Làm gì để đối phó với việc kiện "chống bán phá giá"?
11:44' 11/07/2005 (GMT+7)

Nếu năm 1995, trên thế giới chỉ xảy ra khoảng hơn 100 vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), thì đến năm 2004 con số này đã tăng lên tới 1.000 vụ. Đối với hàng xuất khẩu của VN, riêng năm 2004 đã có tới 6 vụ (trong tổng số 20 vụ kiện CBPG từ trước đến nay). Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, số lượng các vụ kiện CBPG đối với hàng hóa VN sẽ tăng cao trong 5 năm tới.

Mặt hàng nào đang nằm trong “tầm ngắm”? 

Soạn: AM 155775 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các khách nước ngoài đang tham quan gian hàng đồ gỗ Việt Nam.

Theo TS Adam McCarty, chuyên viên Quỹ xây dựng năng lực quản lý Quốc gia có hiệu quả VN-Australia, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ CBPG như sức ép tự do hóa thương mại, sức ép cán cân thương mại, mức tăng trưởng nhập khẩu, lợi thế xuất khẩu và mức độ tập trung của các ngành sản xuất trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế… Và một trong những yếu tố quan trọng nữa đó là động cơ trả đũa về chính trị.

Nhìn lại 20 vụ kiện CBPG đối với hàng VN, thì vụ kiện về cá da trơn (cá basa) và tôm là 2 vụ có quy mô và phức tạp nhất. Khởi kiện nhiều nhất là EU (9 vụ), tiếp đến là Hoa Kỳ (2 vụ), Canada (2 vụ) còn lại là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru…

Những mặt hàng bị kiện chủ yếu là thủy hải sản (2 vụ), nông sản thực phẩm, các mặt hàng liên quan đến kim loại (vòng khuyên kim loại, oxít kẽm, xe đạp, ống thép, then chốt cửa bằng inox), bật lửa, đèn huỳnh quang, ván lướt sóng.

Ngoài những sản phẩm kể trên, còn những mặt hàng nào đang trong “tầm ngắm” của đối tác? Theo một quan chức ở Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại, hiện Hoa Kỳ đang thu thập thông tin về ngành dệt may VN. EU và Canada trước đây đã từng điều tra hàng da giày của ta nhưng chưa áp đặt thuế CBPG.

Gần đây, EU cũng đã tiến hành điều tra nhiều mặt hàng liên quan đến điện tử và kim loại. Một số mặt hàng nông sản như tỏi, bột mì cũng đã và đang bị điều tra. Riêng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chấm dứt nạn tranh mua, tranh bán bằng cách liên tục hạ giá bán thấp nhất để giành khách hàng thì trước sau gì cũng bị điều tra CBPG…

Tại cuộc gặp với các DN TP.HCM vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cảnh báo các DN trong ngành gỗ, dệt may hãy thận trọng khi chọn đối tác để hợp tác làm ăn, đồng thời phải chuẩn bị cả vật chất và tinh thần để sẵn sàng đối phó với các vụ kiện CBPG.

Theo bộ trưởng, ở một nước đang phát triển như VN, thì việc một ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh, rất dễ bị các đối tác nhòm ngó. Các chuyên gia thuộc dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của VN” cũng lưu ý, ngoài Hoa Kỳ, EU sẽ còn rất nhiều nước có thể kiện CBPG đối với VN khi VN đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Do vậy, các DN cần cảnh giác với các thị trường Đông Á, Ấn Độ…

Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin

Trước hết, để kịp thời xác định nguy cơ, theo kinh nghiệm của TS Adam McCarty, mỗi hiệp hội ngành hàng cần đánh giá năng lực và lợi thế cạnh tranh của sản xuất trong nước với cùng ngành hàng tại thị trường nước nhập khẩu.

Muốn thực hiện được điều này, mỗi ngành cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, phải phân tích từng sản phẩm ứng với từng thị trường xuất khẩu. Đây là công việc đòi hỏi nỗ lực và sự tham gia của nhiều bên như hiệp hội sản xuất và tiêu dùng, thống kê, hải quan, đại diện thương mại VN ở nước ngoài.

Khi vụ kiện xảy ra, cách đối phó hiệu quả nhất, theo ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, phải chuẩn bị sổ sách, tài liệu, kiểm toán hạch toán một cách đầy đủ và minh bạch. Các DN cần phối hợp thuê chung luật sư để bớt đi gánh nặng chi phí, đồng thời thống nhất trong việc trả lời để vượt qua những cái bẫy được đặt sẵn trong các bảng câu hỏi.

Phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan như hiệp hội tiêu dùng và các nhóm lợi ích ở nước nhập khẩu, tích cực vận động hành lang và cung cấp thông tin kịp thời cho bên điều tra. “DN khi bị kiện cũng đừng nghĩ đến chuyện thắng kiện mà cần tuân thủ những vấn đề nêu trên để có được mức thuế CBPG thấp nhất” – ông Sơn lưu ý.

Bài học từ vụ kiện CBPG cá basa và tôm

Soạn: AM 93769 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chế biến cá tra, basa xuất khẩu.

Vụ cá basa bị khởi kiện vào tháng 6-2002, kết thúc vào tháng 6-2003, bị áp mức thuế CBPG từ 36,84% tới 63,88% lên doanh nghiệp VN. Vụ kiện tôm bắt đầu từ tháng 12-2003, kết thúc tháng 11-2004, với mức thuế từ 4,13% tới 25,76% lên doanh nghiệp VN.

Theo phân tích của ông Andrew Hudson thuộc dự án: “VN hội nhập kinh tế thế giới, nâng cao năng lực CBPG”, sở dĩ vụ kiện tôm mang lại kết quả tốt hơn, bị áp mức thuế thấp hơn là vì VASEP đã dự đoán trước và có thời gian chuẩn bị khoảng 2 năm (trong khi vụ kiện cá basa chỉ có hơn 1 tháng chuẩn bị). Hơn 10 cuộc tập huấn về CBPG cho các DN xuất khẩu tôm được tổ chức, do vậy việc trả lời các bảng câu hỏi khá tốt.

Ngoài việc thuê luật sư giỏi chuyên ngành, vụ kiện tôm còn tranh thủ được sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ VN và nước ngoài như liên đoàn hành động người tiêu dùng, hiệp hội các nhà phân phối thủy sản Hoa Kỳ, nhóm đặc trách tôm.

Các doanh nghiệp VN còn phối hợp với các bị đơn khác là Thái Lan để trao đổi thông tin trong quá trình diễn ra vụ kiện. Cần biết sử dụng nhiều kênh để tiến hành lobby (vận động hành lang), có chiến lược và kế hoạch rõ ràng, chủ động và tích cực trong mọi giai đoạn trước, trong và sau vụ kiện.

CBPG được xem như một cái “van an toàn” để điều tiết hàng hóa của từng quốc gia trong nền kinh tế mở. Đối phó với những vụ kiện CBPG rất tốn thời gian, tiền của và công sức.

Do vậy, mỗi DN cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường hơn, có chiến lược xây dựng thương hiệu một cách bài bản để đủ sức đương đầu với những thương hiệu mạnh và xa hơn là đối phó với những vụ kiện CBPG có thể xảy ra.

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tổng Công ty HKVN: 9.960 tỷ đồng doanh thu nửa đầu 2005 (11/07/2005)
Cước hàng hải tăng cao, doanh nghiệp kêu trời (11/07/2005)
Đà Nẵng: Khai trương nhiều tuyến, điểm du lịch sinh thái (11/07/2005)
Honda VN xuất khẩu hơn 45.000 xe máy ra nước ngoài (09/07/2005)
Tour du lịch vòng quanh Việt Nam trong 79 ngày (09/07/2005)
Ngành da giày chuẩn bị đối phó với kiện phá giá (08/07/2005)
Khai trương khu du lịch đầu tiên tại bán đảo Sơn Trà (08/07/2005)
EU chính thức khởi kiện giày dép Việt Nam! (08/07/2005)
Đón khách Mỹ không khó, nếu... (08/07/2005)
10 DN lữ hành quốc tế và khách sạn hàng đầu VN (08/07/2005)
Cảnh giác với trái cây ngoại nhập (08/07/2005)
Phụ tùng xe đạp sắp bị kiện bán phá giá tại Argentina (07/07/2005)
Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào giá tăng (07/07/2005)
Các khách sạn Hà Nội "cháy phòng" (07/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang