(VietNamNet) - Bộ Thương mại cho biết, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi và cùng phát triển, làm nền tảng của sự hợp tác bền vững và lâu dài giữa Việt Nam và EU đang có nhiều thuận lợi.
|
Thuỷ sản - mặt hàng thế mạnh Việt Nam xuất khẩu vào EU. |
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu mở rộng quan hệ thương mại dịch vụ với EU, đến năm 2010 nâng kim ngạch xuất khẩu lên 7,5 - 8 tỷ USD, nhập khẩu lên trên 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán để ký kết các Hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước thành viên EU, đưa tổng vốn FDI thu hút từ EU năm 2010 bằng 1,5 - 2 lần năm 2004.
Tính đến cuối năm 2004, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt 7,47 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 5 tỷ USD, nhập khẩu 2,51 tỷ USD và Việt Nam liên tục xuất siêu vào thị trường này. Cũng vào thời điểm tháng 12/2004, EU đã có 473 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 6,9 tỷ USD, chiếm 9,04% vốn FDI đã được cấp phép, đứng đầu danh sách những nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, trước mắt, các doanh ngiệp Viêt Nam sẽ tập trung vào các mặt hàng nông sản, khoáng sản và hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày dép, thuỷ sản, cà phê, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... với chất lượng, mẫu mã và tiêu chuẩn vệ sinh phù hợp với đòi hỏi rất cao của người tiêu dùng châu Âu.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực gia tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, kể cả thông qua liên doanh, gia công cho các doanh nghiệp châu Âu và từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam đối với các sản phẩm xuất khẩu sang EU; tranh thủ EU duy trì cơ chế hệ thống ưu đãi phổ cập - GPS đối với Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển có thu nhập thấp, thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế thị trường”.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tự, các Bộ, ngành cần rà soát các văn bản pháp lý đã được ký kết để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cho phù hợp với việc Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới cũng như với EU được mở rộng và liên kết chặt chẽ hơn. Cũng như thu thập, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường EU về: cơ chế, chính sách, nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn... xúc tiến thương mại, tìm kiếm để nâng cao kim ngạch buôn bán hai chiều.
|