6 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh ở nhiều thị trường, nên kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp, chỉ đạt 2,8%, với gần 1,4 tỷ USD.
|
Ảnh minh họa |
Tại thị trường EU, giày dép của Việt Nam không chỉ phải đối mặt với hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc - vốn có lợi thế hơn về nguyên phụ liệu và năng suất lao động - mà còn phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều các nước bị ảnh hưởng của đợt sóng thần, được miễn thuế xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam ở khu vực châu Á, mức tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng đầu năm vẫn tương đối khả quan, cả về thị phần và kim ngạch. Việt Nam đã vượt qua Indonesia để trở thành nhà cung cấp giày dép lớn thứ 3 cho Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc và Italy.
Nhu cầu nhập khẩu giày dép của Nhật Bản vẫn có xu hướng tăng vì vậy khả năng xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam vào thị trường này sẽ vượt mức kế hoạch đề ra là 80 triệu USD cho năm 2005.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, theo Bộ Công nghiệp, ngành da giày cần đổi mới công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm đa dạng và phù hợp với thị trường xuất khẩu và lựa chọn các đơn hàng có giá trị gia tăng cao nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, tránh lãng phí năng lực sản xuất và cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc, đặc biệt là ở thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ngành cũng cần chủ động nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất bằng việc sớm tổ chức xây dựng và đưa vào hoạt động các chợ nguyên phụ liệu và đầu tư các dự án phát triển ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước.
(Theo TTXVN) |