mình, những người tìm mua sữa cho cha mẹ già cũng muốn chọn loại tốt nhất dù giá sữa có đắt đến đâu. Hiện các loại sữa đắt nhất gồm sữa Gain Advance 200.000đ/hộp (900g), sữa Gain IQ 200.000đ/hộp (900g), sữa Pedia Sure loại đặc biệt trên 200.000đ/hộp (900g), sữa Delac Mama 45.000đ/hộp (400g), sữa Delac can xi Premer 70.000đ/hộp (400g), sữa Anlen Active có hàm lượng can xi cao 60.000đ/hộp (400g), sữa Anlen vàng cho người trên 51 tuổi 51.000đ/hộp (325g)...

Nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng, các công ty sữa luôn tung ra những sản phẩm mới được bổ sung dưỡng chất mới. Theo nhiều chủ cửa hàng bán sữa, cứ khoảng 3 tháng là một loại sữa mới được ra đời với tên mới, trong thành phần có thêm các chất đặc biệt như can xi, DHA... hoặc mang hương trái cây mới, bao bì mới với giá bán cao hơn sản phẩm cũ từ 3.000đ - 10.000đ. Và sau một loạt chương trình quảng cáo, khuyến mãi giới thiệu trên phương tiện truyền thông, sức mua đối với các loại sữa mới lại tăng lên.

Cảnh giác sữa nhãn mác không rõ ràng, lập lờ...

Theo quy định, người buôn bán, vô bao đóng gói sữa không phép nếu là hộ cá thể phạt từ 200.000đ đến 700.000đ, đình chỉ hoạt động; nếu là doanh nghiệp, công ty phạt từ 5 - 15 triệu đồng, đình chỉ hoạt động (Nghị định 175/CP). Hành vi sản xuất sữa giả phạt từ 2 -10 triệu đồng, buôn bán sữa giả phạt từ 1 - 5 triệu đồng. Nếu gây hại sức khỏe phạt từ 5 - 20 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy. Sản xuất sữa không công bố chất lượng phạt từ 500.000đ - 2.000.000đ. Chất lượng kém: buôn bán phạt 1 - 3 triệu đồng, sản xuất phạt 2 - 5 triệu đồng buộc tái chế (Nghị định 57/CP). Vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa phạt từ 200.000đ - 5.000.000đ.

Một thị trường sữa hấp dẫn nhưng được quản lý lỏng lẻo đã trở thành miếng mồi béo bở cho các loại sữa không nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng lập lờ, không rõ ràng, chất lượng kém. Tháng 5.2005, hàng ngàn hộp sữa Enter Milk do Công ty TNHH Tiên Bửu (Q.12, TP.HCM) bị cơ quan quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ do đã tự ý ghi đôn ngày tháng sản xuất trước một tháng.

Trước đó, hàng loạt công ty sản xuất sữa bột trên địa bàn TP.HCM bị phát hiện đã vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa (không ghi địa chỉ sản xuất, không ghi định lượng, không ghi hạn sử dụng, sữa ngoại không kèm nhãn phụ bằng tiếng Việt...), đóng gói tại TP.HCM mà sử dụng bao bì nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, Úc, Mỹ; không bảo đảm vệ sinh...

Bà Trần Thị Bích Dương, Đội phó Đội QLTT 3A cho biết: các loại sữa bột nguyên kem được kiểm tra đều có chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức qui định. Chẳng hạn, hàm lượng béo quy định là 24% nhưng thực tế kiểm tra chỉ 21%, vitamin B1 qui định 3-5 mmg/100g thực tế chỉ 0,20, Vitamin E quy định 8-10 mmg/100g thực tế đến 15,3, hàm lượng đạm quy định 26% khối lượng nhưng thực tế chỉ 20,8%... Một số công ty ghi trên bao bì nhiều loại vitamin để khiến người tiêu dùng chú ý nhưng thực tế kiểm tra thì không có một loại vitamin nào trong thành phần của sữa này!

"Phải 5, 10 năm sau Việt Nam mới sản xuất được sữa bột" - một chuyên gia trong ngành nhận xét - "cho nên hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập sữa. Và cái chính là Nhà nước hầu như không quản lý gì về chất lượng ở khâu nhập sữa, ngoại trừ việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm". Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn sữa bột nhập khẩu hiện nay từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc, New Zealand... chất lượng sữa rất khác nhau. Nhiều công ty, cơ sở mua loại sữa Trung Quốc bán tại các chợ dạng bao 25 kg với giá 9.000 đồng/kg về sang chiết vào bao bì rồi bán ra với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, "hớp hồn" người tiêu dùng bằng các bao bì sặc sỡ, in đủ các loại vi chất, gắn các nhãn hiệu ngoại lập lờ...

Một số cơ sở sản xuất sữa hiện nay thực chất chỉ là nơi đóng gói sữa bột đem bán "Việc đóng gói, vào hộp là đúng vì người tiêu dùng không thể mua một lúc bao 25 kg về dùng được. Vấn đề là nơi đóng gói có chấp hành đúng luật pháp hay không? Nguyên liệu đầu vào có bảo đảm hay không? Quá trình đóng gói có bảo đảm vệ sinh hay không? Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng rất dễ dãi không quan tâm tới nguồn gốc, hạn sử dụng... đã rơi vào bẫy của các cơ sở này", một cán bộ QLTT nói.

Theo bà Bích Dương, sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng đã góp phần vào sự hỗn loạn của thị trường sữa hiện nay. Các quy định của những bộ, ngành liên quan về hình thức xem ra rất chặt chẽ nhưng thực chất là lỏng lẻo, tạo đất sống cho các cơ sở làm ăn chụp giật. Chẳng hạn, theo quy định, các nhà sản xuất, đóng gói sữa phải tự công bố chất lượng, song nhiều cơ quan quản lý sau khi duyệt bảng công bố chất lượng thì coi như xong, các cơ sở muốn làm gì thì làm. Chính vì vậy mà hễ có kiểm tra là có vi phạm.

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá vàng giảm 20.000-30.000 đồng/lượng (02/07/2005)
Giày dép hè: Lắm kiểu, nhiều giá (02/07/2005)
Hàng điện tử vào mùa khuyến mãi (02/07/2005)
Cấp visa tự động thêm 12 cat dệt may (01/07/2005)
Nỗi buồn giày dép! (30/06/2005)
Parkson, "đại gia" bán lẻ vào VN (30/06/2005)
Giày dép Việt Nam có thể bị EU kiện bán phá giá (30/06/2005)
Giá xăng dầu sẽ tăng khi áp dụng biên độ giá (30/06/2005)
Giá thép có thể tăng nhẹ vào cuối năm (29/06/2005)
Đồ gỗ tìm kiếm đơn hàng cho 2006 (29/06/2005)
Sức ép đè nặng giá xăng trong nước (28/06/2005)
Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị “chống bán phá giá” (28/06/2005)
Xe hơi giảm giá (28/06/2005)
Du khách Mỹ tới VN tăng vọt trong tháng 6 (28/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang